

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Tè có 30 trường ở cấp tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) và liên cấp TH&THCS; trong đó, 22 trường có phòng thư viện đọc và 8 trường chưa có phòng thư viện đọc.
Đối với những trường có phòng thư viện đọc nhưng thực tế phòng đọc còn nhiều thiếu thốn về tài liệu tham khảo, sách giáo khoa, không gian đọc chật và thiếu bàn ghế ngồi. Để đáp ứng được nhu cầu về sách, tài liệu tham khảo cho nhà trường, các thầy, cô giáo tích cực huy động nguồn lực xã hội, các cấp, ngành bổ sung, hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đầu sách, truyện cho nhà trường. Tuy nhiên, cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, giúp các em tiếp cận với sách ngày càng phong phú, đa dạng, thích thú đọc sách hơn.
Còn với những trường chưa có phòng thư viện đọc phải linh hoạt bằng cách sử dụng chung với phòng thiết bị, phòng học hoặc sân trường. Ngành GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường tạo không gian đọc tại chòi ngoài trời, dưới tán cây, ghế đá, sân trường. Khuyến khích học sinh đọc sách vào 15 phút đầu giờ học, thời gian rảnh rỗi hoặc tranh thủ trong giờ ra chơi ngay khuôn viên trường, lớp, cầu thang. Từ đó, bổ sung kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh.
Em Vàng Na Si - học sinh lớp 7A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH - THCS xã Bum Tở: “Nhà em ở xa trường học phải ăn ở bán trú tại trường, ngoài những tiết học chính khóa chúng em thường tìm đọc thêm tài liệu tham khảo các môn học để nâng cao kiến thức, đọc những cuốn truyện cười, truyện cổ tích giải trí đầu óc. Thời gian tới, chúng em mong nhà trường sẽ có phòng đọc sách, số lượng sách, truyện ngày càng nhiều hơn”.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH - THCS xã Bum Tở (huyện Mường Tè) lựa chọn, tìm đọc sách, truyện.
Năm học 2022 - 2023, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH - THCS xã Tà Tổng (huyện Mường Tè) có 865 học sinh. Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị từ các cấp, ngành, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng trong khi nguồn kinh phí hạn hẹp, hiện nay nhà trường vẫn chưa có phòng thư viện đọc.
Vì vậy, nhà trường bố trí thư viện đọc vào một phòng nhỏ với nhiều tài liệu tham khảo, các loại sách giáo khoa, các đầu sách không sắp xếp theo quy củ. Mặc dù, số học sinh của nhà trường khá đông nhưng với tình trạng nguồn sách ít nên số lượng học sinh lên thư viện đọc sách chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cô giáo Tống Thị Điệp – Quản lý thư viện Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH - THCS xã Tà Tổng cho biết: “Hiện, nhà trường chưa có phòng thư viện đọc, thư viện như cái kho, dùng chung với phòng thiết bị, đồ dùng của các môn học khác; do đó nhà trường phải linh động tiết đọc thư viện trong lớp dưới sự giám sát của thầy, cô giáo. Các em học sinh ở đây ham đọc sách, tuy nhiên chưa có nhiều sách, truyện để nghiên cứu, tìm đọc. Chúng tôi mong muốn các cấp, ban, ngành đoàn thể, các nhà từ thiện quan tâm đầu tư trang thiết bị, số lượng đầu sách, truyện ngày càng phong phú, đa dạng cho nhà trường”.
Với đặc thù huyện biên giới xa xôi, các đơn vị trường học nằm ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn; kinh phí hoạt động thư viện còn hạn chế, chủ yếu các trường sử dụng nguồn vốn tự cân đối và xã hội hóa. Do vậy, nhiều trường trên địa bàn huyện chưa có thư viện, thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị, không gian đọc hạn hẹp, nguồn sách thiếu phong phú, đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, đọc sách của học sinh.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH - THCS xã Tà Tổng (huyện Mường Tè) đọc sách dưới tán cây của trường.
Ngoài thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, do các thư viện hoạt động theo lối thủ công truyền thống, chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thư viện; số lượng sách giáo khoa, truyện, tài liệu tham khảo, phục vụ nhu cầu đọc của học sinh không phong phú, đa dạng. Từ đó, hạn chế việc đọc cũng như tiếp cận với sách, chưa hình thành thói quen thường xuyên đọc sách, văn hóa đọc của học sinh.
Ông Hà Đình Nhuận - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè cho biết: “Phòng GD&ĐT huyện thường xuyên triển khai tới các đơn vị trường học trên địa bàn xây dựng các hệ thống thư viện xanh, góc lớp trong trường học. Phát động các phong trào xã hội hoá, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tặng thư viện cho các trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Kêu gọi, ủng hộ sách báo, truyện, tài liệu tham khảo ngày càng phong phú, đa dạng cho học sinh ở vùng khó”.
Để thư viện đọc hoạt động hiệu quả, hình thành và duy trì được thói quen đọc sách trong học sinh vẫn đang là một bài toán khó. Thời gian tới, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Mường Tè rất cần các cấp, ngành tỉnh, huyện quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng phòng thư viện đọc; tu sửa, cải tạo thư viện, hỗ trợ bàn ghế, bảng biểu; bổ sung số lượng đầu sách, truyện, tài liệu tham khảo cho các nhà trường.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ thư viện…; từng bước hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các em ở vùng sâu, vùng xa.

Đưa chính sách vào đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Lai Châu tăng tốc xoá nhà tạm: Vì một mái ấm nhân văn, không ai bị bỏ lại phía sau

Chủ động kiểm soát từ sớm

Lễ đón Bằng công nhận Trường Tiểu học và Trung học cơ sở đạt chuẩn Quốc gia mức độ I
Bộ Công an bàn giao kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Vẻ đẹp người con gái Thái giữa đại ngàn Tây Bắc
Huyện Mường Tè: Xoá 359 nhà tạm, nhà dột nát

Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cựu Thanh niên xung phong nêu gương sáng, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”









