Thứ bảy, 14/12/2024, 16:51 [GMT+7]
"Đòn bẩy" đưa văn hóa - du lịch Lai Châu phát triển lên tầm cao mới

Bài 3: Người dân được thụ hưởng trực tiếp từ nghị quyết

Thứ tư, 13/11/2024 - 09:53'
(BLC) - Việc thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu đã góp phần khôi phục, bảo tồn các bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Người dân chính là đối tượng được thụ hưởng trực tiếp từ nghị quyết. Đây là hiệu quả thiết thực nghị quyết đã đem lại cho người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

* Bài 2: Đưa nghị quyết vào cuộc sống


Là đơn vị điển hình trong thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu, thành phố Lai Châu đã tiến hành bảo tồn, phát huy chợ truyền thống San Thàng. Chợ được đầu tư, nâng cấp quy mô rộng hơn so với trước gồm nhiều khu vực khác nhau như khu bán hàng nông sản, đặc sản của địa phương, khu bán quần áo, khu ẩm thực… Nhờ vậy, lượng du khách đến tham quan mua sắm rất đông. Nhiều người dân trên địa bàn thành phố, khu vực lân cận đã mang đặc sản, nông sản đến kinh doanh tại chợ và tăng thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chợ phiên San Thàng nổi tiếng khắp nơi, trở thành điểm đến, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của thành phố Lai Châu nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung. Chợ được họp vào ngày thứ năm, ngày chủ nhật và tối thứ 7 hàng tuần với rất nhiều hàng hóa phong phú, đa dạng. Nhiều người dân, du khách chỉ chờ đến chợ phiên để đi ăn phở đặc trưng nơi đây. Phở được nấu từ nước xương, thịt lợn dân, bánh phở cũng của chính người dân làm thủ công bằng tay, không có hóa chất, chất bảo quản nên khách ăn rất yên tâm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Tôi làm bánh phở trên 10 năm rồi và đã trở thành công vệc quen thuộc, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình. Khi chợ được mở rộng, du khách đến chợ đông hơn và tôi cũng bán được nhiều hàng hơn. Nhiều người đến mua bánh phở của tôi và trở thành khách tri kỷ, cứ đến chợ lại mua phở về nấu cho gia đình và bạn bè cùng thưởng thức" - Chị Hà Thị Sen - hộ buôn bán ở xã San Thàng, thành phố Lai Châu chia sẻ. 

Rời chợ phiên San Thàng mời du khách đến chợ phiên Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ. Đây là chợ của bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ. Từ khi được bảo tồn, phát huy, chợ ngày càng đông, người dân mang nhiều hàng hóa, nông sản đến bán hơn để phục vụ người dân và khách du lịch. Khi đến với bản ngoài việc thăm quan, ngắm cảnh du khách còn có thể mua rất nhiều sản vật của người dân địa phương mang về làm quà.

Lai Châu có nhiều chợ phiên truyền thống vừa là nơi mua bán hàng hóa, nông sản, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Từ khi thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu nhiều chợ phiên truyền thống đã được đầu tư nâng cấp, người dân mang sản phẩm do chính gia đình làm ra đến bán nhiều hơn và đã tăng thu nhập, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống.

"Trong Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu đưa ra nội dung là khôi phục nghề thủ công truyền thống. Theo đó, một số nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được khôi phục và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, người dân chính là người được thụ hưởng từ nghị quyết. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu" - đồng chí Chu Lê Chinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu cho biết.

Rất nhiều phụ nữ của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu tự may trang phục dân tộc để mặc, trong đó có phụ nữ dân tộc Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Đến với xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu du khách sẽ được chứng kiến phụ nữ dân tộc Lự bên khung cửi chăm chỉ dệt nên những tấm vải với màu sắc của núi rừng để may trang phục dân tộc. Dân tộc Lự là một trong những dân tộc thiểu số trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Hiện nay, trong cả nước người Lự có trên 6.000 người, cư trú tập trung chủ yếu ở hai huyện Tam Đường và Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu. Đối với huyện Tam Đường, xã Bản Hon là một trong 13 xã, thị trấn có người Lự sinh sống nhiều nhất.

Xác định công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập và cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Đường phối hợp với xã Bản Hon tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ bảo tồn nghề dệt dân tộc Lự vào tháng 12/2023. Câu lạc bộ bảo tồn nghề dệt dân tộc Lự xã Bản Hon, huyện Tam Đường gồm 18 thành viên, có trách nhiệm truyền dạy, bảo tồn và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa nghề dệt dân tộc Lự. Đồng thời, sáng tạo ra những sản phẩm dệt đặc sắc gắn với phát triển du lịch.

