

Không thể phủ nhận rằng công nghệ đã và đang mang lại nhiều tiện ích vượt bậc, giúp con người dễ dàng tiếp cận tri thức, kết nối với bạn bè, gia đình ở bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên mặt trái của nó cũng rất rõ nét. Việc liên tục cập nhật tin tức, phản hồi tin nhắn tức thì, sống trong sự kết nối không ngừng nghỉ… đang khiến không ít người rơi vào trạng thái mệt mỏi, kiệt sức.
Việc quá phụ thuộc vào công nghệ có thể gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Trước hết phải kể đến là sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Việc chúng ta dành quá nhiều thời gian cho màn hình điện thoại, máy tính mà quên mất những khoảnh khắc ý nghĩa bên gia đình, người thân và bạn bè. Bên cạnh đó, nhịp sống hiện đại với tốc độ nhanh, áp lực cũng làm tăng căng thẳng, lo âu. Tình trạng này nếu kéo dài có thể dẫn đến suy giảm sức khỏe tinh thần, giảm khả năng tập trung và sáng tạo, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống.
Ngày nghỉ ngoài việc đọc sách, nấu ăn thì vẽ tranh cũng là hoạt động giúp con người sống chậm trong thời đại số.
Theo chia sẻ của nhiều người dân tại thành phố Lai Châu, cường độ làm việc và mức độ lệ thuộc vào công nghệ đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống. Chị Mai Hiên - chủ một cửa hàng mỹ phẩm trên đường Trần Phú – thành phố Lai Châu cho biết: Ngoài hình thức bán hàng trực tiếp, tôi còn phải liên tục quay video, livestream trên các nền tảng như Facebook, TikTok… để quảng bá sản phẩm. Công việc gần như gắn liền với màn hình điện thoại. Thế nhưng, tôi luôn giữ nguyên tắc - cuối tuần là thời gian của gia đình. Cả nhà sẽ tạm “gác” điện thoại sang một bên, cùng nhau nấu ăn, đọc sách và trò chuyện. Đó là những khoảnh khắc quý giá giúp gắn kết tình thân.
Không chỉ trong gia đình, xu hướng sống chậm còn lan tỏa qua những thói quen đời thường giản dị. Với chị Dương Thị Đường (phường Đoàn Kết), việc chăm sóc vườn rau, bụi hoa, chậu cây cảnh đã trở thành “liều thuốc tinh thần” trong cuộc sống hiện đại. “Sau 8 giờ vùi đầu với màn hình và những con số ở công sở thì khoảng thời gian tôi cảm thấy bình yên nhất là khi được chăm chút cho từng luống rau, ngắm nhìn một nụ hoa chớm nở hay chồi non vừa nhú. Nhóm bạn cùng sở thích của tôi thường chia sẻ cách chăm cây, thậm chí tặng nhau những giống cây lạ. Cho đi cũng là một dạng hạnh phúc”, chị Đường bộc bạch.
Chị Dương Thị Đường ở phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu lựa chọn thú vui chăm sóc cây cảnh sau giờ làm việc.
Thực tế cho thấy, nhịp sống nhanh, gấp gáp không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn làm suy giảm khả năng tập trung, sáng tạo. Não bộ khi tiếp nhận quá nhiều thông tin cùng lúc sẽ không có đủ thời gian để xử lý sâu sắc, dẫn đến hiệu suất làm việc thấp, tâm trạng bất ổn, dễ rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài.
Giữa bối cảnh ấy, sống chậm không phải là thoái lui hay từ chối công nghệ, mà là biết tiết chế, chọn lọc và sử dụng công nghệ một cách thông minh. Tạm rời xa màn hình, trở về với thiên nhiên, trò chuyện trực tiếp, dành thời gian cho người thân - những hành động tưởng như nhỏ bé lại đang góp phần khơi dậy giá trị sống bền vững và tích cực trong cộng đồng.
Trong thời đại số, sống chậm đang dần trở thành một xu hướng văn minh, phản ánh nhu cầu thực sự của con người hiện đại: được lắng nghe, được kết nối một cách sâu sắc và sống một cuộc đời trọn vẹn hơn.
Tin đọc nhiều

Cẩn trọng khi ăn thịt động vật chết

Khẩn trương ngăn chặn bệnh dại

Huyện Tam Đường: Vượt kế hoạch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi

Đồng hành cùng trẻ vượt qua hội chứng tự kỷ

Trung tâm điều khiển xa phát huy vai trò tích cực

Thuế thu nhập cá nhân: Cần nâng mức giảm trừ gia cảnh

Giữ gìn, bảo vệ môi trường nước

Người gieo chữ - gieo cả tấm lòng nhân ái







