Thứ ba, 08/10/2024, 23:10 [GMT+7]

Đắm say xòe Thái

Thứ năm, 23/11/2023 - 19:55'
Múa xoè là hoạt động không thể thiếu trong những cuộc vui, đêm hội của đồng bào dân tộc Thái. Ngày nay, xòe Thái còn “cuốn” đồng bào các dân tộc khác theo những bước chân uyển chuyển, nhẹ nhàng của người con gái Thái trong vòng xòe đại đoàn kết. Bởi thế, điệu xòe Thái vẫn còn mãi với thời gian.

Xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn) được xem là một trong những nơi khởi nguồn điệu múa, điệu xòe của dân tộc Thái. Theo hồi tưởng từ những “xao xè” (người múa xòe) còn lại trong đội xòe của vua Đèo Văn Long, vị vua này rất yêu xòe nên ngày xưa còn chia ruộng cho “Xao xè” và “Báo khỏa” - người đánh đàn tính để họ có ruộng cho người nhà canh tác mà chuyên tâm cho đội xòe… Những điệu xòe không có trường lớp nào dạy mà người đi trước truyền dạy cho người đi sau.
Còn theo ông Điêu Chính Cẩm - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn văn hóa dân tộc Thái (thành phố Lai Châu) thì xòe Thái có 2 loại: xòe theo vòng tròn và xòe đơn. Xòe đơn thường được các thiếu nữ xòe biểu diễn phục vụ cho vua chúa ngày xưa; xòe vòng tròn là cầm tay bước tiến, bước lùi, vòng trong, vòng ngoài ngược nhau được sử dụng phổ biến trong cộng đồng, tạo nên sự gắn kết và quy tụ. Múa Thái hiện có khoảng hơn 30 điệu, chủ yếu mô phỏng đời sống, sinh hoạt của đồng bào, chẳng hạn như: múa chèo thuyền, múa khăn, múa nón, múa quạt, múa xoỏng… Ngày nay, những điệu múa, điệu xòe được sân khấu khóa dưới nhiều dạng khác nhau, tinh tế hơn, đẳng cấp hơn.
Là một người yêu xòe, đưa những điệu xòe vào thơ, vào nhạc, với nhạc sỹ Vương Khon vẫn đặt ra câu hỏi: “Điệu xòe có tự bao giờ, mà vẫn mê say như thưở nào”…”. Điệu xòe có từ bao giờ không ai biết, chỉ biết nó vẫn gắn bó với triền sông, con suối; với đời sống của đồng bào dân tộc Thái hàng trăm năm qua. Bởi thế, “Điệu xòe thương nhau” (ca khúc làm nên tên tuổi của nhạc sỹ Vương Khon) được công chúng đón nhận, ngày càng đắm say theo bao mùa lễ hội.

Giờ đây điệu xòe không chỉ là “di sản” của người Thái mà còn trở thành biểu tượng của tình đoàn kết toàn dân tộc trong mỗi sự kiện chính trị của địa phương.

Xuất phát từ những điệu múa xòe năm xưa, qua sàng lọc, kết tinh kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo mà điệu xòe được nâng lên thành nghệ thuật, trở thành biểu trưng cho tình đoàn kết, giao lưu, gắn bó các mối quan hệ bản làng và mở rộng phạm vi quan hệ xã hội. Đến nay, đồng bào Thái ở Tây Bắc nói chung, Lai Châu nói riêng đã phát triển lên thành 36 điệu múa xòe cơ bản. Múa xòe Thái là nét văn hóa đặc trưng và là tài sản văn hóa tinh thần chung của đồng bào 20 dân tộc tỉnh Lai Châu. Là một hình thức múa dân gian, xòe Thái ra đời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần, lâu dần trở thành phương tiện giao tiếp, kết nối cộng đồng. Xòe Thái có thể làm vơi đi những nỗi nhọc nhằn sau mỗi ngày lao động vất vả trên nương; làm cho mỗi người con gái Thái thăng hoa theo những điệu tính tẩu trên sân khấu, cũng có thể là một hình thức giải trí trong mỗi cuộc vui, hội ngộ với gia đình, bè bạn hay là hội làng, hội bản trong ngày xuân mới.
Khi những luồng văn hóa ngoại lai du nhập và những tác động không mong muốn của thời đại công nghệ 4.0, điệu múa xòe Thái vẫn còn đó với sức sống bền bỉ theo thời gian. Hiện nay, tỉnh Lai Châu có trên 700 đội văn nghệ ở các thôn, bản, vui hơn là có tới hơn 90% các bản người Thái có đội văn nghệ. Nhiều địa phương trong tỉnh đã thành lập các CLB nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Thái. Tại huyện Than Uyên đã thành lập 2 CLB đàn tính - hát then thường xuyên luyện tập các bài múa, hát; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước, tỉnh, huyện; khôi phục không gian văn hóa Thái; tổ chức giao lưu, thi văn nghệ quần chúng; duy trì hoạt động và tổ chức các sự kiện, xây dựng không gian văn hóa...
CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc Thái (thành phố Lai Châu) gồm khoảng 80 thành viên, trong đó có cả các thành viên từ tỉnh Lào Cai. Không chỉ bảo tồn các điệu xòe cổ, thường xuyên tập luyện tham gia giao lưu với các tỉnh có đồng bào dân tộc Thái sinh sống trong cả nước như: Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An…; CLB còn bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết, tín ngưỡng, ẩm thực dân tộc Thái. Hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc, trong đó có vùng đồng bào dân tộc miền núi, tỉnh ta cũng có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Điều đó tựa như những cơn gió mát lành, góp phần khôi phục, bảo tồn văn hóa các dân tộc nói chung, điệu xòe Thái nói riêng phát triển theo hướng tích cực hơn.
Điệu xòe đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đồng bào Thái. Sức sống điệu xòe Thái lan tỏa bất tận, tạo nên sức hấp dẫn cho bất cứ ai được hòa trong điệu xòe. Tài sản phi vật thể này không chỉ tồn tại ở khu vực Tây Bắc mà còn có mặt trong những đêm hội lớn của đất nước và xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam năm 2009, “Vòng xòe đại đoàn kết” của tỉnh Lai Châu số lượng 1.332 người; năm 2013, màn đại xòe cổ góp mặt đến 2.013 diễn viên, nghệ nhân của thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái). Múa xòe Thái đã trở thành nghệ thuật đặc sắc, sáng tạo, làm giàu cho nghệ thuật múa dân gian.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...