Chị Lò Thị Đi - Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo tồn nghề dệt dân tộc Lự, xã Bản Hon, huyện Tam Đường cho biết: Tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ, các chị em tích cực tự dệt trang phục dân tộc để mặc, với chị em đây là niềm vui và hạnh phúc. Khi mình tự làm trang phục sẽ tôn nên vẻ đẹp, sự dịu dàng của người phụ nữ. Vào mỗi dịp lễ, tết cùng các chị em trong xã, trong bản diện bộ váy áo dân tộc thấy thật hãnh diện và tự hào vì mình là người dân tộc Lự.

Cũng cụ thể hóa Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu, tại bản Phiêng Tâm, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Uyên phối hợp với UBND xã Mường Khoa tổ chức lớp truyền dạy kỹ thuật tạo hình trang phục dân tộc Lào, nhằm bảo tồn kỹ thuật tạo hình trang phục dân tộc Lào cho các thế hệ mai sau. Tham gia lớp học, các học viên nắm được những kiến thức cơ bản và kỹ năng, kỹ thuật tạo hình trang phục dân tộc Lào như: quay sợi, dệt vải, dệt vải thổ cẩm, dệt tạo hình hoa văn trên vải thổ cẩm (tạo chân váy nữ, khăn nam); kỹ thuật cắt, may quần áo, thêu, tạo hình, trang trí trên áo, váy nữ. Cùng với đó, các học viên cũng được hướng dẫn cách dệt, nhuộm thổ cẩm may trang phục truyền thống... Sau khóa học, các học viên có thể ứng dụng vào tạo hình may trang phục dân tộc Lào để phục vụ đời sống hàng ngày.

Đối với huyện Than Uyên vào cuối tháng 9/2024, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Than Uyên khai giảng lớp truyền dạy chữ viết dân tộc Thái năm 2024. Bà Lương Thị Tý - Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Than Uyên cho biết: Tham gia lớp học, các học viên sẽ được giới thiệu bảng chữ cái, truyền đạt về cách đọc, viết, phiên âm, thanh điệu, chữ viết dân tộc Thái… Đồng thời, thực hành viết bài thu hoạch. Việc làm này đã góp phần bảo tồn và giữ gìn nét đẹp chữ viết của dân tộc Thái.

Còn rất nhiều nội dung của Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu được các địa phương và cử tri trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện như sưu tầm trang phục và trang sức; công cụ và sản phẩm nghề thủ công truyền thống; công cụ, dụng cụ thực hành phong tục và tín ngưỡng tốt đẹp, trò chơi dân gian của dân tộc Lự, Kháng, La Hủ… Thành lập các câu lạc bộ bảo tồn nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật dân gian các dân tộc như câu lạc bộ bảo tồn nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật dân gian dân tộc Lào xã Bản Bo, huyện Tam Đường; câu lạc bộ truyền dạy dân ca dân tộc Giáy phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu; tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc như tổ chức lớp truyền dạy dân ca, dân vũ dân tộc Cống, xã Nậm Khao, huyện Nậm Nhùn… Trong đó, người dân đều được thụ hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ quá trình thực hiện.

Kế thừa quan điểm của Nguyên Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước, xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội” (1), thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh, tỉnh Lai Châu đã tích cực giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế và được các địa phương, cử tri trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng thực hiện.

Tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay, toàn tỉnh có 171 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao đến 4 sao và tiềm năng 4 sao của 74 chủ thể. Trong đó có rất nhiều sản phẩm OCOP mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như thịt lợn, thịt trâu, lạp sườn treo gác bếp, chẩm chéo, khẩu xén... Việc sản xuất các sản phẩm OCOP không chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng nói chung, khách du lịch nói riêng mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ gìn được những nét đặc trưng riêng của văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Lai Châu.

Khách du lịch khi đến Lai Châu, ngoài việc tham quan, ngắm cảnh, trải nghiệm còn có rất nhiều các sản phẩm OCOP để lựa chọn mua về làm quà cho người thân và gia đình. Điều này, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm phục vụ du khách khi đến Lai Châu và làm tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.

Việc thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu đã tác động sâu sắc đến việc bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; có khi tác động trực tiếp, có khi tác động gián tiếp đã tương hỗ nhau trong giữ gìn, bản sắc văn hóa dân tộc và đã tác động mạnh đến cả việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, mang lại lợi ích cho người dân trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống.

(1) Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 979, tháng 12-2021, tr. 7

(Còn nữa)

Kim Anh - Văn phòng UBND tỉnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Anh nông dân vùng biên giới làm giàu từ trông sâm Lai Châu
Thay vì trồng trọt, chăn nuôi theo cách truyền thống, nhiều năm nay, anh Tẩn Sài Sông dân tộc Dao ở bản Lả Nhì Thàng (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ) mạnh dạn đổi mới tư duy làm kinh tế. Với việc...