Ngành Giáo dục và Đào tạo Than Uyên:
Chung tay bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Huyện Than Uyên có 40 trường với 710 lớp, trên 21.000 học sinh ở các cấp học. Ngay sau khi Nghị quyết số 02 được ban hành, triển khai, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã cụ thể hóa thành các nội dung và ban hành văn bản hướng dẫn đơn vị trường học thực hiện.
Triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ giáo dục hàng năm và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã giúp hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc ngày càng lan tỏa, phát triển sâu rộng trong các nhà trường với nhiều cách làm hay, sáng tạo.
Đứng chân trên địa bàn xã chủ yếu là đồng bào Mông, Thái, Dao sinh sống, cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, Trường Mầm non xã Phúc Than lồng ghép triển khai nhiều hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Trong đó, Ban giám hiệu, giáo viên và học sinh duy trì việc mặc trang phục truyền thống ngày thứ 2 đầu tuần.
Phối hợp với phụ huynh làm đồ chơi tự chế; tổ chức, hướng dẫn các cháu trò chơi dân gian như: tù lu, ném pao, tó má lẹ, nhảy sạp, ném còn; tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ làm quả còn… Từ đó, trẻ được rèn kỹ năng sống, giáo dục tình yêu quê hương, ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Không chỉ vậy, các bậc phụ huynh cũng quan tâm hơn đến việc phối hợp cùng nhà trường trong chăm sóc, giáo dục trẻ.
Thiết thực hưởng ứng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch của ngành Giáo dục và Đào tạo, tại các nhà trường, mỗi thầy, cô giáo, nhân viên, học sinh đã trang bị ít nhất 1 bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình và mặc trang phục vào các ngày thứ 2 đầu tuần, ngày lễ, tết và hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Các nhà trường phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, Nhân dân về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Tổ chức sưu tầm, xây dựng các không gian bảo tồn văn hóa và trưng bày hiện vật để giáo viên, học sinh tham quan, tìm hiểu.
Cô – trò Trường Mầm non xã Phúc Than (huyện Than Uyên) cùng nhảy sạp và tham gia các trò chơi dân gian.
Để hoạt động bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa đi vào chiều sâu, tạo hiệu quả thiết thực ngay từ những năm đầu triển khai Nghị quyết số 02, các nhà trường còn mời nghệ nhân, già làng, người có uy tín tham gia hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc, truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh.
Nổi bật là năm học 2020 – 2021, 6 trường tiểu học và THCS thành lập điểm Câu lạc bộ “bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian” với các nhóm: khâu thêu, thổi khèn Mông, hát Thái, múa Thái, đàn tính tẩu. Đến nay, mô hình này được nhân rộng tại 100% các trường tiểu học và THCS trên địa bàn toàn huyện.
Học sinh Trường THCS xã Ta Gia, huyện Than Uyên học kỹ thuật dệt vải.
Không chỉ vậy, các đơn vị trường còn gắn việc dạy và học với các không gian bảo tồn văn hóa truyền thống thông qua hoạt động giáo dục chính khóa với ngoại khóa. Qua đó, giúp các em hiểu biết, trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình và hiểu hơn về văn hóa của các dân tộc khác trên địa bàn dân cư.
Việc đưa các nội dung giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc vào trường học thông qua nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể của ngành Giáo dục và Đào tạo Than Uyên không chỉ giúp các em học sinh tái hiện lại bản sắc văn hóa của dân tộc, còn góp phần bồi đắp nhân cách để sống có trách nhiệm với gia đình, quê hương.
Phương Ly - Hồng Thắm
Bình luận