

Học sinh dân tộc Mảng (xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn) được đến trường và nuôi ăn, ở.
Dân tộc La Hủ, Mảng, Cống nằm trong nhóm 5 dân tộc đặc biệt khó khăn, chậm phát triển của tỉnh với dân số chiếm gần 4% tổng dân số toàn tỉnh. Địa bàn cư trú ở 69 bản, thuộc 16 xã của 3 huyện: Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè với dân số 3.826 hộ, 17.474 nhân khẩu. Giao thông tại các vùng có 3 dân tộc sinh sống đi lại khó khăn, cách xa khu vực trung tâm và khu vực có điều kiện phát triển; tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống thấp; đặc biệt, tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu, phụ thuộc vào tự nhiên. Cùng với đó, các tệ nạn xã hội còn tồn tại kìm hãm sự phát triển. Những yếu tố về điều kiện cư trú, tập quán sinh hoạt, sản xuất... đang đặt 3 dân tộc này đứng trước nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ đồng hóa, suy giảm dân số và chất lượng dân số.
Từ thực trạng trên, để đưa 3 dân tộc: La Hủ, Mảng, Cống vươn lên thoát đói nghèo, lạc hậu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống, từng bước đưa người dân hòa nhập vào sự phát triển chung, tỉnh đã vận dụng linh hoạt, hiệu quả Quyết định 1672/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống” giai đoạn 2013 - 2018. Theo đó, tổng kinh phí được giao 282 tỷ 249 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương giao 279 tỷ 080 triệu đồng, ngân sách tỉnh 3 tỷ 169 triệu đồng. Vốn đã cấp đến năm 2018 là 279 tỷ 080 triệu đồng. Tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh phối hợp 3 huyện (nơi có 3 dân tộc sinh sống): Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân 3 dân tộc hiểu, cùng tham gia thực hiện. Đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo mục tiêu, chương trình của Đề án để xác định giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của địa phương.
Đồng chí Trần Hữu Chí - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Đề án là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và có ý nghĩa quan trọng tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần, sinh hoạt của 3 dân tộc. Từng bước giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất cũ, lạc hậu bằng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) mới để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Là bước đệm góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ tập tục lạc hậu. Tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, củng cố vững chắc lòng tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”.
Cũng theo Đề án, từ nguồn vốn đầu tư và phát triển có 12/197 dự án được phê duyệt đầu tư: 11 công trình giao thông, nâng cấp 1 công trình thủy lợi với tổng kinh phí 149 tỷ 197 triệu đồng. Đối với vốn sự nghiệp được giao 142 tỷ 189 triệu đồng, tỉnh đã dành thực hiện hỗ trợ cho người dân: xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh, chuồng trại, giống, vật tư sản xuất, mô hình trình diễn, tập huấn kiến thức sản xuất; hỗ trợ về giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Đến nay, 44/69 bản có đường giao thông được cứng hóa; tỉnh đã hỗ trợ 1.604 hộ làm nhà ở, 1.784 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi. Đặc biệt, 11.112 lượt hộ được hỗ trợ giống, vật tư sản xuất; xây dựng 18 mô hình trồng trọt, chăn nuôi; mở 255 lớp tập huấn kiến thức sản xuất cho trên 7.650 lượt người dân tham gia. Ngoài ra, còn hỗ trợ học sinh mầm non, tiểu học, THCS kinh phí học tập, ăn, ở, đi lại, bán trú… cấp thuốc cho thôn bản, phụ nữ trong thời kỳ mang thai, sinh nở, dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, người nhà bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Dành một phần chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào với việc hỗ trợ khôi phục sản xuất 69 bản nhạc truyền thống; thành lập, duy trì 285 đội văn nghệ…
Thực hiện Đề án, những năm qua, huyện Mường Tè huy động mọi lực lượng tham gia. Chú trọng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và phát huy tinh thần tự chủ của đồng bào 3 dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ. Huyện vận dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp với tổng số 228,686 tỷ đồng hỗ trợ cho 3.965 hộ, 13.707 nhân khẩu của 3 dân tộc. Qua đó, kinh tế ở vùng đồng bào 3 dân tộc có bước phát triển khá, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 50%; 3 dân tộc hòa nhập vào sự phát triển chung của huyện, tỉnh.
Ông Mai Văn Thạch - Chủ tịch UBND huyện Mường Tè chia sẻ: “Huyện ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng: giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, nhà văn hóa, tạo tiền đề giúp bà con phát triển kinh tế, tự lực vươn lên thoát nghèo. Xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp thực tế từng vùng gắn với hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư kiên cố nhà lớp học, y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng tại các điểm bản. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc Cống, Mảng, La Hủ để tạo nguồn nhân lực cho địa phương”.
Các chính sách trong Đề án được triển khai mang lại nhiều hiệu quả thiết thực và làm thay đổi đời sống, xã hội của 3 dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ. Qua đó, giúp đồng bào 3 dân tộc nâng cao nhận thức, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư; từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần; góp phần củng cố và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc trong tỉnh.

Thắp sáng đường quê - Phong trào nhỏ, ý nghĩa lớn

Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh: Phòng chống tác hại thuốc lá

Giúp học sinh vùng cao tiếp cận môi trường học tập an toàn

Tập huấn việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Tăng cường truyền thông bình đẳng giới – Lan tỏa thông điệp nhân văn trên địa bàn tỉnh

Bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong mùa mưa

Ra mắt mô hình “Thư viện cà phê sách”

Tổ công tác 2106 của Bộ Chính trị kiểm tra việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp






