

Ngược dòng sông Đà, chúng tôi đến bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tìm gặp bà Hù Thị Xuân – một trong những người rất tâm huyết với việc lưu giữ và phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Tâm sự với chúng tôi, bà Xuân cho biết: “Dân tộc Si La chỉ có ở huyện Mường Tè và sinh sống ở 2 bản Seo Hay, Sì Thâu Chải, xã Can Hồ với trên 500 người. Cũng như các dân tộc khác, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Si La khá phong phú và đa dạng. Ngoài các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi truyền thống của dân tộc Si La, còn có nhiều nghi lễ liên quan đến truyền thống gia đình, cộng đồng như: Thờ cúng tổ tiên, tết năm mới, lễ cúng bản, lễ gieo hạt tượng trưng, lễ cơm mới… Tuy nhiên đến thời điểm này, các nghi lễ, bài hát dân gian, trò chơi truyền thống đang bị mai một”.
Từng là giáo viên, rồi giữ chức vụ Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Can Hồ nên bà Xuân hiểu rõ vai trò quan trọng của việc lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc Si La. Với vốn hiểu biết về văn hóa dân tộc mình, bà Xuân đã không ngừng giáo dục con cháu nâng cao nhận thức về văn hóa Si La. Tổ chức sưu tầm, truyền dạy các bài hát, điệu múa cho cho Đoàn Thanh niên và Chi hội phụ nữ bản; thành lập các đội văn nghệ, câu lạc bộ hát tiếng Si La, tham gia cùng cơ quan chuyên môn nghiên cứu và biên soạn tài liệu lưu giữ về những nét văn hóa của dân tộc Si La… Qua đó, không chỉ khơi dậy niềm đam mê hát dân ca mà còn giúp các thế hệ hiểu rõ được vai trò của mình trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Bà Hù Thị Xuân (thứ 2 từ phải sang) hướng dẫn các em múa U Ka Mi Ka Ka.
Em Chu Mì Nhung – một trong những hạt nhân của Đội văn nghệ bản Seo Hai chia sẻ: “Được sự hướng dẫn của cô Hù Thị Xuân, đến nay, em và 7 bạn trong Đội văn nghệ của bản đã thuộc điệu múa và hát được các bài hát đặc trưng của dân tộc mình như: U Ka Mi Ka Ka (đất trời với người Hà Nhì); Cô Thồ (hoạt động dã gạo của đồng bào Si La)... Trên cơ sở đó, cả đội đã tham gia và dành được nhiều giải tại các Hội thi, Hội diễn trong và ngoài tỉnh… Chúng em sẽ cố gắng rèn luyện để có thể hát thật hay, góp phần nhỏ bé giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình”.
Trước kia người Si La quen sống du cư, du canh trên các triền đồi hoặc ở sâu trong những khu rừng già, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, nhà nước qua các chương trìnnh, dự án, đồng bào Si La đã biết làm nương, cấy lúa nước, phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm, ổn định cuộc sống trong những ngôi nhà Đại đoàn kết. Đặc biệt, Dự án “Hỗ trợ phát triển dân tộc Si La tỉnh Lai Châu” được triển khai đã không ngừng nâng cao đời sống cho đồng bào Si La. Qua đó, nhiều công trình phúc lợi được xây dựng ở địa phương như nhà văn hóa ở bản Seo Hai (nơi trưng bày những vật dụng, nhạc cụ cổ truyền, giáo dục truyền thống của đồng bào Si La); kênh mương thủy lợi, bể nước sinh hoạt, đường giao thông đặc biệt là cây cầu treo sắt bắc qua sông Đà đã tạo điều kiện cho bà con trong bản có điều kiện thông thương hàng hóa, phát triển sản xuất vươn lên xóa đói giảm nghèo. Từ đó, bà con chú ý hơn đến việc gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc mình.
