

Đồng chí Vương Văn Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố tặng quà đảng viên nhân gặp mặt kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 5/2013, thị xã Lai Châu được công nhận là đô thị loại III và đến ngày 27/12/2013 được Chính phủ ban hành Nghị quyết số 131/NQ-CP nâng cấp lên thành phố Lai Châu trực thuộc tỉnh. Sau hơn 6 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc thành phố đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, chứng tỏ sức bật mạnh mẽ của một đô thị trẻ. Kinh tế có bước phát triển vượt bậc; hệ thống hạ tầng đô thị được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ; công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường được quan tâm chỉ đạo; chất lượng giáo dục, y tế, đời sống văn hóa của Nhân dân các dân tộc từng bước cải thiện và nâng cao; an ninh, chính trị giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo... Với mục tiêu xây dựng thành phố Lai Châu có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo hướng xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc, Thành ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/ThU, ngày 12/12/2015 về “Xây dựng thành phố Lai Châu theo các tiêu chí đô thị loại II”. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố nghiêm túc tổ chức quán triệt cụ thể hóa vào nhiệm vụ và triển khai thực hiện. Có thể thấy, sau 4 năm thực hiện nghị quyết đã có rất nhiều thay đổi về hình dáng của một thành phố trẻ đang vươn mình lớn mạnh lên một tầm cao mới; công tác quản lý quy hoạch, đô thị, kiến trúc đô thị được tăng cường, chất lượng nếp sống văn minh đô thị được nâng cao; kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ mang đậm phong cách riêng của địa phương, nhưng không thiếu đi nét hiện đại; rất nhiều công trình phục vụ dân sinh được đầu tư như: Hệ thống chợ, bệnh viện, trường học, hệ thống nước sinh hoạt, điện chiếu sáng, các công trình công cộng, khuôn viên cây xanh...
Những năm qua, thành phố Lai Châu đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, sản xuất nông nghiệp hàng hoá, tiểu thủ công nghiệp, các nghề truyền thống; quan tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào thành phố. Tổng giá trị sản xuất năm 2019 đạt 7.063 tỷ đồng; giá trị sản xuất các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông lâm nghiệp, thủy sản đều tăng qua các năm; giá trị xuất khẩu hàng địa phương đạt 3,05 triệu USD; thu ngân sách trên địa bàn 235,6 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 51,6 triệu đồng/người/năm.
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, thành phố đã có chủ trương chuyển đổi các mô hình quản lý, khai thác các chợ trên địa bàn nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao thương; hiện nay trên địa bàn có 6 chợ, 5 siêu thị và nhiều cửa hàng, đại lý cung cấp các loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân. Bên cạnh đó, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận tải, du lịch phát triển cả về quy mô và chất lượng; nhiều sản phẩm du lịch được hình thành như: Hệ thống hang động Pu Sam Cáp, bản văn hóa dân tộc Mông gắn với hệ thống động Gia Khâu, chợ phiên San Thàng... phần nào đáp ứng nhu cầu của du khách. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng tương xứng với điều kiện phát triển của thành phố. Từ năm 2016 - 2019 đã đầu tư xây dựng 149 công trình, với tổng vốn 1.862,7 tỷ đồng; hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển nhanh, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, trường học... cơ bản đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Công tác rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất theo hướng phù hợp với điều kiện phát triển không gian đô thị, kế hoạch sử dụng đất hằng năm được quan tâm chỉ đạo. Năm 2018, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 1298/QĐ-UBND về phê duyệt nhiệm vụ, dự toán điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung của thành phố Lai Châu và các vùng phụ cận, tỉnh Lai Châu đến năm 2035, với tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch là 16.422ha; đây là cơ sở để thành phố mở rộng địa giới hành chính, phát triển không gian đô thị theo quy hoạch chung. Cũng nằm trong nhóm tiêu chí quan trọng để phấn đấu lên đô thị loại II, công tác quản lý kiến trúc đô thị, xây dựng tuyến phố văn minh đô thị, tuyến phố kinh doanh văn minh, tuyến phố chợ đêm được quan tâm chỉ đạo, từng bước hoàn thiện đồng bộ theo quy hoạch. Trên cơ sở quyết định phê duyệt của UBND tỉnh về quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc thành phố đã tăng cường công tác chỉ đạo kiểm soát xây dựng, đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm trong công tác này đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương; chỉ đạo tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với tuyến đường, phố được công nhận văn minh đô thị. Tính đến năm 2019, trên địa bàn thành phố có 52/86 tuyến phố đạt chuẩn văn minh, 2 tuyến phố kinh doanh văn minh đó là đường Trần Phú và đường Trần Hưng Đạo.
Để tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng các tiêu chí đô thị loại II, thời gian tới thành phố tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong việc tổ chức triển khai thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong việc thực hiện nghị quyết. Thực hiện tốt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Lai Châu đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đô thị, xây dựng, đất đai, môi trường; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các quy chế về đô thị, kiến trúc đô thị, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm; quan tâm xây dựng mô hình tổ dân phố tự quản, phát triển toàn diện, góp phần tác động tích cực đến ý thức tự giác chấp hành của các tổ chức, công dân về trật tự đô thị.
Lộ trình lên đô thị loại II cần một thời gian dài, nguồn lực, kinh phí, bởi vậy việc hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết, nhưng trên hết, thành phố luôn mong muốn nhận được sự đồng thuận, nỗ lực hết mình của chính quyền và Nhân dân để tôn diện mạo nơi đây thành điểm sáng nơi ven trời Tây Bắc.
...Thăm mô hình trồng hoa hồng tại xã San Thàng.
Đến nay, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% tuyến đường chính, 90% ngõ hẻm được lắp đèn chiếu sáng; 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 95% số hộ được sử dụng nước sạch; hệ thống thu gom và xử lý rác thải cơ bản đáp ứng được yêu cầu, đảm bảo 100% khu vực có dân cư tại đô thị, 100% khu vực có dân cư tại nông thôn được thu gom rác thải hàng ngày, không để ô nhiễm môi trường xảy ra; diện tích cây xanh đô thị bình quân đạt 16,1m2/người; tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị tính trên tổng số trục phố chính đạt 56%.
Trên cơ sở số liệu đã được tiến hành kiểm tra, rà soát sơ bộ các tiêu chí đô thị loại II, hiện tại thành phố đạt 66,75/100 điểm, tăng 0,75 điểm so với mục tiêu đề ra của Nghị quyết; trong đó có 34 tiêu chí đạt điểm tối đa, 10 tiêu chí đạt điểm tối thiểu, 15 tiêu chí chưa đạt điểm.

Hướng dẫn điều kiện nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam
Hội nghị Ban Chấp hành Đoàn xã Bum Tở lần thứ nhất

Họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí quý II

Năng lực tự chủ - Hướng đi căn bản trong đổi mới giáo dục hiện đại

60 bệnh nhân được phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí

Chia sẻ, lan tỏa yêu thương

Kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Giải ngân gần 1 tỷ đồng cho người dân xã Mường Than








