

Giảm thu nhập từ chăn nuôi
Hiện nay toàn tỉnh có 43.150 hộ nuôi lợn (193.300 con), tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 5,5 nghìn tấn, tăng 13% so với cùng kỳ 2020. Dự kiến hết năm 2021 tổng đàn lợn toàn tỉnh khoảng 202.600 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 10,3 nghìn tấn, tăng 1,2 nghìn tấn so với kết quả đạt được năm 2020.
Sự bùng phát dịch Covid-19 đã gây ra những thách thức chưa từng có, tác động xấu đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng. Cùng với những ảnh hưởng nặng nề từ bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), diễn biến giá thịt lợn trong nước từ đầu năm đến nay tuy đã giảm, song vẫn ở mức cao. Giá thịt lợn hơi trên địa bàn tỉnh hiện dao động từ 64.000 - 70.000 đồng/kg. Sản xuất chăn nuôi của tỉnh cũng đang có dấu hiệu hồi phục, sản lượng thịt hơi đã tăng so với năm 2020 những vẫn chưa đáp ứng đủ được nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh.
Đi tìm hiểu thực tế tại nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đều cảm nhận được nỗi buồn của bà con khi thu nhập giảm đáng kể. Trong đó cí gia đình chị Nguyễn Thị Xuân ở bản Sùng Chô (xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu). Hàng chục năm qua, gia đình chị Xuân duy trì nghề chăn nuôi với 50 – 70 con lợn siêu nạc/lứa và khoảng 500 con ngan, gà, vịt/lứa. Chị tâm sự: Gia đình tôi sử dụng cám công nghiệp của Công ty Cổ phần Tập đoàn RTD (tỉnh Hưng Yên). Từ ngày 5/12/2020 đến ngày 18/6/2021, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 8 lần trong khi giá lợn hơi gia đình bán giảm chỉ còn 74 – 76 nghìn đồng/kg. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập từ chăn nuôi. Nếu lợn không dịch bệnh, phát triển tốt thì thu nhập giảm khoảng 40%, còn nếu chẳng may bị bệnh chết thì coi như mất trắng. Rất may là gia đình tôi có lợn nái sinh sản nên đỡ được chi phí về con giống. Tôi mong muốn các công ty cám có chính sách hỗ trợ giá cho người chăn nuôi. Các cấp chính quyền quan tâm hơn tới các hộ chăn nuôi về vốn vay, giảm lãi suất, kiểm soát chặt chẽ không để dịch bệnh từ ngoại tỉnh xâm nhập vào, tăng cường tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh…
Chị Nguyễn Thị Xuân ở bản Sùng Chô (xã Sùng Phài) chăm sóc đàn lợn.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá xuất bán giảm, chúng tôi có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Anh Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đồng chí cho biết: Từ cuối năm 2020 đến nay giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp đã có nhiều đợt tăng giá, với tổng mức tăng trên 15%. Nguyên nhân do nguyên liệu nhập khẩu đầu vào tăng (khoảng 30%), do hạn hán, mất mùa tại một số quốc gia cung cấp sản lượng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn. Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dự trữ, trong khi đó phần lớn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp tại Việt Nam là nhập khẩu. Cộng với các yếu tố khách quan khác đã đẩy giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong thời gian qua lên cao.
Đồng thời, do ảnh hưởng của DTLCP cuối năm 2019 nên giá lợn giống vẫn còn ở mức cao. Các cơ sở chăn nuôi cũng đã có sự chú trọng đầu tư hơn trước để tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Những yếu tố này đã trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào trong chăn nuôi, nhất là các cơ sở chăn nuôi lợn sử dụng 100% thức ăn công nghiệp và cơ sở không tự cung ứng được con giống, phải nhập mua từ nơi khác. Từ đó làm giảm hiệu quả chăn nuôi.
Đồng chí Phạm Anh Hùng phân tích: Trong bối cảnh giá sản phẩm chăn nuôi đang giảm và giá thức ăn chăn nuôi tăng, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất. Bởi phải mua cám qua các đại lý cấp 2, cấp 3; giá mỗi bao cám đã cao hơn từ 5.000 - 10.000 đồng so với đại lý cấp 1. Trong khi đó, hầu hết các trang trại lớn đều ký hợp đồng với các công ty sản xuất thức ăn nên ngoài việc hưởng mức giá sỉ ngang bằng với đại lý cấp 1, còn được thưởng phần trăm vào cuối năm, do đó ít bị ảnh hưởng. Mặc dù giá sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là giá lợn hơi đã giảm, song vẫn cao hơn rất nhiều so với giá thời điểm khi chưa có bệnh DTLCP xảy ra. Giá thức ăn tăng cao, giá sản phẩm chăn nuôi có chiều hướng giảm tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người chăn nuôi, tuy nhiên tính chi phí giá thành chăn nuôi hiện nay (nhất là chăn nuôi lợn) thì người chăn nuôi vẫn đang có lãi.
