

Thời điểm cuối năm bộn bề công việc nhưng đồng chí Nguyễn Văn Tuân – Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phong Thổ vẫn cố gắng dành thời gian chia sẻ với chúng tôi những nhiệm vụ các anh đang làm. Từ giữa tháng 11/2019 đến nay, Quyết định số 41/2019/QĐ-UBND ngày 4/11/2019 của UBND tỉnh Lai Châu về ban hành quy định một số nội dung thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, UBND tỉnh giao Hạt Kiểm lâm cấp huyện chỉ đạo kiểm lâm làm việc tại địa bàn tham mưu UBND cấp xã tổ chức thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Tiếp nhận công việc mới trong điều kiện Phong Thổ là huyện biên giới, còn nhiều khó khăn, địa hình chia cắt phức tạp, trình độ nhận thức của Nhân dân không đồng đều. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm mỏng (trung bình mỗi xã chỉ có 1 kiểm lâm địa bàn), chưa được tập huấn sử dụng phần mềm bản đồ xác định diện tích rừng cũng như trang bị thiết bị làm việc. Vượt qua những trở ngại đó, lực lượng kiểm lâm huyện Phong Thổ chủ động tìm hướng giải quyết, tập trung phát huy lợi thế (sự năng động của tuổi trẻ, khả năng bám nắm địa bàn, kinh nghiệm trong công tác…), trách nhiệm với công việc được giao.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Phong Thổ cùng người dân thị trấn Phong Thổ tuần tra bảo vệ rừng.
Lực lượng kiểm lâm huyện tham gia xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng cho đối tượng cộng đồng dân cư, hộ gia đình; xác định diện tích cung ứng môi trường rừng toàn huyện. Kiểm lâm địa bàn chủ động tham mưu cho chính quyền các xã, thị trấn trong công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cụ thể là về xác định diện tích chi trả, ký hợp đồng với nhóm hộ bảo vệ rừng, xây dựng phương án sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, nghiệm thu thanh lý hợp đồng của nhóm hộ…
Để việc chi trả đảm bảo chính xác, kịp thời, cuối năm, kiểm lâm địa bàn phối hợp với cán bộ xã, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện rà soát diện tích rừng tăng, giảm, đã đủ điều kiện. Việc xác định diện tích rừng để chi trả còn dựa trên kết quả theo dõi diễn biến rừng hàng năm của Hạt. Đến tháng 1 năm sau, phải hoàn thiện bản đồ chi trả.
Theo số liệu thống kê, hiện nay, tổng diện tích rừng của huyện Phong Thổ là 43.813,56ha (rừng tự nhiên 42.912,93ha, rừng trồng 900,63ha). Trong đó, diện tích rừng được giao cho xã, thị trấn quản lý là 20.777,06ha. Diện tích rừng này phân bố ở 17/17 xã, thị trấn và tập trung nhiều ở thị trấn Phong Thổ, các xã: Lản Nhì Thàng, Nậm Xe, Hoang Thèn. Qua đánh giá, năm 2019 phần lớn diện tích rừng do các xã, thị trấn đủ điều kiện được chi trả với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng.
Chi trả kịp thời, mang lại nguồn thu, Nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, chung sức bảo vệ rừng. Năm 2020, toàn huyện xảy 2 vụ cháy rừng (0,71ha) ở Sin Suối Hồ và Khổng Lào, 3 vụ cháy thảm cỏ (4,05ha) ở thị trấn Phong Thổ, Dào San, tất cả đều được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, phòng cháy chữa cháy rừng giảm. Năm 2020, lực lượng chức năng phát hiện xử lý 21 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 29 vụ so với năm 2019). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,66%.
Cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Phong Thổ và bà con thôn Pa So (thị trấn Phong Thổ) chúng tôi vượt qua đoạn đường dốc dài, đến thăm những cánh rừng xanh ngút ngàn do thôn quản lý. Nơi đây tập trung nhiều cây mỡ có đường kính 20-30cm, tròn đều, thẳng tắp. Để có những cánh rừng xanh tốt, với sự tham mưu của kiểm lâm địa bàn, thị trấn Phong Thổ tập trung tuyên truyền Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Công tác khoanh nuôi rừng tái sinh gắn với thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng duy trì nghiêm túc. Tỷ lệ che phủ rừng của thị trấn đạt 47,8%.
Bà Đỗ Thị Liễu (thôn Pa So) cho biết: “Gia đình tôi thành lập Hợp tác xã Voòng Dính, hiện đang nhận quản lý, bảo vệ trên 90ha rừng trồng. Với các loại cây: lát, mỡ, trẩu, keo, bạch đàn... hầu hết trên dưới 10 năm tuổi. Mỗi năm được chi trả từ 70-80 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Ngoài ra, gia đình tôi còn nhận chăm sóc trên 60ha rừng khoanh nuôi. 8 năm nay không xảy ra cháy rừng, toàn bộ diện tích được bảo vệ tốt”.
Đối với xã Mường So, phát huy vai trò của kiểm lâm địa bàn trong công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng là cầu nối hiệu quả bảo vệ rừng. Kiểm lâm địa bàn làm tốt công tác tham mưu xây dựng bản đồ, xác định diện tích chi trả. Nhiều năm nay, trên địa bàn xã không để xảy ra cháy rừng.
Sự vào cuộc của lực lượng kiểm lâm vào quá trình tổ chức thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở cấp xã đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong công tác bảo vệ rừng. Đây cũng là thành công bước đầu, đánh dấu hướng đi đúng đắn của tỉnh. Tin tưởng, với cách làm phù hợp, tỉnh ta sẽ thực hiện thắng lợi chương trình trọng điểm về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020-2025 theo đúng Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.
Tin đọc nhiều

Cựu chiến binh tỉnh Lai Châu thăm TPHCM sau 50 năm thống nhất đất nước

Sìn Hồ: Tìm thấy 2 thi thể nạn nhân bị nước cuốn trôi

Hơn 500 học sinh tham gia “Ngày hội sắc màu – Cuộc thi vẽ tranh”
Bộ Công an hỗ trợ tỉnh Lai Châu xây mới 1.100 căn nhà cho các gia đình thuộc diện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát

Tam Đường quyết tâm hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát
Khảo sát, hỗ trợ kinh phí triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Tam Đường

Từ 1/7, người chưa có lương hưu được nhận trợ cấp hưu trí xã hội

Xã Bản Bo: Nỗ lực ''cán đích'' nông thôn mới nâng cao






