

Có mặt tại trụ sở làm việc của Hạt Kiểm lâm huyện một ngày cuối tháng 5, chúng tôi gặp đối tượng Lý A Nhị ở bản Hùng Pèng (xã Ma Ly Pho) đang nộp 3,5 triệu đồng tiền phạt vì tội phá rừng làm nương.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Phong Thổ đo diện tích rừng bị đối tượng Ma A Chông ở xã Mù Sang chặt phá làm nương đầu tháng 5 vừa qua.
Vừa qua, Nhị đã chặt 730m2 rừng tái sinh phòng hộ (trạng thái 2A) ở khu vực ven suối Nậm Na (giáp vành đai biên giới Việt – Trung). Đây là khu rừng bảo vệ, chống xói mòn, sạt lở đất, tích tụ, điều hòa lưu lượng nước, nếu khu vực này bị tàn phá sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Vì vậy, Hạt đã lập biên bản xử phạt hành chính nhằm răn đe, nếu Nhị tiếp tục vi phạm Hạt sẽ đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành khởi tố.
Đối tượng Lý A Nhị cho biết: “Thiếu đất sản xuất nên tôi đã phá rừng để trồng ngô, lúa. Khi bị lập biên bản, giải thích và xử phạt, tôi đã hiểu được tác hại của việc phá rừng, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Từ nay về sau, tôi sẽ không chặt phá rừng và vận động gia đình cùng tham gia giữ rừng phòng hộ để bảo vệ nguồn nước”.
Trước đó, cũng ở khu vực ven suối Nậm Na (giáp vành đai biên giới Việt – Trung) chỉ trong 1 ngày, 8 hộ dân ở bản Hùng Pèng (xã Ma Ly Pho) đã phá 5.337m2 rừng tái sinh phòng hộ (trạng thái 2A). Đây là những hộ thuộc diện đói nghèo, trình độ nhận thức còn hạn chế, vi phạm lần đầu, vì vậy, cơ quan chức năng đang tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính, tuyên truyền, giáo dục. Hạt đã tiến hành xử phạt 6 đối tượng chặt phá rừng gần 20 triệu đồng. Đồng thời, hoàn tất thủ tục xử phạt 3 đối tượng phá rừng còn lại.
Ở xã Lản Nhì Thàng, Hạt vừa phát hiện 3 đối tượng phát nương lấn sang rừng từ 10 - 20m2. Tất cả các đối tượng trên đều biết việc phát nương lấn sang rừng là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình. Họ tưởng sau khi phát sang rừng, gia đình sẽ được sở hữu một diện tích nương rộng hơn. Nhưng đối tượng không biết khi cơ quan chức năng phát hiện, thì ngoài xử phạt hành chính còn phải trồng lại diện tích đã bị chặt phá như nguyên trạng...
Ông Chẻo Phủ Chiêu - Bí thư Đảng bộ (xã Lản Nhì Thàng) cho biết: “Việc canh tác nương rẫy của người dân nơi đây chủ yếu mang tính tự phát với phương thức gieo trồng lạc hậu. Do đó, năng xuất cây trồng thấp, đất đai nhanh chóng bạc màu, dẫn đến tình trạng luôn thiếu đất sản xuất. Bà con phá rừng trái phép để sản xuất lương thực nhằm đảm bảo nhu cầu cuộc sống đã làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Tôi mong huyện, tỉnh sớm đưa ra giải pháp giúp người dân áp dụng những tiến bộ KHKT vào thâm canh, tăng 2 vụ lúa nhằm giảm tỷ lệ cây trồng trên nương, hạn chế việc chặt phá rừng…”.
Được biết, những năm gần đây, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn triển khai nhiều chủ trương, chính sách Đảng, Nhà nước về ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn nơi vùng cao, biên giới, giúp đồng bào các dân tộc xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững. Nhờ làm tốt công tác hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, khai hoang ruộng nước, chuyển đổi các loại cây trồng ngắn ngày sang trồng cao su, cây ăn quả lâu năm nên đời sống kinh tế của bà con đang từng ngày khởi sắc. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một bộ phận người dân trong huyện nhận thức chưa đầy đủ về tính hiệu quả của việc canh tác nương rẫy bền vững nên tình hình phá nương làm rẫy vẫn còn xảy ra.
Mặt khác, công tác quản lý việc canh tác nương rẫy trên địa bàn huyện chưa được các phòng, ban chuyên môn rà soát, thống kê, quy hoạch sử dụng đất nương và giao đất, giao rừng hợp lý. Tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn huyện thời gian qua cho thấy, việc canh tác nương rẫy của người dân nơi đây chủ yếu theo hình thức tự phát, thiếu định hướng dẫn đến sản xuất không bền vững.
Ông Đặng Duy Tôn - Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phong Thổ cho biết: “Thời gian qua, chúng ta đã kiên quyết xử lý hành chính 9 đối tượng chặt phá rừng làm nương rẫy ở xã Ma Ly Pho. Nếu lần sau các đối tượng trên vẫn cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ củng cố hồ sơ, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khởi tố. Để bảo vệ rừng, thời gian tới, Hạt rất cần có sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao ý thức trách nhiệm cho bà con, nhất là việc phát hiện và tố giác để cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn hành vi chặt phá rừng trái phép”.
Tin đọc nhiều

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thăm hỏi, động viên các nạn nhân vụ sạt lở đất tại xã Sì Lờ Lầu

Bí thư Tỉnh ủy Giàng Páo Mỷ thăm hỏi, động viên các nạn nhân bị sạt lở tại Công trình thủy điện Tả Páo Hồ 1A

Tìm thấy thi thể 5 nạn nhân bị sạt lở ở Sì Lở Lầu

Ra quân truyền thông hưởng ứng tháng vận động triển khai BHXH toàn dân năm 2025

Đoàn công tác Báo Lai Châu thăm và làm việc tại Báo Thái Bình

5 người mất tích, 4 người bị thương do sạt lở
Tuyên dương khen thưởng giáo viên và học sinh đạt giải 4 cuộc thi

Khẩn trương khắc phục sự cố điện sau thiên tai






