

Chúng tôi đã chọn một ngày cuối tuần để cùng nhau du ngoạn trên dòng sông Đà. Không phải vượt ghềnh thác, các cửa tử, cửa sinh như “Người lái đò sông Đà” năm xưa, bởi từ ngày xây dựng đập thủy điện Lai Châu thì thượng nguồn sông Đà không còn hung dữ nữa mà trở thành vùng nước mênh mông với khung cảnh kỳ vỹ của núi rừng Tây Bắc. Loại hình thư giãn trên sông nước mặc dù mới xuất hiện ở Lai Châu song đã thu hút nhiều du khách trong cuộc hành trình khám phá, chinh phục thiên nhiên. Ngồi trên thuyền chạy dọc sông Đà giữa cái nắng và gió miền biên viễn để được thu vào tầm mắt phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, nước sông xanh biếc, hai bên bờ là những cánh rừng núi ngút ngàn, thơ mộng, thấp thoáng những ngôi nhà sàn, nhà lợp ngói của đồng bào các dân tộc, tạo lên một thế giới xanh tuyệt đẹp. Dừng chân ở các bản làng ven sông, chúng tôi được khám phá khá nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, từ đời sống tâm linh, văn hóa bản địa đến những món ăn truyền thống… Có đi mới biết tiềm năng về giao thông đường thủy, du lịch, khai thác, nuôi trồng thủy sản... ở tỉnh ta thật lớn.
Lễ hội Nàng Han ở xã Mường So, huyện Phong Thổ được tổ chức vào rằm tháng 2 âm lịch hàng năm thu hút đông đảo du khách tham gia. Trong ảnh: Nhân dân thắp hương tại Đền thờ Nàng Han.
Vùng ven sông Đà có diện tích tự nhiên 559.438,58ha, hơn 145,5 nghìn người sinh sống trên địa bàn 47 xã, thị trấn thuộc 3 huyện của tỉnh Lai Châu. Phong tục tập quán độc đáo cùng những giá trị văn hóa đặc sắc của 15 dân tộc tạo nên nền văn hoá đa dạng và phong phú, được thể hiện sinh động trong các hoạt động lao động, sinh hoạt hàng ngày của bà con. Đặc biệt là trong các lễ hội truyền thống như: Gầu Tào của người Mông, Gạ Ma Thú của dân tộc Hà Nhì, Lập Tịch của người Dao...; cùng các làn điệu hát dân ca, hát dao duyên đằm thắm, trữ tình của 15 dân tộc đã cuốn hút biết bao du khách khi đến với vùng ven sông Đà... Bên cạnh đó, nghệ thuật tạo hình được thể hiện rất độc đáo trên các bộ trang phục đa sắc màu với nhiều kiểu dáng hoa văn; nghệ thuật kiến trúc và các đường nét hoa văn trang trí trong các ngôi nhà truyền thống; hoặc các sản phẩm thủ công như: chạm khắc, đan lát... cùng các món ăn dân tộc như: cá vùi, cơm lam, dế mèn chiên, thịt sấy… Các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống đó là tiềm năng lớn cho sự phát triển các loại hình du lịch trong vùng. Một trong những sản phẩm văn hóa độc đáo là lòng hiếu khách, tinh thần đoàn kết và tính cộng đồng cao của các dân tộc sống trong vùng. Đó là những giá trị văn hóa phi vật thể quý giá, là nguồn tiềm năng nhân văn và là một lợi thế để phát triển du lịch, góp phần vào quá trình phát triển văn hóa – xã hội chung của vùng.
Địa hình đa dạng, có nhiều cảnh quan đẹp còn tạo cho vùng ven sông Đà nguồn tiềm năng du lịch tự nhiên lớn. Trong các điểm danh thắng quan trọng phải kể đến là cao nguyên Sìn Hồ với khí hậu quanh năm mát mẻ, thiên nhiên còn nhiều nét hoang sơ. Nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với những ngọn núi cao quanh năm mây phủ, những núi đá và hang động có các nhũ đá được kiến tạo qua hàng nghìn năm, với nhiều hình thù, màu sắc xen lẫn là những vách đá rêu phong, bám trên mình thảm thực vật xanh trải dài ngút mắt như núi Đá Ô, động Ông Tiên (xã Tả Phìn), động Tả Ngảo (xã Tả Ngảo) thuộc huyện Sìn Hồ. Hay tảng đá trắng ở xã Thu Lũm (huyện Mường Tè) như một cột mốc biên giới tự nhiên với những câu chuyện huyền bí. Cảnh quan kỳ vĩ của hai bên bờ sông Đà… là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên thu hút sự khám phá của nhiều khách du lịch.
Một lợi thế không thể thiếu khi nhắc đến du lịch vùng ven Sông Đà là những cảnh quan về di tích lịch sử văn hoá có giá trị cho nghiên cứu khoa học, giáo dục và du lịch. Di tích lịch sử Bia và Đền thờ vua Lê Lợi, nơi ghi dấu công lao to lớn của vua Lê Lợi dẹp loạn tù trưởng Man tạo phản. Tấm bia này đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, được coi là tấm bia cổ chữ nôm duy nhất ở Lai Châu, khẳng định chủ quyền phía Tây Bắc của đất nước ta, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Đồn Mường Tè ở xã Mường Tè là dấu tích xâm lược của thực dân Pháp. Khu vực này còn là nơi giam lỏng luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một nhà lãnh đạo của cách mạng Việt Nam. Hiện nay, nhà tưởng niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Đồn Mường Tè đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh; khu dinh thự Đèo Văn Long là dấu tích của vua Thái thân Pháp trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nằm trên địa phận xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn) trở thành di tích lịch sử giáo dục tinh thần yêu nước, chống xâm lăng và nơi tham quan tìm hiểu nét kiến trúc, văn hoá Thái. Hiện nay, dinh thự còn nhiều chứng tích, để có thể trùng tu, tôn tạo phục vụ du lịch…
Nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với phong cảnh sơn thủy, hữu tình, có các điểm tâm linh, văn hóa mang tính lịch sử, nhiều thắng cảnh đẹp, dễ dàng kết nối với các điểm du lịch các tỉnh khu vực Tây Bắc. Nếu khai thác được các tiềm năng, thế mạnh vùng ven sông Đà có thể đưa khu du lịch ven sông phát triển xứng đáng với những tiềm năng vốn có, trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư, du khách trong nước và quốc tế.
Đêm Tân Uyên Trà và Thơ

Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

15 hội viên tham gia trại sáng tác tại huyện Tân Uyên

Ngày hội “Hương sắc bản Mông” năm 2025

Phát triển du lịch xanh, bền vững

Nét độc đáo trong các lễ hội truyền thống ở Phong Thổ

Chảng Phàng điểm du lịch tiềm năng

Các đơn vị của Vùng 3 hưởng ứng Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2025










