

Mô hình được Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) phê duyệt tại Quyết định số 200/QĐ-TCDS ngày 28/8/2009. Mô hình được triển khai tại huyện Phong Thổ dưới hình thức phân cấp, ủy quyền, ký kết hợp đồng trách nhiệm. Trung tâm DS-KHHGĐ (nay là Trung tâm Y tế huyện) có trách nhiệm triển khai các hoạt động tại tuyến huyện, chỉ đạo giám sát hỗ trợ các hoạt động tuyến xã.
Anh Nguyễn Thành Lê – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ cho biết: “Trước khi triển khai Mô hình, huyện đã tiến hành khảo sát tình hình thực tế tại 2 xã: Bản Lang và Dào San. Thời gian khảo sát từ năm 2008 trở về trước. Kết quả, 2 xã có 15 cặp kết hôn cận huyết. Về tảo hôn, xã Bản Lang có 147 trường hợp tảo hôn của vợ, 181 trường hợp tảo hôn của chồng; xã Dào San có 219 trường hợp tảo hôn của vợ, 298 trường hợp tảo hôn của chồng”.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Hoang Thèn tuyên truyền về tác hại tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đến người dân bản Huổi Luông.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tảo hôn (hay kết hôn sớm) khi cơ thể chưa phát triển hoàn thiện có thể ảnh hưởng đến tầm vóc, thể lực của trẻ nhỏ, thậm chí người mẹ có thể đẻ non, nguy cơ tử vong sơ sinh cao. Đối với kết hôn cận huyết thống có thể sinh con dị dạng hoặc mắc bệnh di truyền như: mù màu, bạch tạng, da vảy cá, tan máu bẩm sinh… Những bệnh này mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời, để lại hậu quả rất nặng nề. Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, huyện quyết định chọn 2 xã: Bản Lang, Dào San triển khai Mô hình. Từ năm 2011 đến nay, huyện tiếp tục triển khai mô hình ở 3 xã: Lản Nhì Thàng, Hoang Thèn và Nậm Xe, nâng tổng số lên 5 xã.
Các xã tham gia mô hình được triển khai hoạt động truyền thông bằng hình thức nói chuyện trực tiếp, phát tờ rơi, sử dụng pa nô, áp phích, băng đĩa hình… Qua đó, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, những hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Đối tượng tập trung tuyên truyền là trẻ vị thành niên, thanh niên và những đối tượng đã hoặc có nguy cơ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Đặc biệt, tại các xã tham gia Mô hình còn có tổ nhân viên thường trực (gồm cán bộ chuyên trách dân số xã, y tế phụ trách công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư pháp xã). Tổ có trách nhiệm quản lý đối tượng vị thành niên, thu thập thông tin, dự báo các trường hợp sắp kết hôn, các cặp có khả năng kết hôn trước tuổi, kết hôn cận huyết thống để có biện pháp tư vấn, can thiệp kịp thời. Đội ngũ cộng tác viên tình nguyện là nhân viên y tế, dân số thôn, bản thường xuyên gặp gỡ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng, hướng dẫn thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ…
Sau 11 năm triển khai, trên địa bàn 5 xã của huyện tham gia Mô hình chưa ghi nhận trường hợp kết hôn cận huyết thống; tỷ lệ tảo hôn giảm rõ rệt. Nếu như năm 2016, tỷ lệ tảo hôn của xã Bản Lang là 22,45% thì năm 2019 giảm còn 5,71%; xã Lản Nhì Thàng giảm từ 66,67% xuống 46,15%. Cũng thời gian trên, xã Nậm Xe tỷ lệ tảo hôn giảm từ 81,82% xuống 18,18%; xã Hoang Thèn giảm từ 48% xuống 17,65%.
Đến xã Hoang Thèn tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, hầu hết người dân trong xã là đồng bào dân tộc: Dao, Mông, Thái. Trình độ nhận thức còn hạn chế, một bộ phận người dân khi con được 16-17 tuổi, thậm chí ít tuổi hơn cũng cho dựng vợ, gả chồng. Tình trạng tảo hôn của xã chủ yếu là người Mông ở các bản: Xin Chải, Tả Lèng và một số là người Dao ở bản Lèng Suôi Chin. Triển khai mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, cán bộ Trạm Y tế xã phối hợp với trưởng các bản, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hoang Thèn tuyên truyền, vận động; tư pháp xã tiến hành điều tra, xác minh các trường hợp cố tình tảo hôn báo cáo cấp trên xử lý vi phạm hành chính, tạo tính răn đe.
Chị Hoàng Thị Xuân – Cán bộ chuyên trách dân số xã Hoang Thèn kể: “Năm 2017, qua nguồn tin của quần chúng Nhân dân ở bản Mồ Sì Câu, có một học sinh nữ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hoang Thèn có ý định nghỉ học lấy chồng. Chúng tôi liên hệ với nhà trường xác minh thông tin và cùng nhà trường, đại diện bản đến nhà vận động, bố mẹ học sinh đó đã đồng tình không cho con kết hôn trước tuổi”.
Qua thống kê, những năm gần đây, xã Hoang Thèn không có cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống. Số lượng người tảo hôn giảm mạnh (từ 8 người năm 2017 xuống còn 2 người năm 2019. 9 tháng năm 2020 chỉ có 1 người. Chị Lý Xa Đào (người dân bản Huổi Luông, xã Hoang Thèn) nói: “Hiểu được tác hại của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống nên tôi động viên 3 con chăm chỉ học hành. Sau này, nam phải đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi trở lên mới cho kết hôn và cũng sẽ thực hiện không kết hôn trong phạm vi 3 đời”.
Không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống và không cho phép tảo hôn, kết hôn cận huyết thống là trách nhiệm, nghĩa vụ của người công dân gương mẫu. Thiết nghĩ, bên cạnh hiệu quả Mô hình mang lại ở 5 xã thì mỗi người dân trong huyện Phong Thổ cần nâng cao ý thức, tự giác chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình, tất cả vì tương lai con, cháu mai sau.
Tin đọc nhiều
Quán triệt, triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư về lưu trữ, quản lý tài liệu

An cư cho người dân vùng nguy cơ sạt lở

Người dân có thể tham gia BHXH, BHYT qua Cổng Dịch vụ công và Ứng dụng ngân hàng

Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Hỗ trợ khi gặp rủi ro trong quá trình làm việc

Chính phủ đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH năm 2026
Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình liệt sỹ trước 27/7, gia đình người có công trước 2/9

Huyện Than Uyên: Dông, lốc làm sập 7 ngôi nhà

Khánh thành và bàn giao 4 ngôi nhà tình nghĩa







