

Tìm hiểu chúng tôi được biết, công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại tỉnh ta thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của tỉnh, chưa gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một bộ phận không nhỏ các nghệ nhân, người nắm giữ bí quyết, thực hành di sản lại tập trung ở người cao tuổi, chưa phát huy được vai trò trong hoạt động bảo tồn. Nhận thức của một bộ phận Nhân dân về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc còn hạn chế, nhất là lớp trẻ hiện nay, khiến nguy cơ mai một, thất truyền văn hóa truyền thống ngày càng rõ nét. Một số bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc như trang phục, nếp sống văn hóa - văn nghệ dân gian, phong tục tập quán... đang bị pha tạp và dần mai một. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống và phương tiện sinh hoạt hàng ngày đang bị thất truyền...
Trước thực trạng đó, công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa đã được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, đầu tư khôi phục, thông qua việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, phong tục tốt đẹp của dân tộc mình. Chú trọng xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, đẩy mạnh phát triển phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng. Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sưu tầm, bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc. Nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; tạo điều kiện bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian... Từng bước bài trừ các hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống văn hóa người dân ra khỏi cộng đồng.
Chương trình giao lưu văn nghệ "Sắc màu văn hóa” góp phần giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc ở địa phương.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận, sưu tầm trên 31.000 hiện vật, trong đó có 1.880 hiện vật dân tộc. Thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể 13/13 dân tộc cư trú thành cộng đồng. Tổ chức, phối hợp mở 13 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc; lựa chọn, xây dựng 5 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đề xuất, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng 2 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sưu tầm, bảo tồn tri thức dân gian 2 dân tộc Hà Nhì, Dao; 6 làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc Thái, Si La, Lự, Mông, Hà Nhì. Phục dựng 12 lễ hội tiêu biểu của 8 dân tộc: Thái, Mông, Si La, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Lự, Mảng; duy trì tổ chức thường niên 40 lễ, lễ hội.
Cùng với đó, các ngành chức năng cũng phối hợp với các địa phương chú trọng khai thác, phát triển vốn văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng các cấp; hoạt động của đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Lựa chọn nét văn hóa đặc trưng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giới thiệu, quảng bá thông qua các hoạt động biểu diễn, trưng bày, triển lãm, trình diễn trang phục... trong các chương trình, sự kiện văn hóa lớn của tỉnh; tham gia các sự kiện, chương trình văn hóa khu vực, toàn quốc. Từng bước khai thác tiềm năng văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, một số bản văn hóa du lịch đã thu hút được khách tham quan, trải nghiệm như: bản Sin Suối Hồ, Vàng Pheo (huyện Phong Thổ); bản Sì Thâu Chải, Lao Chải 1, Bản Hon (huyện Tam Đường); bản Gia Khâu, San Thàng 1, thành phố Lai Châu...
Phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, hoạt động văn hóa cơ sở cũng ngày càng phát triển. Toàn tỉnh hiện có 1.102 đội văn nghệ, trong đó có 665 đội có quyết định thành lập, hoạt động thường xuyên được hỗ trợ 2.000.000 đồng/đội/năm nhằm tạo điều kiện để Nhân dân tham gia, sáng tạo, hưởng thụ văn hóa văn nghệ. Quan tâm, chú trọng, tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ hướng về cơ sở, theo cụm, vùng vừa thực hiện công tác tuyên truyền, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Mới đây chúng tôi có có dịp tham dự Chương trình giao lưu văn nghệ "Sắc màu văn hóa” do UBND xã San Thàng phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Lai Châu tổ chức. 15 tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, các nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ các đội văn nghệ: bản San Thàng 1, Trung Tâm, Thành Công, trường Tiểu học (xã San Thàng) thể hiện. Ngoài ra, Chương trình còn có sự tham gia giao lưu của đội văn nghệ xã Tả Lèng (huyện Tam Đường), đội văn nghệ xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu), các sinh viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Qua đó, không chỉ giới thiệu được bản sắc văn hóa các dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước mà còn tạo sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc trong khu vực. Được tổ chức đúng vào ngày diễn ra chợ phiên nên Chương trình đã thu hút đông đảo khán giả tới xem, cổ vũ và để lại dấu ấn tốt trong lòng bà con Nhân dân và du khách tham dự.
Ông Hoàng Chí Tình - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã chia sẻ, xã San Thàng có 5 dân tộc anh em cùng chung sống. Nhờ lưu giữ khá nhiều bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nên nơi đây đang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Chương trình giao lưu văn nghệ "Sắc màu văn hóa” lần đầu tiên tổ chức song qua chương trình cũng cho thấy bà con tham dự rất đông và mong muốn được quan tâm lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình. Chính vì vậy, thời gian tới, xã sẽ triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu văn hóa chợ phiên San Thàng, tiềm năng thế mạnh của thành phố Lai Châu nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung… Tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đồng thời phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Tạo thành các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút khách tham quan đến với địa phương.
Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh cũng triển khai tốt việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, văn minh. Đến nay, toàn tỉnh có 94,2% thôn, bản, tổ dân phố xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; trên 90% gia đình thực hiện việc cưới, việc tang theo quy định của pháp luật, 100% lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc đảm bảo thực hiện theo quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có sự chuyển biến tích cực cả về chất và lượng, toàn tỉnh hiện có 529 cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa, trong đó trình độ đại học, trên đại học trên 60%, cao đẳng 10%, còn lại là trình độ khác…
Việc bảo tồn, khôi phục và phát triển văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng nhằm từng bước đẩy lùi hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, từng bước giảm nghèo bền vững góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng môi trường văn hóa, con người Lai Châu đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Chính vì vậy, thời gian tới, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp bảo tồn, khôi phục và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống phù hợp với điều kiện thực tế từng địa bàn, từng dân tộc. Tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, phát huy vai trò chủ thể văn hóa đặc biệt là nghệ nhân, người am hiểu, nắm giữ và thực hành di sản, giáo dục văn hóa truyền thống, lòng tự hào, tự tôn, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.
Với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng và phong phú cũng như sự vào cuộc của các các cấp chính quyền địa phương cùng với sự phối hợp và ủng hộ của đông đảo người dân trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số đã giúp Lai Châu trở thành tỉnh có nét văn hóa đa sắc màu các dân tộc thiểu số. Đó cũng chính là tiền đề quan trọng giúp Lai Châu thu hút du khách đến với mảnh đất nơi biên cương Tổ quốc trong mỗi mùa du lịch.
Đến hết năm 2018 toàn tỉnh có 79,3% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; 66,3% thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; 94,2% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa.
Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2025

Báo Lai Châu - “Người kể chuyện” văn hoá trong thời kỳ mới

Nậm Hàng xây dựng đời sống văn hóa
Giữ gìn nét đẹp văn hoá từ những điều giản dị

Kỳ 3: Đoàn kết giữ gìn “hồn cốt” văn hóa, chắp cánh du lịch Lai Châu bay cao

Du lịch nâng tầm, nông nghiệp nâng chất

Thúc đẩy tăng trưởng du lịch hai con số

Hội thi hái chè, sao chè tại xã Phúc Khoa








