

Người tiêu dùng lo lắng
Ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi có dịp đi mua sắm ở các chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố Lai Châu. Tại đây, chúng tôi được nhiều người tiêu dùng chia sẻ cảm giác bất an về chất lượng hàng hóa khi thật - giả lẫn lộn và ngày càng nhiều loại hàng giả được phát hiện.
Chị Nguyễn Thanh Vân ở phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) cho biết: Các phương tiện thông tin đại chúng gần dây liên tiếp đưa tin về việc phát hiện các cơ sở sản xuất hàng giả khiến tôi, người thân trong gia đình, kể cả bà con cùng tổ dân phố đều rất lo lắng. Rất may là các nhãn hàng đó tôi chưa sử dụng sản phẩm nào. Nhưng cũng không thể biết các hàng hóa mình đang sử dụng có phải hàng thật không nên giờ đây tôi lúc nào cũng có tâm lý đề phòng và chỉ sử dụng những sản phẩm đã được cơ quan chức năng kiểm chứng, kiểm soát chặt đầu vào.
Còn chị Phạm Hằng Nga (thị trấn huyện Phong Thổ) thì tâm sự: Dù rất cẩn trọng tìm hiểu kỹ sản phẩm, mua tại các cơ sở uy tín và có thương hiệu nhưng tôi vẫn băn khoăn trước sự trà trộn của hàng giả vào hàng thật, bởi thực tế là càng hàng thương hiệu lớn thì càng bị làm giả nhiều. Vì thế, có khi mình mất tiền, nhưng đôi khi vẫn mua phải hàng giả và ảnh hưởng tới sức khỏe của cả gia đình. Do đó, mong sao thị trường hàng hoá được kiểm soát chặt chẽ để hàng không đảm bảo chất lượng, nhất là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khoẻ không có cơ hội được bán ra thị trường.
Các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Trong ảnh: Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng hàng hoá tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Mường Tè.
Tại một số cửa hàng Winmart+, siêu thị lớn, qua quan sát của phóng viên và chia sẻ của nhân viên bán hàng, được biết, thời gian gần đây, trước thông tin nước mắm Nam Ngư, Chin Su… bị một số cơ sở làm giả, khách hàng đã giảm hẳn lượng mua các sản phẩm này và chuyển sang tiêu dùng các thương hiệu khác. Điều này cho thấy, việc làm giả không chỉ làm mất niềm tin người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất có sản phẩm bị làm giả.
Trước ma trận các loại hàng giả, thời điểm này, hàng hoá trong tỉnh sản xuất được người dân tin tưởng sử dụng hơn. Tại chợ trung tâm ở phường Đoàn Kết, ngày cuối tuần, không khí mua sắm tấp nập, nhất là hàng rau, thực phẩm tươi sống do bà con trong tỉnh nuôi, trồng. Mùa này, rau củ được mùa, tươi ngon, giá rẻ. Chị Hà Ngọc Bích (ở đường Trần Hưng Đạo) hai tay xách khệ lệ nhiều túi thực phẩm, vừa đi, vừa cho hay: Giờ đây, tôi ưu tiên lựa chọn các mặt hàng do nông dân trong tỉnh sản xuất như: gạo séng cù ở Than Uyên; rau, thịt, cá của bà con các địa phương nuôi, trồng; mua mỡ lợn đen sử dụng thay dầu ăn; nước mắm thì mua của bạn bè có người thân ở quê tự làm và không sử dụng mì chính hay bột nêm... Những thay đổi này giúp tôi yên tâm hơn khi sử dụng và cũng góp phần nhỏ kích cầu tiêu dùng trong tỉnh.
Cần tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Để tự bảo vệ, người tiêu dùng đã có sự thay đổi trong mua sắm hàng hóa như: tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, lựa chọn hàng tại các siêu thị lớn có kiểm định đầu vào khắt khe, cơ sở kinh doanh uy tín… Trên các chợ online (Shopee, Lazada, Tiki…) thì quan tâm đọc những phản hồi của khách hàng đã mua sản phẩm trước đó, rồi số sao đánh giá…
Thực tế, một số sản phẩm hàng giả được phát hiện thời gian qua chỉ là tảng băng nổi, còn có lẽ ở đâu đó, không ít cá nhân, cơ sở vẫn đang âm thầm sản xuất hàng không chất lượng tuồn ra thị trường nhưng cơ quan chức năng chưa phát hiện ra. Việc sử dụng hàng giả không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà quan trọng hơn là làm mất niềm tin, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và tác động xấu đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Hầu hết người tiêu dùng đều bày tỏ mong muốn lực lượng chức năng tăng cường vào cuộc, quyết liệt hơn nữa trong xử lý hàng giả, hàng nhái, ngăn chặn kịp thời các mặt hàng không đảm bảo chất lượng trước khi đưa ra thị trường để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về vấn đề này, đồng chí Đỗ Văn Tính - Chi cục trưởng Chi cục QLTT cho biết: Đối với địa bàn tỉnh Lai Châu, tình hình buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn tiềm ẩn tại các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Hàng giả mạo thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ khi đã lưu thông trên thị trường, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhằm đấu tranh hiệu quả đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, chi cục chú trọng quản lý địa bàn, giám sát, nắm tình hình; ưu tiên phòng ngừa và phản ứng nhanh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm. Phổ biến thông tin hàng thật - hàng giả để người tiêu dùng có thể nhận biết, từ đó lựa chọn hàng hóa đảm bảo chất lượng, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm trong tỉnh sản xuất, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được kiểm định chất lượng.
Chi cục QLTT cũng khuyến cáo, người tiêu dùng nên mua sản phẩm có thương hiệu, nhãn mác tiếng Việt được bán tại các cửa hàng, đại lý có uy tín. Không nên mua và sử dụng các sản phẩm trôi nổi và có giá rẻ bất thường, khi mua hàng yêu cầu xuất hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Nếu nghi ngờ về chất lượng sản phẩm nên giữ lại sản phẩm đó cùng bao bì, nhãn mác sản phẩm làm cơ sở để cơ quan chức năng xử lý đối tượng vi phạm. Đồng thời, liên hệ ngay với lực lượng chức năng trên địa bàn để kịp thời kiểm tra, xử lý. Chủ động tố giác và không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm nhằm góp phần hạn chế hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Về phía Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, anh Vương Sỹ Chung - Phó Chủ tịch Hội cho rằng: Để bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Trong đó, các cơ sở sản xuất phải đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu, tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh. Sự trung thực, trách nhiệm của doanh nghiệp là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng ngoài tăng cường kiểm tra, kiểm soát, cần xử lý nghiêm minh tận gốc vấn đề chứ không chỉ đơn thuần là tịch thu, tiêu hủy hàng hóa. Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái để bảo vệ chính mình, gia đình. Khi gặp vấn đề cần bảo vệ quyền lợi, hãy gọi ngay đến Tổng đài tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng tỉnh: 18006838-0213 để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Tin đọc nhiều
Người dân Sàng Cải mong mỏi một con đường
Trao cơ hội để phụ nữ vùng biên giới phát triển

"Sống chậm" giữa thời đại công nghệ số

Đẩy nhanh tiến độ cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa bão

Cẩn trọng khi ăn thịt động vật chết

Khẩn trương ngăn chặn bệnh dại

Huyện Tam Đường: Vượt kế hoạch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi

Đồng hành cùng trẻ vượt qua hội chứng tự kỷ








