

Điệu “Múa khăn” dân tộc Thái được Đội văn nghệ “Hoa ban trắng” phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) thể hiện trong buổi giao lưu văn nghệ với các tỉnh bạn.
Trong các dân tộc thì múa dân gian của dân tộc Thái sử dụng đạo cụ đa dạng với: nón, quạt, khăn, xoỏng… Mỗi loại đạo cụ đem đến cho điệu vũ sự cuốn hút riêng biệt. Múa khăn thường lựa chọn dải lụa có các màu sáng như: hồng, vàng, xanh, quyện hòa trong dáng hình uyển chuyển của áo cóm với hàng cúc bướm bạc sáng lấp lánh và chiếc váy nhung dài tôn sắc vóc vẻ đẹp con gái Thái. Múa nón lại là sự cách điệu vật dụng trong đời sống, khi nhiều người múa phối hợp khéo léo tạo thành hình vòng cung uốn lượn tựa sóng lúa trên các thửa ruộng bậc thang hoặc hình tròn, hình hoa chuyển động nhịp nhàng. Múa quạt vừa có sự mềm mại của điệu vẫy quạt, vừa có điệu mở và úp quạt khiến điệu vũ thêm phần rực rỡ… Chiếc đàn tính tẩu âm điệu vang danh của dân tộc Thái cũng xuất hiện khá nhiều trong những điệu múa dân gian. Động tác đánh đàn, múa đàn tính tẩu hòa cùng điệu hát then làm nức lòng bao người trong ngày lễ, tết ở xã Mường So, Khổng Lào (huyện Phong Thổ). Chiếc đàn tính tẩu cũng được đội múa người cao tuổi tổ 8, phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) khéo léo sử dụng trong các điệu múa cổ, khi kết hợp với đội múa khăn, tiếng hát then, hình ảnh những người phụ nữ Thái tay gảy đàn tính tẩu, đi lại xen kẽ khiến điệu vũ trở nên đặc biệt đối với người xem.
Điệu vũ dân tộc Mông, các cô gái chủ yếu sử dụng ô làm tôn điệu múa xúng xính của chiếc váy xòe hoa sặc sỡ đủ màu thì các chàng trai lại linh hoạt sử dụng nhạc cụ là chiếc khèn để múa. Ngoài múa chung với ô thì khèn còn có thể dùng múa đơn, múa đôi, thể hiện sự khéo léo của chàng trai Mông. Mỗi điệu xoay người, đá vắt chéo chân đều là những động tác khó, đòi hỏi chàng trai múa khèn nhanh nhẹn, giữ thăng bằng cơ thể tốt, khiến người thưởng thức phải trầm trồ ngưỡng mộ. Tại Lễ hội Gầu Tào Cha hay mừng ngày Tết độc lập ở xã Nậm Loỏng (thành phố Lai Châu), ngoài ẩm thực, trò chơi dân gian thì nội dung dân vũ được nhiều người dân đón xem, cổ vũ. Nơi đây, những chàng trai Mông say sưa trong điệu múa khèn giữa đất trời giao hòa lồng lộng. Nơi đây váy áo Mông của cô gái xập xòe cùng điệu múa ô nghiêng ngả trái tim, ánh mắt trai bản dõi nhìn theo…
Mỗi dân tộc có đạo cụ múa đặc trưng, riêng dân tộc Dao ở cao nguyên Sìn Hồ lại nổi danh với điệu múa chuông và trống. Trong tiếng trống khí thế, hào hùng, lúc nhanh dồn dập, lúc thong thả từng nhịp thì điệu nhảy và tiếng chuông leng keng hòa theo, lại mang âm hưởng độc đáo riêng. Múa của dân tộc Dao có sự mạnh mẽ, là sự cộng hưởng của những người con sinh ra và lớn lên giữa mây ngàn, gió núi. Đạo cụ rung theo nhịp bước nhảy, chuyển động và tạo nên âm thanh khiến điệu vũ trở nên đặc biệt hơn.
Dân tộc Si La – một trong những dân tộc ít người chỉ có ở Lai Châu tuy dân số ít nhưng lại có nhiều điệu múa đặc sắc. Nghệ nhân Hù Cố Xuân - bản Seo Hai (xã Can Hồ, huyện Mường Tè) chia sẻ với chúng tôi về tình yêu dân ca dân vũ dân tộc. Cũng chính bà Xuân là người dịch tiếng Si La thành lời nhạc phổ thông cho đội văn nghệ bản luyện tập rồi mới dịch nghĩa, tập múa. Các bài hát múa: “Bê lơ min trê thò ơ” (ánh trăng), “ “Nhăm pơ” (nhanh tay)… nội dung gắn với hoạt động sản xuất thường ngày nên sử dụng đạo cụ đơn giản là: ống tre, sàng gạo, chày, cối giã… nhưng đã làm nên các điệu dân vũ “có một không hai” và đoạt giải A tại Liên hoan dân ca khu vực Việt Nam năm 2013 tại tỉnh Thái Nguyên; đoạt giải nhất tại Hội thi tiếng hát Người Cao tuổi tỉnh lần thứ nhất năm 2015.
Dân vũ là di sản văn hóa có từ lâu đời, được sinh ra để phục vụ đời sống tinh thần của Nhân dân. Trải qua thăng trầm thời gian, đạo cụ trong các điệu dân vũ ngày càng thêm phần đa dạng, sống động, phù hợp với xu thế thời đại. Trong các hội thi cũng như dịp lễ, tết, đạo cụ trong các điệu múa đã góp phần làm nên không gian văn hóa thu hút không chỉ bà con trong vùng mà cả du khách đến thăm quan cảnh đẹp, con người tỉnh ta. Tôn vinh điệu dân vũ bằng cách chế tác đạo cụ, hướng dẫn thế hệ đi sau tập luyện cũng là cách giữ gìn tinh hoa, hương sắc các dân tộc của các nghệ nhân, góp phần “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lai Châu đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc” như trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra.
Tin đọc nhiều

Than Uyên: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025
Đêm Tân Uyên Trà và Thơ

Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

15 hội viên tham gia trại sáng tác tại huyện Tân Uyên

Ngày hội “Hương sắc bản Mông” năm 2025

Phát triển du lịch xanh, bền vững

Nét độc đáo trong các lễ hội truyền thống ở Phong Thổ

Chảng Phàng điểm du lịch tiềm năng










