

Chiếc khăn quấn đầu được chị Tẩn Sun Mẩy, xã Tả Phìn vấn cho con gái từ thuở 10 tuổi.
Vừa quấn đầu cho con gái là Tẩn Mí Dao (12 tuổi), chị Tẩn Sun Mẩy, xã Tả Phìn vừa kể: Khi tôi còn nhỏ đã được mẹ quấn đầu cho, rồi học quấn và sau này là dạy các con gái quấn đầu. Ở xã tôi, từ cô gái trên 15 tuổi đến những cụ già đều thông thạo cách quấn đầu. Hiện nay, thường chỉ lúc đi dự đám cưới, dịp lễ, tết, lớp trẻ mới sử dụng vật trang trí này, còn lớp người tuổi trung nên thì đã có thói quen này nên ngày ngày vẫn quấn đầu như một phần không thể thiếu trong bộ trang phục truyền thống.
Quan sát cách chị Mẩy quấn đầu cho con gái bằng chiếc khăn quấn màu chàm dài 5 – 7 m (nặng trên 2kg). Khi quấn đến vòng thứ 3, chị bẻ gập 3 góc khăn rồi mới quấn tiếp để tạo hình dáng cân xứng, vuông vắn. Học quấn đầu là bài học khó, những cô gái thường phải nhờ mẹ, nhờ bạn quấn sao cho vuông vắn, chỉnh chu. Dưới chiếc khăn quấn đầu màu chàm, gương mặt xinh xắn của cô gái trông càng thêm e ấp.
Trong trang phục phụ nữ Dao Khâu, chiếc khăn quấn đầu hài hòa với các phần trang trí khác và giúp vấn mái tóc dài thêm gọn gàng. Bộ trang phục phụ nữ dân tộc Dao Khâu có sắc xanh của chiếc khăn lưng với những họa tiết thổ cẩm thêu tay trên thân quần (chủ yếu sử dụng chỉ màu đỏ) và chùm đồng bạc treo những tua chỉ màu từ cổ áo xuống lưng. Màu chàm được phối xen thêm trên thân áo và chiếc khăn quấn đầu nhấn nhá bằng các điểm gấp mép khiến cả bộ trang phục nổi bật, độc đáo hơn. Bộ trang phục không chỉ thể hiện rõ nét quan niệm nhân sinh quan của dân tộc Dao Khâu mà còn phù hợp với tiết trời se lạnh cao nguyên đá (cao hơn 1.500 mét so với mực nước biển).
Trong đám cưới ở xã Phăng Sô Lin, du khách có thể bắt gặp hình ảnh phụ nữ Dao Khâu mặc trang phục truyền thống với đầy đủ mọi chi tiết.
Trong thời đại hội nhập, đến chợ phiên thị trấn Sìn Hồ và thăm các gia đình ở xã Tả Phìn, Phăng Sô Lin, chúng tôi thấy hầu như các thiếu nữ không sử dụng loại khăn này trong trang phục. Một phần cũng vì sự bất tiện (khăn quấn đầu khá dài và nặng, khi quấn lại đòi hỏi thời gian) không thông dụng khi làm việc đồng áng, việc nhà. Tuy nhiên, khi được hỏi, các chị cho biết cô gái Dao Khâu nào cũng có nguyên 1 bộ trang phục đầy đủ và sẽ diện trong những ngày đặc biệt của năm.
Tình yêu trang phục truyền thống không chỉ thể hiện niềm tự hào, hãnh diện về dân tộc mình, còn là hành động thiết thực của mỗi người dân thực hiện Nghị quyết số 33 ngày 09/06/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) góp phần gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa đặc sắc bản địa. Nét văn hóa ấy thể hiện trong sự tỉ mẩn, khéo léo tạo bộ trang phục truyền thống, kể từ lúc nhuộm vải, đến thêu, may và cách mặc áo, quấn khăn; sự gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa bằng cách truyền dạy lại cho thế hệ sau, và trên hết là tấm tình của người phụ nữ Dao Khâu thể hiện niềm yêu đất, yêu cảnh vật, con người quê hương.

Phát triển bền vững du lịch cộng đồng

Nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú du lịch
Dào San - Nơi hội tụ sắc màu văn hóa dân tộc Mông

Công bố Quyết định công nhận danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

Phát huy giá trị khoa học và văn hóa của di sản bãi cọc Bạch Đằng
Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2025

Báo Lai Châu - “Người kể chuyện” văn hoá trong thời kỳ mới










