

Nét độc đáo nổi bật trong trang phục Mông hoa là nghệ thuật tạo hình trên màu vải chàm truyền thống. Bộ trang phục được làm cầu kỳ từ nguyên liệu thiên nhiên (cây lanh) nên có độ bền cao. Lanh cắt từ trên nương về phơi nắng 1 tuần rồi tước sợi, đưa vào cối giã mềm và nối lại. Sau đó cuốn thành từng cuộn tròn rồi dùng guồng chia sợi trước khi mắc vào khung dệt để làm nên những tấm vải thật đẹp.
Chị Giàng Thị Măng – xã Tả Lèng (huyện Tam Đường) chia sẻ: “Bộ váy của dân tộc Mông hoa được làm rất tỷ mẩn, từ lúc trồng, thu hoạch cây lanh đến khi làm thành chiếc váy thổ cẩm phải mất 1 năm. Những bộ trang phục đậm sắc màu thổ cẩm được hình thành theo năm tháng từ sự kiên trì, nhẫn nại của người phụ nữ dân tộc Mông. Các em gái dân tộc Mông hoa được mẹ, bà dạy trồng lanh, làm váy từ lúc mới lên 10 tuổi.”.
Trang phục dân tộc Mông đen của bản Thành Lập (phường Đoàn Kết, thị xã Lai Châu).
Sau khi dệt vải, phụ nữ dân tộc Mông đen ở bản Thành Lập (phường Đoàn Kết, thị xã Lai Châu) vẽ sáp ong lên vải trắng những đường hoa văn hình học theo ý muốn sau đó mới đem nhuộm chàm. Người phụ nữ kết hợp cả 3 kỹ thuật là: thêu, vẽ sáp ong và chắp vải để tạo những họa tiết trên nền y phục. Họ thêu hoa văn không cần mẫu, chỉ dùng để thêu thường là sợi tơ tằm có độ bền cao và giữ được màu.
Hoa văn (tiếng Mông gọi là “pàng tau”) trong trang phục của dân tộc Mông đen ở bản Huổi Lùng (xã Nậm Loỏng, thị xã Lai Châu) chủ yếu là hoa văn hình chữ nhật, vuông, thoi, xoáy ốc. Những mô típ hoa văn được hình thành trên cơ sở sợi ngang của thớ vải trên khung cửi và sau này được lặp lại trong kỹ thuật thêu với màu sắc chủ đạo là xanh, đỏ, đen, vàng.
Áo của người phụ nữ dân tộc Mông trắng ở bản Gia Khâu 2, xã Nậm Loỏng (tiếng Mông gọi là “so”) có cổ phía trước hình chữ V, được nẹp, thêu bằng vải màu tùy thích. Phía sau là 1 bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn hài hòa, trang nhã. Hai ống tay áo được thêu hoa văn là những đường vằn ngang với đủ màu sắc từ nách đến khuỷu tay. Đây là nơi thêu hoa văn nhiều nhất, làm nổi bật chiếc áo của người Mông.
Váy của phụ nữ Mông (tiếng Mông gọi là “ta”) là chiếc váy mở, có nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra mềm mại như cánh hoa. Phần cạp váy được khâu xếp lại cho vừa 1 vòng bụng và có 2 dây để buộc. Trên nền váy chàm, phần thêu hoa văn được thực hiện ở nửa dưới của váy. Kỹ thuật thêu, in và ghép từng tấm không chỉ độc đáo, còn gây ấn tượng với du khách khi tận mắt nhìn thấy những chùm hoa văn nở trên nền vải qua bàn tay tài hoa của các cô gái.
Trang phục của phụ nữ Mông không thể thiếu được “lăng” là chiếc thắt lưng, còn có “xế” (tấm vải che trước váy) và “khử lau” (xà cạp quấn chân). Đồng bào Mông quan niệm: đeo “xế” và quấn xà cạp là thể hiện ý tứ và sự kín đáo của người phụ nữ. Phụ nữ Mông ở bản Sùng Chô, xã Nậm Loỏng để tóc dài và quấn vòng quanh đầu rồi đội khăn, tạo nên 1 sắc thái riêng biệt, không lẫn với các cô gái Mông ở bản khác.
Trong thời kỳ hội nhập, đến các bản người Mông ở Lai Châu, du khách vẫn được tận mắt thấy bà con trong trang phục cổ truyền dân tộc. Những hoa văn, họa tiết rực rỡ ấy là nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông, cần được gìn giữ, bảo tồn đến tận mai sau.
Đêm Tân Uyên Trà và Thơ

Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

15 hội viên tham gia trại sáng tác tại huyện Tân Uyên

Ngày hội “Hương sắc bản Mông” năm 2025

Phát triển du lịch xanh, bền vững

Nét độc đáo trong các lễ hội truyền thống ở Phong Thổ

Chảng Phàng điểm du lịch tiềm năng

Các đơn vị của Vùng 3 hưởng ứng Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2025










