

Mất gần 2 tiếng đồng hồ vượt qua những con dốc ngoằn nghèo, chúng tôi đến Trụ sở UBND xã Mường Mít, dọc đường gặp từng đoàn người mang thùng, can, chậu đang tiến về suối Nậm Mít. Tìm hiểu chúng tôi được biết, người dân trong bản đi lấy nước sinh hoạt.
Do công trình nước sinh hoạt Huổi Hoi bị hư hỏng nặng nên bể chứa nước không có nước.
Anh Lò Văn Điêu – Bí thư Chi bộ bản Pá Luông đang oằn lưng cõng can nước nói: “Bản cũng có công trình nước sinh hoạt nhưng không có nước. Nguyên nhan do công trình nước sinh hoạt Huổi Hoi (cấp nước cho 4 bản tái định cư Mường Mít) bị hư hỏng nặng. Từ khi chuyển lên đây 34 hộ của bản đều sống trong tình cảnh thiếu nước trầm trọng. Gia đình nào có điều kiện thì đi sang các bản khác mua nước với mức 50 nghìn đồng/1 tháng. Song không phải lúc nào cũng mua được, vì các bản khác cũng thiếu nước mà. Các hộ còn lại thì hàng ngày ra suối Nậm Mít lấy nước về sử dụng, mặc dù biết nguồn nước ở đây không đảm bảo vệ sinh do ảnh hưởng bởi hóa chất khai thác và sơ chế vàng ở xã Pắc Ta thải xuống nhưng vẫn phải gánh nước về nấu ăn”.
Cán bộ điện nước xã Mường Mít (Than Uyên) kiểm tra các đường ống dẫn nước công trình nước sinh hoạt Huổi Hoi.
Cách bản TĐC Pá Luông không xa, 44 hộ của Bản Ít di chuyển lên từ tháng 10/2010 nhưng đến nay bà con cũng đang sống chung với cảnh thiếu nước sinh hoạt. Hiện nay trong bản chỉ có 5 hộ đầu tư số tiền (7 – 8 triệu đồng) để mua ống dẫn nước từ các khe suối về sử dụng, còn lại các hộ đều phải đi mua nước hoặc ra suối Nậm Mít gánh nước về để sinh hoạt. Vì vậy, để tiết kiệm nước, bà con trong bản phải tính toán hợp lý khi sử dụng nước. Mỗi khi rửa rau xong lại phải cất đi để rửa bát vừa rửa các vật dụng khác trong gia đình.
Theo lời của bà con trong bản, do việc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm ở suối Nậm Mít đã gây ra một số bệnh đường ruột như: tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa và bệnh ngoài da. Chị Lò Thị Ươi chia sẻ: “Bể nước mưa chỉ đủ dùng một mùa còn lại vẫn phải sử dụng nước suối. Bản có công trình nước sinh hoạt mà có được dùng đâu vì từ lâu đã bị hư hỏng. Nhà có cháu nhỏ cứ dùng nước suối là chúng tôi lại nơm nớp lo sợ”.
Để kiểm chứng những thông tin trên, chúng tôi đã đi kiểm tra những chiếc bể chứa nước ở các bản nhưng hầu hết ở các bể này đều không có một giọt nước nào. Ông Hoàng Văn Chài – Phó Chủ tịch xã Mường Mít, cho biết: Công trình nước sinh hoạt Huổi Hoi được đầu tư xây dựng năm 2009 với tổng nguồn vốn đầu tư 2 tỷ 991 triệu đồng từ chương trình TĐC thủy điện Bản Chát – Huổi Quảng. Công trình do Công ty trách nhiệm thương mại Tân Long thi công. Đến đầu tháng 9/2010 thì công trình hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng đáp ứng được nguồn nước cho 4 bản TĐC gồm: Bản Mường, bản Ít, bản Lào và bản Vè. Khi đưa công trình vào sử dụng bà con nhân dân rất phấn khởi, tuy nhiên niềm vui ấy cũng chỉ kéo dài được mấy tháng vì đến tháng 6/2011 do mưa, lũ lụt đã gây sạt lở đất làm công trình nước sinh hoạt Huổi Hoi bị hư hỏng nặng, đường ống dẫn nước bị gãy và bị đất đá vùi lấp đến nay công trình gần như bỏ hoang”
Anh Chài đã làm “hướng dẫn viên” cho cuộc hành trình xuyên rừng, lội suối dài hơn 3 cây số tìm hiểu về đập đầu mối của công trình nước sinh hoạt. Dọc đường, chúng tôi thấy hệ thống đường ống bị đứt vụn ra từng khúc, đoạn nằm trên thanh đỡ, đoạn lăn lóc giữa rừng, đoạn thì do mưa lũ đường ống bị đất vùi lấp. Đi hơn một tiếng đồng hồ mới tới điểm đầu mối lấy nước và bể lọc được đặt trên đỉnh núi. Do không được bảo quản, sử dụng nên điểm đầu mối đã xuống cấp, hư hỏng và bị cây cối đổ đè lên, hệ thống bể lọc bị rêu bám, mốc meo. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến 50 bể nước của 5 bản TĐC xã Mường Mít không có một giọt nước nào.
Cũng theo lời anh Chài, thì UBND xã đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện Than Uyên mong được hỗ trợ kinh phí để đầu tư, sửa chữa lại tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết! Còn về phía UBND xã thì rối như “mớ bòng bong”, ngoài nguyên nhân do thiên tai thì một phần còn do sự quản lý thiếu chặt chẽ của xã, công trình lại hết thời hạn bảo hành nên việc sửa chữa, khắc phục chỉ còn trông trờ vào tỉnh và huyện.
Hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã rất mong tỉnh, huyện quan tâm bố trí vốn khắc phục sự cố công trình, giải quyết vấn đề cấp bách thiếu nước sinh hoạt cho nhân dân để bà con các điểm TĐC ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
Công ty Điện lực Lai Châu: Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2025–2030

Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”

Đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định phục vụ nhân dân

Tiên phong trên mặt trận truyền thông, lan tỏa tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Đa dạng hoạt động giúp nông dân xóa nhà tạm

Bum Tở quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Lai Châu triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Công ty Điện lực Lai Châu: Diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - xử lý sự cố - an toàn năm 2025