Cần tận dụng triệt để các nguồn thức ăn tự nhiên
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, trong chăn nuôi, chi phí thức ăn thường chiếm từ 60 - 70% giá thành sản phẩm. Đối với thức ăn công nghiệp, bắt đầu từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, trung bình cứ khoảng 3 tuần đến 1 tháng tăng một lần. Mức tăng từ 5.000 đồng - 10.000 đồng/bao mỗi đợt, đến nay mức giá đã tăng gần 50.000 đồng/bao so với trước.
Dự báo trong thời gian trước mắt, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ còn tiếp tục tăng khoảng 5-10% (500-1.000 đồng/kg) tùy loại mới có thể dừng lại và ổn định. Bởi, lúc này các quốc gia đã đến mùa thu hoạch các nguyên liệu chính (ngô, đỗ tương…); mặt khác, dự báo thị trường sản phẩm chăn nuôi Trung Quốc hiện nay đã gần bão hòa nên cũng không tăng cường dự trữ nguyên liệu nữa. Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước dang dần được kiểm soát. Do đó, giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào sẽ giảm, kéo theo thức ăn công nghiệp tại thị trường trong nước cũng sẽ giảm dần và ổn định.
Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng từ đầu năm đến nay và mức độ tái đàn chăn nuôi thấp, cũng như tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khả năng giá thành thức ăn chăn nuôi công nghiệp sẽ tiếp tục có những biến động, do vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, người chăn nuôi cần chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường thức ăn chăn nuôi và giá sản phẩm chăn nuôi để có kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất phù hợp, giảm thiểu những rủi ro, tác động xấu đến hiệu quả chăn nuôi, tránh hiện tượng “Được mùa mất giá”.
Bà con cần tìm mọi cách để giảm chi phí thức ăn mà không làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của vật nuôi là giải pháp hữu hiệu nhất làm giảm chi phí và giá thành sản phẩm chăn nuôi. Giải pháp thực thi nhất là tận dụng triệt để các nguồn nguyên liệu, các phế phụ phẩm của nông nghiệp tại địa phương hoặc trồng: ngô, khoai, sắn, cám gạo, các loại rau, bèo, thân cây chuối… làm các nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Sử dụng các loại máy nghiền, máy sấy, máy trộn, máy băm cỏ làm nguyên liệu thức ăn và phối hợp với nhau theo các công thức mà các chuyên gia về chăn nuôi đã khuyến cáo. Sử dụng rau xanh non, giá đậu, mộng mạ; bổ sung các loại Premix khoáng, Premix vitamin, Premix khoáng (bà con quen gọi là thức ăn tăng trọng) để bổ sung các loại vitamin và chất khoáng cho vật nuôi. Cho vật nuôi ăn, uống đủ số lượng thức ăn, nước uống theo độ tuổi, đúng giờ, đúng bữa, không cho ăn thức ăn ôi, mốc; vệ sinh chuồng trại máng ăn, máng uống hàng ngày.
Song song với đó, thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng bệnh cho đàn vật nuôi bằng vắc-xin, vệ sinh và phun thuốc sát trùng chuồng trại định kỳ theo qui định. Theo dõi sức khỏe vật nuôi, phát hiện bệnh kịp thời, điều trị đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều lượng và liệu trình. Thực hiện phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh...
Đồng thời, tiếp cận, tranh thủ các nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh như: Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND về chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; Nghị quyết 12/2019/NQ-HĐND về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; Nghị quyết 13/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… để tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển chăn nuôi; chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang tăng quy mô theo hướng hàng hóa tập trung; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để nâng cao chất lượng, hiệu quả, an toàn và phát triển bền vững.

Tổ chức Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh theo đơn vị hành chính cấp tỉnh

Chiều 6/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án chính thức các môn thi tốt nghiệp THPT
Sơ kết 5 năm thực hiện chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại

Hội nghị thẩm định các điều kiện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại Bệnh viện Y học cổ truyền

Hội nghị tuyên truyền, tư vấn, giải đáp chính sách bảo hiểm xã hội năm 2025
Bệnh viện Đa khoa tỉnh sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025

Lai Châu công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên quốc lộ 4D

Thăm hỏi, động viên 2 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất










