

Những đường nét trang trí hoa văn còn thể hiện nét đẹp tâm hồn, tính cách của người phụ nữ Thái.
Ngay từ thủa lên chín, lên mười con gái Thái đã được làm quen với bông, sợi, được mẹ dạy thêu thùa, dệt vải. đến độ mười bốn, mười lăm công việc này đã trở nên thành thạo. Bởi việc biết dệt vải, thêu thùa là tiêu chuẩn, tất yếu của con gái Thái: “Gái phải biết làm vải, trai phải biết đan chài”. Những ngày lễ hội là dịp để các cô thi thố tài năng thêu thùa của mình, nhìn vào tấm khăn, chăn màn của cô gái, các chàng trai đánh giá được sự chăm chỉ, khéo léo của người mình yêu.
Bà Lò Thị Siền (78 tuổi) ở xã Hố Mít, huyện Tân Uyên chia sẻ: Người con gái Thái khi về nhà chồng, ngoài công việc gia đình, ruộng nương còn phải dệt vải, thêu thùa để chồng con được mặc đẹp, họ hàng tới thăm được ngủ đệm, đắp chăn do mình làm ra. Đến khi có con, lại có thêm trách nhiệm truyền lại cho con gái về thêu thùa, may vá”.
Hoa văn, họa tiết trang trí của người Thái có đến 30 loại, thể hiện sinh động trên thổ cẩm, trang trí nhà cửa từ mặt chăn rực rỡ, ấm áp, đến chiếc gối viền cạp màu xinh xắn, chiếc khăn piêu duyên dáng và cả những dây đeo dao mềm mại bên mình làm tôn lên vẻ đẹp của cô gái Thái. Họ thường lấy thiên nhiên, thế giới động vật làm hình mẫu, đó là hình quả trám, hoa ban, mặt trăng, rái cá, con khỉ, thuồng luồng. Hoa văn chủ yếu dùng để diễn tả tình cảm, suy nghĩ của con người về cuộc sống xã hội và tự nhiên chứ không sao chép nguyên mẫu.
Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, vẻ đẹp thiên nhiên, sinh hoạt hàng ngày được khắc họa sinh động. Sản phẩm nổi tiếng của người Thái là vải thổ cẩm với những hoa văn độc đáo, rực rỡ, bền, đẹp. Sự xuất hiện của các con vật trong hoa văn trang trí của người Thái còn biểu hiện ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng nhất định. Trong tín ngưỡng của người thái thuồng luồng được coi là vị thần sông nước. Còn trong các câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại của người Thái thì thuồng luồng hiện thân là một chàng trai tài giỏi, khí phách hiên ngang, luôn giúp đỡ mọi người. Con thuồng luồng còn thể hiện tình cảm, ước mơ và lòng vị tha cao thượng của người mẹ, người vợ luôn thủy chung… Hình tượng con khỉ thường được thêu trên chiếc địu, chăn, quần áo dành cho trẻ em bởi theo quan niệm của người Thái, khỉ là con vật tinh nhanh, lanh lợi, hiếu động với mong muốn con cái mình thông minh, nhanh nhẹn và hiếu thảo.
Trong nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái, màu sắc là linh hồn của người thêu, quyết định sự thành bại của mỗi một hình thêu hoa văn. Màu đỏ sẫm được nhuộm bằng cánh kiến, đỏ tươi ngâm sợi trong quả “xổm xét”, màu vàng do nghệ, vàng da cam từ rễ cây “ken”, màu tím ngâm trong nước lá “khẩu cắm” - đậu đen, và màu đen được tạo nên từ 2 lần nhuộm chàm, một lần củ nâu sau đó nhúng lại với nước chàm. Màu chủ đạo trên các sản phẩm của người Thái là màu xanh của cây cối, màu hồng, trắng, đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời. Từ chất liệu của các loại thực vật có sẵn trong tự nhiên, dưới sự sáng tạo, khéo léo phối màu tạo nên vẻ tươi sáng, hài hòa, nhã nhặn mà không đơn điệu.
Những đường nét trang trí hoa văn còn thể hiện nét đẹp tâm hồn, tính cách của người phụ nữ Thái. Cô gái đang yêu thì không giấu nỗi bâng khuâng thường sử dụng những gam màu sáng làm chủ đạo. Những phụ nữ lớn tuổi thiên về gam màu trầm, đậm nét suy tư, đường nét rắn rỏi. Người Thái dùng các cặp màu đối xứng hoặc lặp lại phản ánh quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp: đỏ - vàng, xanh da trời - trắng, vàng da cam - lá mạ… và chúng được lựa chọn theo công dụng của từng loại thổ cẩm.
Ngày nay do nhu cầu của cuộc sống, số phụ nữ Thái biết thêu thùa, trồng bông dệt vải không nhiều nhưng nghệ thuật trang trí hoa văn của người Thái vẫn được lưu giữ thể hiện rõ nhất trong việc dựng và trang trí hoa văn nhà ở, đồ dùng gia đình.
Đêm Tân Uyên Trà và Thơ

Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

15 hội viên tham gia trại sáng tác tại huyện Tân Uyên

Ngày hội “Hương sắc bản Mông” năm 2025

Phát triển du lịch xanh, bền vững

Nét độc đáo trong các lễ hội truyền thống ở Phong Thổ

Chảng Phàng điểm du lịch tiềm năng

Các đơn vị của Vùng 3 hưởng ứng Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2025










