

Nghề nặn tò he, đồ nghề chỉ đơn giản, gọn nhẹ trong một cái hộp gỗ. Khi úp cái hộp gỗ xuống, đặt trên đó mấy tấm xốp có những chú tò he được làm sẵn và nhiều cục bột với đủ màu sắc để tạo ra những chú tò he ngộ nghĩnh là đủ. Anh Nguyễn Văn Nam – một chủ gánh tò he chia sẻ: “Nhiều năm trước, khi đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất tràn ngập thị trường, đã khiến trò chơi tò he bị mai một. Tôi nghĩ sẽ chẳng còn cơ hội nào để tò he tìm lại chỗ đứng trong lòng các em nhỏ. Nhưng thời gian gần đây, khi đồ chơi Trung Quốc có chứa chất độc hại thì các bậc phụ huynh, các em nhỏ lại chuyển sang lựa chọn đồ chơi truyền thống cho con em mình trong đó có tò he. Đã hơn 10 ngày nay, ngày nào tôi cũng nặn trên dưới 100 con tò he, nhiều lúc các bé tranh nhau nặn không kịp. Tôi vui vì bán được hàng những vui hơn vì một loại đồ chơi truyền thống của dân tộc đang dần được khôi phục”.
Những gánh hàng tò he luôn thu hút đông đảo sự chú ý không chỉ của trẻ nhỏ mà cả người lớn tuổi.
Được biết, trung thu năm nay nhờ nắm bắt thị hiếu của các em nhỏ, những người thợ nặn đã chuyển sang nặn tò he với các hình dáng như siêu nhân, người nhện, đôrêmon, 12 con giáp… nên đã thu hút được nhiều trẻ em lựa chọn đồ chơi cho mình. Để làm được một chú tò he không chỉ đòi hỏi người thợ nặn sự khéo léo, nhẹ nhàng, tỉ mỉ, mà còn phải có tư duy quan sát, khiếu thẩm mỹ đến từng chi tiết, sáng tạo để chọn màu sắc, kết hợp hài hòa và làm nổi bật lên những nét đặc trưng. Nhìn các em nhỏ xúm xít, chăm chú nhìn bàn tay bác thợ nặn chỉ một loáng đã tạo ra hình những con vật ngộ nghĩnh, đối với các bé gái thường chọn những bông hồng, hay con thỏ, con gà trống sặc sỡ sắc màu còn bé trai lại muốn có chú siêu nhân, Tôn Ngộ Không, Đôrêmon... chúng tôi càng cảm thấy khâm phục biết bao.
Vừa tỉ mỉ nặn tò he, anh Nam vừa kể cho chúng tôi nghe, nguyên liệu để làm ra các con vật được quen gọi là “tò he” rất đơn giản, gần gũi như bột nếp, phẩm màu tự nhiên, một miếng sáp ong chống dính, một ít que tre. Tò he có 7 màu cơ bản là xanh lá cây, xanh nước biển, đỏ, tím, vàng, trắng, đen, nếu muốn có thêm màu mới cho sinh động thì người thợ nặn phải trộn các màu với nhau. Và một thứ không thể thiếu là chiếc lược nhỏ được vót nhọn một đầu - đây chính là công cụ chỉnh hình duy nhất tạo hồn cho vật nặn.
Dưới bàn tay khéo léo của anh, những cục bột nhiều màu sắc bỗng chốc đã trở thành đoá hoa hồng rực rỡ sắc màu. Cũng từ cục bột ấy, những chú khỉ, thỏ, gà, rồng… cứ lần lượt hiện ra khiến đám trẻ mắt tròn xoe không chớp. Một con tò he tùy to, nhỏ và độ phức tạp nhưng giá chỉ dao động từ 5-20 nghìn đồng.
Nhanh tay chọn cho con một bộ 12 con giáp chị Trần Bích Ngọc – phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu nói: “Trước đây, chiều theo ý con nên tôi thường mua đồ chơi có xuất sứ từ Trung Quốc. Nhưng thời gian gần đây, tôi được biết rất nhiều đồ chơi do Trung Quốc sản xuất có chứa chất độc hại, đặc biệt những ánh đèn nhấp nháy liên tục ảnh hưởng lớn đến mắt trọn trẻ. Chính vì vậy, tôi đã khuyên các con và đưa cháu đến với những gánh hàng tò he, không ngờ cháu rất thích. Tôi rất mừng và thấy trò chơi này cũng rất bổ ích, giúp các cháu nhận biết thêm các con vật và nhiều màu khác nhau, giá vừa rẻ mà lại sạch sẽ nữa”.
Trước đây, vào các dịp tết thiếu nhi, tết trung thu hay tết nguyên đán, trẻ em thường được cha mẹ mua cho những con tò he về nhà làm đồ chơi với đủ các loại hình thù màu sắc như chim cò, hoa quả, thú vật… Tò he vốn vốn là thứ đồ chơi dân gian được làm nên từ những hạt gạo quê hương, mang đậm hồn dân tộc được những người thợ nặn thổi hồn cho bột gạo để những con tò he cất lên tiếng nói của tâm hồn trẻ thơ đầy màu sắc.
Tạm biệt những người nặn tò he, chúng tôi thầm nghĩ tò he không chỉ là một thứ đồ chơi giản dị, lành mạnh, an toàn, mà nó còn ẩn chứa trong đó biết bao tâm huyết với nghề, sự tài hoa của người thợ nặn và tình yêu thương với con trẻ. Giúp các cháu có được nền tảng tinh thần thật trong sáng, vững chắc khi lớn khôn.
Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2025

Báo Lai Châu - “Người kể chuyện” văn hoá trong thời kỳ mới

Nậm Hàng xây dựng đời sống văn hóa
Giữ gìn nét đẹp văn hoá từ những điều giản dị

Kỳ 3: Đoàn kết giữ gìn “hồn cốt” văn hóa, chắp cánh du lịch Lai Châu bay cao

Du lịch nâng tầm, nông nghiệp nâng chất

Thúc đẩy tăng trưởng du lịch hai con số

Hội thi hái chè, sao chè tại xã Phúc Khoa








