

Trong màu xanh đại ngàn, màu chàm đen bền bỉ với thổ cẩm sặc sỡ, họa tiết hoa văn cuốn hút đã làm nên vẻ đẹp đặc trưng mỗi dân tộc. Kèm theo mỗi bộ trang phục là các trang sức (thường làm bằng bạc, chỉ màu…) phối hợp hài hòa, độc đáo. Cũng như bao dân tộc khác, dân tộc Hà Nhì tự trồng bông, dệt vải thể hoa văn lên bộ trang phục truyền thống để mặc trong các dịp lễ, tết. Trang phục phụ nữ Hà Nhì có điểm nhấn là chiếc khăn vải được trang trí bằng các đồng bạc với những quả bông làm từ chỉ màu. Một bộ trang phục hoàn chỉnh của phụ nữ gồm: mũ, áo, dây lưng và yếm. Trên 2 cánh tay được thêu những mảng màu rực rỡ, tinh tế khiến người phụ nữ Hà Nhì nổi bật như bông hoa thắm của núi rừng.
Phần giới thiệu trang phục dân tộc La Hủ (huyện Mường Tè) tại Festival Đánh thức cao nguyên Sìn Hồ.
Qua bao thăng trầm của thời gian, dân tộc Cống Khao tuy ít người song lại có nền văn hóa bản địa lâu đời với nhiều phong tục, tập quán độc đáo đến nay vẫn được lưu giữ. Bộ trang phục dân tộc Cống Khao được làm từ vải sợi thiên nhiên (bông, lanh) rồi nhuộm chàm. Trên thân áo được viền họa tiết dọc theo cổ áo, viền cánh tay. Eo lưng thắt dây màu xanh và chiếc váy trang trí những hoa văn có ý nghĩa tượng trưng cho cuộc sống của con người gắn kết với thiên nhiên. Ý nghĩa nhất trong bộ trang phục là chiếc khăn piêu thổ cẩm được thêu tay cầu kỳ. Khăn piêu của dân tộc Cống Khao không vắt gập như khăn của dân tộc Thái mà được quấn tròn xung quanh đầu sao cho đoạn họa tiết tỉ mẩn, công phu nhất lộ ra phía trước mặt và thả ở tà sau gáy thiếu nữ Cống Khao, làm nên nét đẹp riêng biệt chỉ có ở dân tộc này.
Trang phục của phụ nữ dân tộc Si La lại là sự phối hợp tinh tế giữa vải chàm với những đồng xu nhỏ được kết trước thân áo, xen kẽ với chỉ thêu hoa văn, họa tiết. Những đồng xu bạc lấp lánh sáng trên nền vải đen đã đem đến vẻ đẹp chỉ có thể thấy ở dân tộc này. Màu váy xanh cũng làm nên nét riêng của dân tộc Si La so với trang phục của những dân tộc khác.
Nhắc đến các dân tộc ở huyện Mường Tè, không thể không kể tới dân tộc La Hủ (còn gọi là dân tộc Xá Lá Và, Cò Xung, Khù Sung) – dân tộc sinh sống duy nhất ở tỉnh Lai Châu. Tuy cuộc sống còn vô cùng khó khăn song các dân tộc vẫn chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Phụ nữ La Hủ mặc áo dài tà đen làm nổi bật dáng vóc. Màu sắc chủ đạo được phối ở cánh tay và điểm xuyết bạc trắng ở thân áo. Khăn quấn đầu chủ yếu được làm bằng vải đủ màu và hạt cườm rủ xuống, tạo nét khả ái cho khuôn mặt của người phụ nữ.
Trang phục của phụ nữ các dân tộc huyện Mường Tè được làm thủ công cầu kỳ với thời gian lên đến hàng tuần, hàng tháng. Ngoài màu chàm, màu chủ đạo từ chỉ thêu là màu đỏ, vàng tạo nét đẹp khỏe khoắn, vui mắt. Trang phục của nam giới có phần đơn giản hơn với áo, quần màu chàm, may túi áo rộng 2 bên thuận lợi trong sinh hoạt đời sống hàng ngày. Đến với những phiên chợ ở huyện Mường Tè là đến với những mảng màu thổ cẩm làm nên nét đẹp văn hóa ở vùng đất này.
Đặc biệt trong ngày tết, lễ hội, các bản làng rộn ràng hơn, những bộ trang phục được chọn mặc cũng là những bộ được làm kỳ công nhất, đẹp nhất. Tấm lòng người Mường Tè phóng khoáng, thoải mái như chính vùng đất kỳ vĩ 2.679,34km2 và 39,92 nghìn người dân nơi đây. Anh Lý Công Hòa, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mường Tè cho biết: “Tham gia Festival Đánh thức cao nguyên Sìn Hồ được Ban Tổ chức Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu tổ chức tại đập Hoàng Hồ (xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ), ngoài tái hiện những lễ hội, tết, chúng tôi còn giới thiệu tới du khách trang phục độc đáo của các dân tộc huyện Mường Tè. Mong rằng cùng với sự phát triển chung của du lịch Lai Châu, sẽ có thêm đông đảo du khách đến thăm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống, bản sắc các dân tộc huyện Sìn Hồ”.
Với 12 dân tộc huyện Mường Tè, trang phục thể hiện đặc trưng văn hóa của từng vùng, từng dân tộc với những nét đặc thù riêng. Các họa tiết, hoa văn nói lên sự khéo léo và trí tưởng tượng phong phú để tạo ra bộ trang phục truyền thống với bản sắc mỗi dân tộc.
Tin đọc nhiều

Than Uyên: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025
Đêm Tân Uyên Trà và Thơ

Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

15 hội viên tham gia trại sáng tác tại huyện Tân Uyên

Ngày hội “Hương sắc bản Mông” năm 2025

Phát triển du lịch xanh, bền vững

Nét độc đáo trong các lễ hội truyền thống ở Phong Thổ

Chảng Phàng điểm du lịch tiềm năng










