

Khi chúng tôi đề nghị chia sẻ về những khó khăn trong nghề, trầm ngâm một lúc bác sỹ Trần Vĩnh Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh chia sẻ: “Bây giờ để thống kê bao nhiêu trường hợp cụ thể thì tôi không thể nhớ hết được, nhưng cũng không quên nhiều vụ án với cái chết oan uổng nhói lòng và nhiều trường hợp người chết đã chôn sâu vào lòng đất nhưng khai quật để tìm dấu vết, minh oan cho gia đình nạn nhân. Nhiều vụ việc chỉ vì hai trăm nghìn đồng mà xảy ra mâu thuẫn, nạn nhân ăn lá ngón tự tử… rất đau lòng. Việc giám định đòi hỏi sự chính xác, nêu lên sự thật bằng các chứng cứ khoa học, giúp cơ quan điều tra định hướng những bước đi tiếp theo; đồng thời giải tỏa những thắc mắc, hoài nghi trong gia đình cũng như trong dư luận. Bằng kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, chúng tôi đem đến góc nhìn khoa học về những thương tật, cái chết của nhiều nạn nhân, nói lên tiếng nói của người đã khuất”.
Cán bộ Trung tâm Pháp y tỉnh đến hiện trường làm nhiệm vụ.
Có trường hợp khiến bác sỹ pháp y day dứt mãi đó là vụ cháu bé 8 tuổi ở Tân Uyên bị thanh niên 25 tuổi cưỡng hiếp, trong khi một cánh tay cháu bị liệt. Cháu bé được đưa vào bệnh viện huyện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, gào khóc thảm thiết. Vì những hành vi đồi bại của đối tượng đã làm ảnh hưởng cả thể chất và tinh thần của cháu bé. Có những vụ việc cách đây mấy năm nhưng khi nhớ lại cũng khiến những người làm giám định rùng mình đó là vụ ở huyện Sìn Hồ, nạn nhân tử vong ngay trên đỉnh đồi, tử thi đã bị phân hủy. Còn có những trường hợp tai nạn giao thông rất thương tâm, thi thể nạn nhân không còn nguyên vẹn, khi ấy bác sĩ giám định phải nhặt nhạnh, rồi ngồi chắp nối, cẩn thận khâu lại các bộ phận, vệ sinh sạch sẽ cho nạn nhân và làm mọi thủ tục như người thân của mình.
Lần đầu nghe các bác sỹ pháp y kể chuyện nghề, có thể nhiều người cảm nhận công việc họ làm từ khi bắt đầu tới lúc kết thúc thật nhanh chóng. Nhưng khi tìm hiểu, chúng tôi mới biết, việc của bác sỹ pháp y khác xa với những bác sỹ làm trong phòng mổ, với e-kíp và nhiều máy móc, thiết bị hỗ trợ. Còn mổ tử thi thường phải làm trong điều kiện vô cùng khó khăn. Cảnh tượng đứng trong phòng mổ rất hãn hữu. Địa hình mổ của bác sỹ pháp y ở tất cả mọi nơi, bất kỳ bờ sông, bờ suối, cánh đồng, núi cao hay rừng rậm. Có những lúc phơi nắng liên tục giữa trưa hè hay ướt như chuột lội vì cơn mưa bất chợt. Không những thế có những lần đội giám định tiếp xúc tử thi để thực hiện nhiệm vụ thì gia đình nạn nhân không cho mổ nên cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình điều tra.
Bác sỹ Nguyễn Văn Hải - Trung tâm Pháp y tỉnh trải lòng: “Nghề giám định pháp y là nghề đặc biệt. Dù sự việc xảy ra ở đâu, địa điểm nào, bất cứ ngày, đêm hay mưa gió nhưng khi ngành chức năng yêu cầu giám định là anh em đều có mặt. Đã có nhiều trường hợp khi làm nhiệm vụ phải đi bộ đường đồi, đường rừng hàng chục cây số. Bên cạnh việc mang theo trang thiết bị để khám nghiệm, chúng tôi còn phải mang theo cả đồ ăn, nước uống để ăn uống dọc đường. Có những năm không được đón giao thừa cùng gia đình. Nhọc nhằn hơn với bác sỹ pháp y là khi phải giải phẫu những tử thi đã phân huỷ, đến mấy ngày sau nghĩ lại còn ớn lạnh, thậm chí về nhà mấy ngày sau còn không ăn được cơm. Nhưng khi đã mang nghiệp vào thân rồi mình phải cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Mặc dù công việc nhiều gian nan vất vả nhưng các cán bộ Trung tâm Pháp y tỉnh vẫn luôn cố gắng vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2017, Trung tâm đã giám định thương tích 100 vụ, giám định tử thi 130 vụ, giám định y khoa 111 đối tượng. Qua đó, giúp cơ quan điều tra phá được nhiều vụ án nghiêm trọng, nhanh chóng bắt được đối tượng, xử lý đúng người, đúng tội. Nhiều năm qua, Trung tâm không có đơn thư, khiếu kiện. Đặc biệt, năm 2017, trung tâm vinh dự được Bộ Y tế tặng Bằng khen cho tập thể và một cá nhân có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Giám định pháp y đến nay vẫn là nghề gian nan, vất vả, được ít người hiểu và thông cảm. Tuy nhiên, nhiều bác sỹ vẫn thầm lặng cống hiến, tâm huyết với nghề để làm phúc cho đời và bảo vệ công lý, góp phần vào sự bình yên của xã hội.
Tin đọc nhiều
Bàn giao nhà ở cho hộ nghèo và tặng xe đạp cho học sinh khó khăn

Khánh thành và bàn giao nhà cho hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Bàn giao nhà cho hộ nghèo xã Sùng Phài

Xã Phúc Khoa: 2 đơn vị trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2

Họp chuẩn bị cho Hội nghị gặp mặt, biểu dương người làm báo tiêu biểu tỉnh Lai Châu
Tuyên dương 5 giáo viên và hơn 200 học sinh tiêu biểu

Đồng hành chăm sóc nuôi dạy trẻ

Những bước đi đầu, tín hiệu vui và giải pháp đồng bộ






