

Tìm hiểu chúng tôi được biết, các làn điệu dân ca Thái được bắt nguồn từ môi trường lao động, sản xuất và sinh hoạt. Phần lời ca vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa thành những câu thơ giàu nhạc điệu, người nghe tìm được ở đó những kinh nghiệm sống, đối nhân xử thế… Khi lời hát cất lên thường làm cho người cảm thụ suy nghĩ, da diết và sâu lắng. Hát dân ca thường được tổ chức trong các sinh hoạt cộng đồng, hội hè, đám hiếu hỷ. Trong lao động sản xuất, bà con cũng hát cho vơi bớt mệt nhọc, cho thỏa tâm tư nỗi niềm. Điều nổi bật của hát dân ca với các làn điệu khác trong hát Thái chính là phần thanh nhạc khi người hát sử dụng, cách ngắt âm, ngắt nhịp, tiết tấu của bài hát. Do đó, từ xa xưa người Thái đã biết chế tạo các loại nhạc cụ và lưu truyền đến ngày nay, đó là trống, chiêng, tính tẩu, nhị, sáo, kèn nứa. Những nhạc cụ này phần lớn có thể làm nhanh để sử dụng với nguyên vật liệu ở rừng rất nhiều và dễ kiếm, chọn lựa.
Ông Lò Văn Khoong, tổ 8, phường Đoàn Kết (thành phố Lai Châu) và đội văn nghệ luyện múa hát Then.
Theo chị Tòng Thị Thân – Dân tộc Thái, xã Mường Cang, huyện Than Uyên thì dân ca Thái có nhiều làn điệu, “Khắp báo xao” - hát trai gái, “khắp chiều” - hát reo, “khắp xơng” - hát thương, “khắp cạ” - hát chơi.. Đầu tiên là những lời hò, tiếp đó đến đoạn ngân vang 1 – 3 câu rồi kết bằng số đông nhiều người cùng cất tiếng hò. Hát trai gái – hình thức tỏ tình bằng lời hát là phổ biến nhất, có hàng chục làn điệu với các chủ đề khác nhau như: Chào hỏi, giới thiệu làm quen, kể gia cảnh, bày tỏ tình cảm, chia tay…Lời bài hát giao duyên được chuyển tải từ những bài thơ hoặc do người hát tự ứng tác cho phù hợp với nội dung, ý nghĩa mà người hát bên kia gửi gắm.
Đối với đồng bào Thái, đám cưới là một dịp đại hỷ của gia đình, mừng vì con trai, con gái mình đã tìm được người yêu, người tâm đầu ý hợp. Gia đình tổ chức đám cưới mời cả bản đến dự, hát mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Hát trong đám cưới dân tộc Thái có rất nhiều bài hay, dài. Nội dung các bài hát đám cưới thường là hát khuyên con gái khi về nhà chồng, hoặc khi đón con rể lên nhà gái như: hát đưa dâu, hát xin dâu, hát đón con rể, hát bảo con gái khi ở nhà chồng…
Nghệ nhân Nông Văn Nhay ở thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ cho biết: Người Thái nổi tiếng với thể loại hát Then, sử dụng phổ biến trong các nghi lễ thờ cúng, thường được tổ chức trong những dịp lễ, tết có ý nghĩa cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Đến nay, Đàn tính hát then với những làn điệu dân ca và những động tác múa uyển chuyển không chỉ đi vào tâm thức của nhiều người sinh ra và lớn lên bên dòng suối Nậm So mà còn lan tỏa tới 25 đội văn nghệ ở các xã, thị trấn trong huyện. Nhờ đó, cộng đồng người Thái nơi đây hàng năm vẫn duy trì được việc tổ chức Lễ hội Then Kin Pang. Đặc biệt là, nhiều bài hát Then tham gia và đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi Đàn tính hát then do các cấp tổ chức.
Tiết mục hát dân ca Thái của chị Tòng Thị Thân tại Hội Xòe chiêng xã Mường Cang, huyện Than Uyên năm 2015.
Cũng như nhiều dân tộc khác, trẻ em dân tộc Thái cũng có đồng dao. Đó là những bài hát gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Bài đồng dao “Bươn ơi” – Trăng ơi, thì hầu như trẻ em người Thái thường được các thế hệ đi trước truyền dậy. Vào những buổi tối trăng sáng trên bãi cỏ rộng, các em nắm tay nhau nhìn trời và cùng hát vang: Trăng ơi trăng trăng, Sao ơi sao sao, Sao cầm rìu tỉa cây cây, Siêng năng đi thuyền bè bè, Bè lấy cột với chày chày, Em đưa chị về nhà nhà, Xuống lều nương ăn dưa dưa, Xuống lều ruộng ăn quả quả, Xuống bãi nghệ chăn trâu trâu, Bò mình đâu đâu, Bò mình thụt hố hố… Những bài hát đồng dao thường chỉ vần theo bài hát, không có ý nghĩa xuyên suốt trong một bài nhưng giúp cho con người thêm yêu thiên nhiên, yêu quê hương mình. Ngoài ra, thể loại hát “Khắp một” - dùng lời hát để chữa bệnh cũng thường được dùng ở cả nhóm Thái đen và Thái trắng.
Để những nét đặc sắc của dân ca Thái tiếp tục được phát huy, trường tồn cùng thời gian, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong tuyên truyền giữ gìn bản sắc văn hóa, rất cần sự chung tay của cộng đồng người Thái tại các địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc lưu giữ, truyền lại các làn điệu dân ca, dân vũ Thái cho thế hệ sau.

Than Uyên: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025
Đêm Tân Uyên Trà và Thơ

Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

15 hội viên tham gia trại sáng tác tại huyện Tân Uyên

Ngày hội “Hương sắc bản Mông” năm 2025

Phát triển du lịch xanh, bền vững

Nét độc đáo trong các lễ hội truyền thống ở Phong Thổ

Chảng Phàng điểm du lịch tiềm năng










