

Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp, hiện nay toàn tỉnh có 1.040 tổ hòa giải, với 5.470 hòa giải viên. Các đối tượng được lựa chọn, bầu làm Tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên là những người có uy tín, năng lực, nhiệt tình, am hiểu pháp luật. Do đó, chất lượng công tác hòa giải được nâng lên. Năm 2019, các tổ hòa giải tiếp nhận giải quyết 1.133 vụ việc, hòa giải thành 986 vụ việc, chủ yếu liên quan đến tranh chấp, mâu thuẫn, xích mích trong các hộ gia đình, bản, khu phố, góp phần hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các huyện, thành phố còn phối hợp với các tổ hòa giải trên địa bàn tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền về chế độ chính sách, pháp luật của Nhà nước; trợ giúp pháp lý về Luật Đất đai, Luật Hòa giải để Nhân dân hiểu hơn về công tác hòa giải.
Thành phố Lai Châu hiện có 63 tổ hòa giải, với 291 hòa giải viên. Năm 2019, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận 39 vụ việc, trong đó hòa giải thành 30 vụ việc, còn 9 vụ việc trình lên cấp trên giải quyết. Theo anh Lê Văn Hùng, cán bộ chuyên trách của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Lai Châu, thời gian qua, hoạt động của các tổ hòa giải trên địa bàn thành phố đã phát huy hiệu quả trong đời sống cộng đồng. Điểm mạnh của hoạt động hòa giải ở cơ sở là phát hiện và giải quyết tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp, giúp ngăn chặn những tranh chấp nhỏ trong nội bộ Nhân dân và hành vi vi phạm pháp luật, không để nảy sinh phức tạp.
Tổ hòa giải Tổ dân phố số 5 (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) họp bàn đưa ra giải pháp xử lý tốt nhất trước khi đi hòa giải ở cơ sở.
Những năm qua, công tác hòa giải của phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) luôn thực hiện tốt. Riêng năm 2019, các tổ hòa giải của phường tiếp nhận 18 vụ việc chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai, mẫu thuẫn cơ sở, trong đó hòa giải thành 17 vụ việc. Anh Lò Văn Kinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Phong cho biết: “Hiện nay, phường có 15 tổ hòa giải với 75 hòa giải viên. Các tổ hòa giải tích cực tham mưu thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn giúp hòa giải những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ Nhân dân. Nhờ đó, giúp bà con giải quyết kịp thời nhiều vụ việc”.
Điển hình như vụ tranh chấp tài sản xảy ra vào tháng 4/2019 tại Tổ dân phố số 5 (phường Tân Phong) giữa gia đình bà Ngô Thị Hoàn và bà Nguyễn Thị Nga, nguyên nhân do bụi tre nhà bà Hoàn trồng sau một thời gian phát triển mọc sang đất nhà bà Nga. Nhận thấy tre nhà mình mọc sang đất nhà bà Nga mà không được thu hoạch tre, bà Hoàn đã kiến nghị với tổ hòa giải Tổ dân phố số 5. Sau khi nhận được thông tin kiến nghị, tổ hòa giải tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, gặp gỡ 2 gia đình để tư vấn, trợ giúp pháp lý để các bên hiểu biết thêm về Luật Đất đai và tuyên truyền các chế độ chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ tổ hòa giải kiên trì thuyết phục hợp lý hợp tình, gia đình bà Hoàn và bà Nga đồng ý hòa giải trên tinh thần tự nguyện.
Bà Hà Thị Nhàn - Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố số 5 (phường Tân Phong) chia sẻ: Khi có vụ việc xảy ra, để hòa giải được thành công, tổ hòa giải thường tập hợp các thành viên cùng họp bàn, thống nhất đưa ra giải pháp xử lý nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Sau khi hòa giải xong, còn hướng dẫn, giúp đỡ các bên tự nguyện giải quyết với nhau trước sự chứng kiến của hòa giải viên, không để mâu thuẫn phát sinh, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Do đó, từ năm 2017 đến nay, tổ hòa giải tổ dân phố số 5 giải quyết 22 vụ liên quan đến tranh chấp đất đai, mâu thuẫn giữa các gia đình”.
Hàng năm việc tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở được các huyện, thành phố tổ chức bằng nhiều hình thức như: mở hội nghị, tập huấn nghiệp vụ, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, họp bản về công tác hòa giải ở cơ sở. Thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2020, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh sẽ được tổ chức bồi dưỡng tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.
Với phương châm “Giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, công tác hòa giải ở cơ sở tại trên địa bàn tỉnh đã từng bước làm giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực: dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính… Đồng thời, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian tới, các cấp, các ngành chức năng tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, góp phần giải quyết hiệu quả những tranh chấp nhỏ trong Nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Thăm hỏi, động viên 2 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất

Thầm lặng nghề hái chè

Thắp sáng đường quê - Phong trào nhỏ, ý nghĩa lớn

Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh: Phòng chống tác hại thuốc lá

Giúp học sinh vùng cao tiếp cận môi trường học tập an toàn

Tập huấn việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Tăng cường truyền thông bình đẳng giới – Lan tỏa thông điệp nhân văn trên địa bàn tỉnh

Bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong mùa mưa






