

Về xã Mường Khoa, chúng tôi ấn tượng với nét văn hoá truyền thống của đồng bào người dân tộc Lào. Không chỉ là bộ trang phục của chị em phụ nữ khoác trên mình thật rực rỡ với nhiều hoạ tiết sinh động, bắt mắt mà còn có những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng; bài hát giao duyên với tiếng khèn làm lay động lòng người. Rồi có cả nghề thêu, dệt thổ cẩm thủ công truyền thống cầu kỳ; tục nhuộm răng đen và những món ăn ngon, hấp dẫn.
Chị Lò Thị Pỏm - bản Nậm So phấn khởi: Chúng tôi rất yêu và tự hào về văn hoá của dân tộc mình. Những lúc nông nhàn, không đi làm ruộng, lên nương thì chị em trong bản ngồi dệt vải, thêu hoa văn may áo, váy. Các ngày lễ hội, tết thì chúng tôi tham gia biểu diễn văn nghệ, múa hát, trình diễn trang phục. Trong mấy năm gần đây, chúng tôi vinh dự được tham gia biểu diễn văn nghệ tại các sự kiện lớn trong tỉnh như Tuần Du lịch - Văn hoá. Vì thế, chị em ai cũng vui, háo hức.
Được biết, trong 10 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn huyện, hiện nay các dân tộc: Thái, Mông, Dao, Lào còn giữ nhiều giá trị bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc. Đó là những bộ trang phục truyền thống; bài hát, điệu múa; nhạc cụ: khèn, đàn tính; trò chơi dân gian như ném còn, tù lu, đẩy gậy, tó má lẹ, bắn nỏ; khung cửi dệt vải. Cho đến dụng cụ lao động sản xuất hàng ngày đa dạng, phong phú: lu cở, lưới bắt cá, nơm, giỏ… Lễ hội truyền thống hàng năm của dân tộc và những phong tục tập quán, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Trò chơi dân gian đẩy gậy được người dân trên địa bàn huyện Tân Uyên gìn giữ qua các lễ hội, ngày tết.
Để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn, huyện Tân Uyên đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đề án của UBND về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất nhà văn hoá cho các bản, khu dân cư làm nơi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao. Cùng với đó, huyện chú trọng phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc.
Đồng chí Lò Văn Biên - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên cho biết: UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn trong huyện rà soát lại di sản văn hoá của các dân tộc đang còn lưu giữ để xây dựng kế hoạch khôi phục, bảo tồn. Đồng thời, chú trọng công tác bồi dưỡng cho cán bộ văn hoá - đây là những người "truyền lửa" cho người dân trong công cuộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá các dân tộc. Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đưa nội dung bảo tồn văn hoá vào trong các trường học, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ cùng gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống của các dân tộc. Khuyến khích các bản, khu dân cư thành lập các câu lạc bộ bảo tồn, đội văn nghệ. Ngoài ra, huyện thực hiện kịp thời các chế độ chính sách bảo tồn văn hoá theo Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh và một số chính sách khác của trung ương. Kêu gọi, xã hội hoá từ các tổ chức, doanh nghiệp để tổ chức một số sự kiện liên quan đến bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá gắn với du lịch. Hàng năm, duy trì tổ chức Ngày hội Văn hoá các dân tộc.
Cho đến nay, toàn huyện có 89 đội văn nghệ quần chúng tại các xã, bản, tổ dân phố; 37 câu lạc bộ với nhiều loại hình: dân ca, dân nhạc, trò chơi dân gian, nghề thủ công, thể thao thu hút hơn 9.400 học sinh tham gia ở các trường học; 116 nhà văn hóa. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã hỗ trợ 719 triệu đồng cho các đội văn nghệ quần chúng theo các nghị quyết, kết luận, đề án của tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tiết mục múa truyền thống dân tộc Lào của học sinh trong Câu lạc bộ bảo tồn văn hoá Trường Tiểu học xã Mường Khoa.
Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Tân Uyên phục dựng nghi lễ Xên bản (cúng bản) tại bản Nà Phát (xã Nậm Cần); mở lớp truyền dạy kỹ thuật tạo hình trang phục dân tộc Lào tại xã Mường Khoa với 20 học viên tham gia.
Từ việc quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn, phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao ở địa phương ngày càng phát triển hơn. Thông qua các ngày lễ, ngày hội được tổ chức, thu hút được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến dự, thưởng thức và trải nghiệm. Từ đầu năm 2022 đến tháng 8/2023, toàn huyện Tân Uyên đón 50.103 lượt khách trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - văn hoá - xã hội, du lịch phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tin đọc nhiều

Bảo tồn văn hóa qua các tác phẩm nghệ thuật

Chống mê tín dị đoan: Đừng đợi đến lúc không còn cơ hội

Kỳ 2: “Ánh sáng” từ một nghị quyết
Sâu lắng vở kịch “Con đò của mẹ”

“Phá rào” hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh

Làm giàu từ nghề thêu, dệt truyền thống

Vẻ đẹp mê hoặc của những đồi chè

Gần 600 học viên được tập huấn, hướng dẫn triển khai ký kết xóa bỏ hủ tục