Cũng như nhiều dân tộc khác, người Si La có một kho tàng văn học dân gian rất đáng trân trọng với nhiều thể loại khác như truyện cổ tích, thần thoại, sử ca, dân ca, tục ngữ… Cùng những điệu hát du, hát mừng năm mới, hát mừng nhà mới, hát mừng thọ, hát đối đáp nam nữ… với lời ca mộc mạc, lối ví von giản dị và dễ hiểu nhưng giàu sự biểu cảm, dễ dung động lòng người. Các điệu múa của người Si La thường được biểu diễn vào các ngày hội, lễ, tết, thường kèm theo các nhạc cụ như: Đàn bầu, đàn môi, nhị 2 dây, nổi bật là chiếc sáo “Là pí”- sáo ngắn và sáo “Pờ tư thế lế”- sáo dài. Các nhạc cụ tuy chế tác thủ công từ tre, nứa đơn giản nhưng khi tiếng nhạc cụ cất lên cùng giai điệu dân ca sẽ có âm hưởng riêng, tạo ấn tượng lạ cho người nghe.
Điệu múa của người Si La thường gắn với hoạt động sản xuất thường ngày.
Trang phục của người phụ nữ Si La khá cũng đặc trưng và nổi bật: Áo thường được may bằng vải đen, cổ áo dời, xung quanh cổ áo được viền hai dải vải xanh và đỏ. Người Si La rất chú ý xen kẽ các màu vải với những hoa văn khác nhau. Đường khâu ghép giữa cổ và thân áo bằng chỉ màu và được khâu nổi để trang trí. Giữa thân áo được đính hàng chục đồng xu trắng theo hình rải quạt, tạo cho chiếc áo của người phụ nữ Si La mang một nét đẹp rất riêng. Ngoài ra, phụ nữ Si La còn làm duyên thông qua những chiếc vòng cổ, vòng tay, khuyên tai và khăn đội đầu được trang trí tỉ mỉ, công phu. Người Si La đã có những quy định khá khắt khe trong việc đội khăn theo từng lứa tuổi. Ví dụ, thiếu nữ thì buộc tóc sau gáy rồi quấn khăn trắng khâu bằng chỉ đỏ, xanh quanh bím tóc; khăn đội đầu của phụ nữ đã có con là màu đen, được làm bằng vải xanh, đen; nếu sinh con gái hay trai đều có cách đội khăn khác nhau.
Tín ngưỡng của người Si La luôn hòa quyện với các lễ hội tạo nên sắc thái độc đáo và phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào; mang tính cộng đồng và tính nhân văn sâu sắc. Ví dụ như: lễ bìa khớ (cúng bản) và mía lô lô (cấm bản), lễ cá si ta (gieo hạt tượng trưng)… Lễ cấm bản là lễ cúng quan trọng nhất trong năm thường được đồng bào tổ chức trước các vụ sản xuất để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt; mong cả bản không ốm đau, bệnh tật, lợn gà không bị thú rừng bắt trong năm…
Để từng bước khôi phục lại bản sắc văn hóa của người Si La, hiện nay Phòng Văn hóa – Thông tin huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương phát động phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá; khuyến khích bà con người Si La gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình, vận động các gia đình dạy cho con em học tiếng dân tộc Si La, người già truyền cho người trẻ, người biết nhiều truyền cho người biết ít... để mỗi dịp tết đến xuân về, bà con nơi đây lại cất lên những câu hát, điệu múa, thiết tha thể hiện tâm tư tình cảm và khuyên răn con cháu nhớ đến công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, tổ tiên…

Than Uyên: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025
Đêm Tân Uyên Trà và Thơ

Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

15 hội viên tham gia trại sáng tác tại huyện Tân Uyên

Ngày hội “Hương sắc bản Mông” năm 2025

Phát triển du lịch xanh, bền vững

Nét độc đáo trong các lễ hội truyền thống ở Phong Thổ

Chảng Phàng điểm du lịch tiềm năng










