

Những ngày tháng 3, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa các thông tin về lợn, cá bị nhiễm sán; dịch tả lợn Châu Phi đang bùng phát ở nhiều tỉnh kiến người tiêu dùng trên địa bàn huyện Tân Uyên cẩn thận, ưu tiên lựa chọn những thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, một số hộ dân tại các xã vùng sâu, vùng xa như: Nậm Sỏ, Tà Mít, Hố Mít vẫn mua hàng hóa không nhãn mác, hết hạn sử dụng, hàng kém chất lượng.
Lợi dụng tâm lý ham của rẻ của bà con, cơ sở kinh doanh thực phẩm vì lợi nhuận trước mắt tiếp tay cho thực phẩm không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ trà trộn vào địa bàn. Do đó, ngoài công tác thanh kiểm tra, huyện chú trọng tuyên truyền, nâng cao kiến thức VSATTP cho người dân, hướng tới người tiêu dùng thông minh chỉ lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác. Đồng thời, vận động bà con khi phát hiện cơ sở vi phạm quy định VSATTP thông tin cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý.
Chị Nguyễn Thị Thu, tổ dân phố 3, thị trấn Tân Uyên cho biết: “Ngày trước đi chợ, tôi thường quan tâm đến giá cả chứ chưa chú ý nhiều nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm. Nắm bắt thông tin về các vụ ngộ độc do sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, tôi chủ động tìm hiểu, cẩn thận lựa chọn. Đối các mặt hàng bánh, kẹo, mì chính chú ý nhãn mác, hạn sử dụng. Những thực phẩm tươi sống thì sử dụng cảm quan và mối quan hệ thân quen để mua".
Nông dân thị trấn Tân Uyên chú trọng chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi nhằm cung cấp ra thị trường nguồn thực phẩm sạch.
Hiện, trên địa bàn huyện Tân Uyên có 598 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, ngành Y tế quản lý 167 cơ sở, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 216 cơ sở, Kinh tế và Hạ tầng quản lý 215 cơ sở. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn thực phẩm được sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phải vận chuyển từ các địa phương khác đến bằng nhiều đường khác nhau gây khó khăn trong kiểm soát nguồn gốc.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ăn uống tại huyện phần lớn nhỏ lẻ, tự phát theo hộ gia đình; chưa xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Do đó, công tác tuyên truyền về đảm bảo VSATTP luôn được các cơ quan chuyên môn, địa phương duy trì, chú trọng với nhiều hình thức. Đặc biệt chú trọng trong các ngày lễ tết, Tháng hành động vì ATTP. Kết hợp tuyên truyền trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, khu vực vùng sâu, vùng xa qua các đợt kiểm tra, giám sát định kỳ. Riêng năm 2018, huyện tổ chức truyền thông 251 buổi với 5.525 người tham gia.
Cùng với đó, huyện chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm quy định VSATTP. Hàng năm, các đoàn kiểm tra liên ngành đến từng cơ sở sản xuất kinh doanh kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh, trang thiết bị dụng cụ, con người, chất lượng thực phẩm, sản phẩm, việc lưu mẫu thức ăn, làm các test nhanh. Năm qua, có 1.402 lượt cơ sở được kiểm tra, giám sát (1.065 lượt cơ sở đạt tiêu chuẩn VSATTP, không đạt 337 lượt cơ sở). Lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 19 cơ sở; tiêu hủy hàng hóa của 9 cơ sở.
Công tác bảo đảm VSATTP đối với các cơ sở thức ăn đường phố, sản xuất kinh doanh rượu được huyện chú trọng, tránh tình trạng hàng nhái, hàng giả xuất hiện trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện có 32 cơ sở thức ăn đường phố, 51 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Việc quản lý thức ăn đường phố còn gặp nhiều khó khăn do kinh doanh không có địa điểm cố định, thường xuyên thay đổi. Các cơ sở kinh doanh rượu chủ yếu nấu thủ công với quy mô nhỏ; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP; cơ sở thiết bị, hạ tầng trong sản xuất được sử dụng chung với thiết bị, khu vực sinh hoạt gia đình.
UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát các cơ sở nấu rượu thủ công, tuyên truyền, hướng dẫn việc đăng ký và hoàn thiện các điều kiện pháp lý để cấp giấy phép sản xuất. Tổ chức cho các cơ sở thức ăn đường phố, cơ sở nấu rượu ký cam kết với ngành Y tế trong công tác đảm bảo VSATTP. Tăng cường kiểm tra, rà soát, kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Là cơ quan thường trực trong công tác đảm bảo VSATTP, thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên sẽ tiếp tục phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn đẩy mạnh truyền thông tuyên truyền về đảm bảo VSATTP. Tăng cường kiểm tra chuyên ngành, đột xuất các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là phương tiện vận chuyển hàng hóa vào địa bàn. Thực hiện kiểm tra sau cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; ký cam kết đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. Hướng công tác về khu vực vùng sâu, vùng xa nhằm ngăn ngừa các ca, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
Tin đọc nhiều

Trao 60,5 triệu đồng hỗ trợ xoá nhà tạm cho hộ nghèo ở Mường Cang

“Cõng” sóng lấp vùng lõm
Báo Lai Châu học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác làm báo tại Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương

Lai Châu hỗ trợ các nạn nhân bị sạt lở đất tại công trường thủy điện Tả Páo Hồ 1A

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thăm hỏi, động viên các nạn nhân vụ sạt lở đất tại xã Sì Lờ Lầu

Bí thư Tỉnh ủy Giàng Páo Mỷ thăm hỏi, động viên các nạn nhân bị sạt lở tại Công trình thủy điện Tả Páo Hồ 1A

Tìm thấy thi thể 5 nạn nhân bị sạt lở ở Sì Lở Lầu

Ra quân truyền thông hưởng ứng tháng vận động triển khai BHXH toàn dân năm 2025






