

Mỗi dịp lễ hội, tiếng kèn Pỏ Lé lại vang lên với âm điệu rất riêng khiến nhiều người tham dự cảm thấy thoải mái, dễ chịu và không kém phần sao động. Tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là nhạc cụ của đồng bào dân tộc Giáy và theo tiếng của đồng bào thì Pỏ là thổi, Lé là kèn. Đây là loại nhạc cụ mang đậm bản sắc dân tộc và không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội, hiếu, hỷ của người Giáy.
Đội kèn Pỏ Lé biểu diễn tại Lễ hội Tú Tỉ của xã San Thàng.
Các bài nhạc để thổi kèn của người Giáy phong phú và đa dạng như ở lễ hội có giai điệu vui tươi, thể hiện niềm vui của người dân khi được đi chơi hội, mọi người phấn khởi khi gặp nhau, trò chuyện. Dịp đầu năm mới lại là những bản nhạc nói về mùa xuân, trời đất giao hòa, mọi vật sinh sôi nảy nở làm cho người người cảm thấy như trẻ lại, trở về thời thanh niên với bao niềm vui, khát vọng của tuổi mười tám, đôi mươi… Trong đám cưới, mỗi nghi lễ có một bài kèn riêng như: nhà trai sang đón dâu, làm lễ ở nhà gái, đón dâu về nhà trai… Các bài nhạc này thể hiện tình cảm của người con trai dành cho người con gái, mong muốn hai vợ chồng luôn hạnh phúc, làm được nhiều ngô, thóc, sinh con cái mạnh khỏe và sống hiếu thuận với ông bà, bố mẹ.
Kèn Pỏ Lé không chơi riêng lẻ mà hòa cùng với các nhạc cụ: trống, chiêng, xòe, trong đó kèn giữ vai trò chủ đạo nên một đội kèn phải có ít nhất 4 người. Thổi được kèn, người học phải có đam mê, kiên trì, nắm kỹ thuật lấy hơi. Do các bài kèn không viết được thành các bản nhạc mà chỉ là thế hệ trước truyền cho thế sau, người này truyền cho người kia nên việc học kèn rất khó. Người học phải nhớ các giai điệu, các bài để thổi cho phù hợp với hoàn cảnh như bài thổi ở lễ hội, đám cưới giai điệu phải vui tươi, phấn khởi; đám hiểu có giai điệu trầm buồn, thương tiếc…
Ông Hoàng Chí Tình - Chủ tịch UBND xã San Thàng cho biết: “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện sự lãnh, chỉ đạo của thành phố, xã đã và đang khôi phục bản sắc văn hóa của người Giáy, trong đó có việc thổi kèn Pỏ Lé. Hiện xã có 6 đội kèn Pỏ Lé ở bản San Thàng 1, Phan Lìn, Cắng Đắng, Chin Chu Chải, Lò Suối Tủng và Lùng Than. Các đội kèn sinh hoạt thường xuyên và tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ của xã và thành phố. Việc khôi phục các đội kèn Pỏ Lé đã góp phần gìn giữ và phát huy phát huy bản sắc dân tộc Giáy và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân nơi đây”.
Trong các đội kèn thì ông Vùi Văn Múng - Đội Trưởng đội kèn Pỏ Lé bản San Thàng 1 được nhiều người ngưỡng mộ bởi thổi kèn hay nhất và gắn bó với kèn Pỏ Lé lâu nhất ở xã San Thàng. Ông Múng kể, gia đình ông có truyền thống thổi kèn, ông nội và bố đều là những người thổi kèn hay nên tiếng kèn quá quen thuộc từ thời thơ ấu. Vì vậy, từ nhỏ ông được bố dạy cách thổi kèn, lớn lên đi bộ đội, kèn lại thành người bạn tri kỷ mỗi lúc nhớ nhà. Ông đã thuộc trên 30 bài nhạc của người Giáy. Khi thổi kèn tùy vào hoàn cảnh, ông có thể sáng tác thêm để bài nhạc hay, hấp dẫn hơn. Với niềm đam mê âm nhạc dân tộc, ông Múng đã dạy nhiều người chơi và thành lập đội kèn bản San Thàng 1.
Để bảo tồn và giữ gìn tiếng kèn Pỏ Lé những nghệ nhân dân tộc Giáy đã và đang nỗ lực duy trì, truyền dạy lại cho thế hệ trẻ với mong muốn âm nhạc của dân tộc Giáy trường tồn mãi cùng thời gian.
Dào San - Nơi hội tụ sắc màu văn hóa dân tộc Mông

Công bố Quyết định công nhận danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

Phát huy giá trị khoa học và văn hóa của di sản bãi cọc Bạch Đằng
Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2025

Báo Lai Châu - “Người kể chuyện” văn hoá trong thời kỳ mới

Nậm Hàng xây dựng đời sống văn hóa
Giữ gìn nét đẹp văn hoá từ những điều giản dị









