

Bác sỹ CKII. Đào Việt Hưng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Nhiễm khuẩn trong bệnh viện là tình trạng nhiễm khuẩn gặp ở bệnh nhân sau khi nhập viện do lây nhiễm chéo hoặc các vi khuẩn đang lưu hành trong môi trường bệnh viện làm nhiễm khuẩn các vết mổ, nhiễm khuẩn huyết qua catheter tiêm truyền, những bệnh nhân phải can thiệp đường hô hấp, đường tiểu… thì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Vì vậy, bệnh viện luôn chú trọng công tác phòng, chống nhiễm khuẩn và củng cố hoàn thiện hệ thống tổ chức KSNK theo quy định Thông tư 18/2009/TT - BYT của Bộ Y tế ngày 14/10/2009. Theo đó, bệnh viện thành lập Hội đồng KSNK và mạng lưới KSNK, nòng cốt là các điều dưỡng, các trưởng, phó khoa, phòng trong bệnh viện. Chỉ đạo kịp thời việc phối hợp các khoa, phòng liên quan tăng cường KSNK trong các lĩnh vực chuyên môn theo quy định. Đồng thời kiểm tra, giám sát nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng trong bệnh viện như: vệ sinh tay, tiêm an toàn, xử lý, tiệt khuẩn, bảo quản dụng cụ và vật tư y tế. Song song với đó, công tác vệ sinh môi trường trong bệnh viện luôn được quan tâm nhằm đem lại không gian trong sạch, thoải mái cho người bệnh, góp phần xây dựng môi trường bệnh viện an toàn, hạn chế tới mức thấp nhất nhiễm khuẩn bệnh viện".
Cán bộ y tế Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đưa dụng cụ y tế vào máy để tiệt khuẩn.
Tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), trung bình mỗi ngày có khoảng 30 - 50 lượt bệnh nhân đến cấp cứu và được khoa tiểu phẫu nên nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đòi hỏi công tác KSNK phải được tăng cường nhằm hạn chế mức thấp nhất nhiễm khuẩn bệnh viện.
Bác sỹ CKI. Hoàng Ngọc Tuyến - Phó phụ trách Khoa Cấp cứu cho biết: Hàng ngày, khoa tiếp nhận những bệnh nhân cấp cứu, bao gồm các lĩnh vực: sản, nhi, đông y, truyền nhiễm, nội khoa và ngoại khoa. Nhiệm vụ của khoa là xử trí cấp cứu các trường hợp bệnh nhân nặng, sau khi bệnh nhân ổn định chuyển vào các khoa lâm sàng điều trị tiếp. Riêng các bệnh nhân không phải nhập viện sau khi xử trí ổn định cho bệnh nhân ra viện hoặc chuyển tuyến dưới tiếp tục điều trị. Để tránh nhiễm khuẩn, cán bộ, nhân viên y tế của khoa luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình KSNK bệnh viện trước, trong và sau khi cấp cứu bệnh nhân bằng dung dịch hóa chất diệt khuẩn. Ngoài ra, công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng cấp cứu được trang thiết bị đúng quy trình, các dụng cụ y tế bảo đảm tiệt khuẩn tuyệt đối, nên tỷ lệ lây nhiễm chéo giảm đáng kể so với trước đây.
Khoa KSNK là nơi thực hiện công tác vô khuẩn, chuẩn hóa các quy trình khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ y tế, đồ vải… trong bệnh viện. Được biết, mỗi ngày khoa khử khuẩn, tiệt khuẩn 160 lượt bộ dụng cụ y tế và 400 - 600kg đồ vải đã qua sử dụng.
Theo điều dưỡng Đỗ Xuân Trung - Phó trưởng Khoa KSNK, để xử lý dụng cụ y tế, đồ vải đã qua sử dụng phải theo một quy trình rất nghiêm ngặt. Đối với dụng cụ y tế để dùng lại cho bệnh nhân được xử lý theo đúng quy trình gồm: khử nhiễm, làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn và bảo quản đúng cách. Dụng cụ y tế được làm sạch mọi chất hữu cơ trước khi khử, tiệt khuẩn. Nếu dụng cụ y tế được tiếp xúc với da lành lặn (còn gọi là dụng cụ không thiết yếu - noncritical) thì khử khuẩn mức độ thấp hoặc trung bình. Dụng cụ tiếp xúc với niêm mạc (còn gọi là dụng cụ bán thiết yếu - semicrirtical) cần phải khử khuẩn mức độ cao. Dụng cụ tiếp xúc với mô vô trùng, mạch máu (còn gọi là dụng cụ thiết yếu - critical) được tiệt khuẩn bằng công nghệ Plasma - máy Sterrad 100S của công ty Johnson & Johnson hoặc công nghệ hấp ướt 134oC. Dụng cụ tiệt khuẩn được giám sát chất lượng tiệt khuẩn bao gồm các test thử sinh học, hóa học và giám sát các thông số hoạt động của máy tiệt khuẩn như: nhiệt độ, áp suất và thời gian tiệt khuẩn. Dụng cụ tiệt khuẩn được bảo quản trong môi trường vô khuẩn cho đến khi sử dụng cho người bệnh.
Riêng với đồ vải trong bệnh viện được xử lý theo nguyên tắc giảm tối thiểu giũ đồ vải để tránh lây nhiễm vi sinh vật từ đồ vải sang môi trường không khí, bề mặt và con người. Đồ vải trong bệnh viện được thu gom và chuyển xuống nhà giặt trong ngày và được thu gom thành hai loại cho vào túi riêng biệt: đồ vải bẩn và đồ vải lây nhiễm (đồ vải dính máu, dịch, chất thải cơ thể). Đồ vải cũng được giặt theo các chương trình khác nhau tùy theo mức độ lây nhiễm, chất liệu. Riêng đồ vải phục vụ công tác phẫu thuật, thủ thuật được hấp tiệt khuẩn trước khi đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của cán bộ y tế và người bệnh.
Chị Nguyễn Thị Trang (tổ 5, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) chia sẻ: “Tôi vừa sinh mổ tại Khoa sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và sử dụng quần áo, chăn ga của bệnh viện đã được khử khuẩn để bảo vệ sức khỏe. Trong thời gian nằm viện, tôi được cán bộ y tế hướng dẫn vệ sinh cá nhân, thay quần áo, chăn ga hàng ngày nhằm phòng, chống nhiễm khuẩn”.
Để phòng, chống nhiễm khuẫn ở bệnh viện hiệu quả, thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình chống nhiễm khuẩn, đặc biệt là đối với chất thải y tế, vệ sinh môi trường, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ y tế, đồ vải đã qua sử dụng… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cán bộ, nhân viên y tế thực hiện các quy định phòng, chống nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, người nhà bệnh nhân cần phối hợp với các thầy thuốc bảo đảm môi trường vô trùng cho người bệnh.
Tin đọc nhiều

Xã Mường Tè: Khẩn trương xoá nhà tạm, nhà dột nát

Xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

Xã Nậm Chà nhiều cách làm hay trong xóa nhà tạm, nhà dột nát

Thèn Sin nỗ lực xoá nhà tạm, nhà dột nát
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Thanh Hải tặng quà cho người có công với cách mạng
Khánh thành “Trường đẹp cho em”
Công ty Điện lực Lai Châu: Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2025–2030









