

Tả Phìn là xã vùng cao của huyện Sìn Hồ, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình rộng. Đây là nơi sinh sống của 14 dân tộc, trong đó, chiếm đa số là dân tộc Dao ở các bản vùng cao và dân tộc Mông ở các bản vùng thấp. Thiếu đất sản xuất và dân cư phân bố rải rác đã khiến nền kinh tế của xã khó phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo còn trên 15%, thu nhập bình quân đạt 14 triệu đồng/người/năm. Tuy khó khăn về kinh tế nhưng đời sống văn hóa, tinh thần của các dân tộc trong xã, nhất là của bà con dân tộc Dao thì vô cùng phong phú, đặc sắc.
Nhiều năm trước, vì người dân ít quan tâm nên một phần các văn hóa truyền thống, lễ hội của người Dao, người Mông nơi đây bị mai một. Gần đây với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền xã, cùng nỗ lực của Nhân dân, việc thực hiện xây dựng đời sống văn hóa mới, nông thôn mới... đã góp phần thay đổi diện mạo của xã; đời sống vật chất của người dân được cải thiện; các giá trị về văn hóa truyền thống dần được khôi phục. Bản sắc dân tộc được thế hệ trẻ trong xã quan tâm tìm hiểu, bảo tồn và phát huy, tạo thuận lợi cho Tả Phìn phát triển trên nhiều phương diện khác. Thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, lấy du lịch làm trọng tâm phát triển, phát huy thế mạnh của xã.
Du khách tham quan di tích núi Đá Ô tại xã Tả Phìn (huyện Sìn Hồ).
Văn hóa dân tộc Dao trên cao nguyên Tả Phìn có nhiều nét đặc sắc, từ kiến trúc, trang phục, ẩm thực, dân ca, chữ viết, kiến thức về lịch sử và y dược học cổ truyền vẫn được lưu truyền, bảo tồn.
Cuộc sống của người dân từ nhiều đời nay luôn hòa mình vào tự nhiên, tôn trọng, làm bạn với thiên nhiên để an cư lạc nghiệp. Nhờ triết lý sống hài hòa đó mà bà con luôn yêu thiên nhiên. Rừng cùng với các di tích được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Có những thời điểm cuộc sống người dân trong xã gặp nhiều khó khăn, đàn ông phải đi làm ăn xa, phụ nữ ngày ngày ra chợ huyện làm thuê đủ mọi việc với tiền công eo hẹp nhưng tuyệt nhiên rừng không bị xâm hại. Các nghi lễ quan trọng như: Lễ cấp sắc, Lễ cúng rừng, thờ thần núi vẫn được duy trì nhằm bảo tồn bản sắc cho thế hệ sau.
Anh Tẩn A Khé - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho biết: Những năm gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện và các ban, ngành trong tỉnh, được hưởng lợi từ các chương trình mục tiêu quốc gia nên đời sống Nhân dân trong xã được cải thiện nhiều. Việc phục hồi, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong xã được quan tâm, thường xuyên duy trì các hoạt động và chú trọng nâng cao về chất lượng.
Sự gắn kết về văn hóa cộng đồng là tiền đề để thực hiện hiệu quả các mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế; thanh niên lập thân, lập nghiệp; cựu chiến binh làm kinh tế giỏi; xây dựng gia đình văn hóa… Người dân hỗ trợ nhau với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, người làm trước chỉ bảo cho người làm sau kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt. Kết nối đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ của xã là các đoàn viên thanh niên nhạy bén về công nghệ 4.0. Nhờ được giới thiệu trên các mạng xã hội nên nhiều sản phẩm về du lịch, văn hóa và cây dược liệu của xã được đông đảo du khách biết tới.
Thực hiện bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương, xây dựng đời sống mới tại khu dân cư khiến Tả Phìn có nhiều thay đổi. Từ một xã nghèo, lạc hậu, người dân phải xa xứ mưu sinh thì hiện tại bà con có thể tự phát triển các mô hình kinh tế, đảm bảo ổn định đời sống. Trong năm 2020 vừa qua, xã có hơn 100 hộ được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với dư nợ trên 3 tỷ đồng. Việc sử dụng nguồn vốn vay hợp lý, hiệu quả đã thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm 4 - 5%/năm. Đây là mức giảm cao so với các xã khác.
Đặc biệt, 100% số hộ trong xã đăng ký gia đình văn hóa, thực hiện hương ước của bản như: bài trừ các hủ tục, tổ chức hiếu hỷ theo tinh thần đời sống mới, tiết kiệm, văn minh. Theo tục lệ của người Dao ở vùng cao những năm trước, việc cưới hỏi rất phức tạp, thách cưới cao, bằng bạc trắng, trâu, bò… Việc này là rào cản lớn cũng là gánh nặng cho nhiều gia đình, thậm chí nhiều cặp đôi sau nhiều năm cưới vẫn chưa trả hết nợ, làm nảy sinh nhiều hệ lụy xấu. Việc thay đổi tư duy cùng lối sống văn hóa mới đã tạo điều kiện cho thế hệ trẻ mạnh dạn hơn trong cuộc sống.
Anh Tẩn Lao Sử - người dân xã Tả Phìn cho biết: Đầu năm 2020, tôi cưới vợ. Nhờ thực hiện theo hương ước về xây dựng nếp sống mới đã giúp tôi tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền của. Cưới xong, vợ chồng tôi vẫn còn dư chút vốn để lo cho cuộc sống. Vừa qua, tôi dùng số tiền đó đầu tư trồng hơn 50 gốc đào, dự tính sau 2 năm có thể bán cành vào dịp tết.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" của xã Tả Phìn dựa trên nền tảng các giá trị truyền thống được kế thừa, thay đổi phù hợp với thời đại, thu hút đông đảo người dân hưởng ứng. Hội tụ được sức dân để phát triển kinh tế là điều mà Tả Phìn đã làm được trong thời gian qua nhờ phát huy được các giá trị về văn hóa cộng đồng.

Báo Lai Châu - “Người kể chuyện” văn hoá trong thời kỳ mới

Nậm Hàng xây dựng đời sống văn hóa
Giữ gìn nét đẹp văn hoá từ những điều giản dị

Kỳ 3: Đoàn kết giữ gìn “hồn cốt” văn hóa, chắp cánh du lịch Lai Châu bay cao

Du lịch nâng tầm, nông nghiệp nâng chất

Thúc đẩy tăng trưởng du lịch hai con số

Hội thi hái chè, sao chè tại xã Phúc Khoa

Biển Cửa Lò – Quyến rũ mùa du lịch







