Tâm huyết, sâu sát với những vấn đề “nóng” của cuộc sống
CẦN CÓ GIẢI PHÁP GIẢM CHUYỂN NGUỒN NGÂN SÁCH
Đồng chí Nguyễn Minh Hiệp – Phó trưởng Ban Pháp chế (HĐND tỉnh): Năm 2021, HĐND tỉnh tổ chức giám sát quản lý sử dụng kinh phí tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư, chuyển nguồn ngân sách nhà nước tại báo cáo số 671 ngày 6/12/2021 có đánh giá hạn chế đó là: Thu chuyển nguồn ngân sách hàng năm còn lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
So sánh số chuyển nguồn đã thấy rõ: Năm 2017 chuyển nguồn sang năm 2018 bằng 18% tổng quyết toán chi ngân sách địa phương. Năm 2018 chuyển nguồn sang 2019 bằng 20,1% tổng quyết toán chi. Năm 2019 chuyển nguồn sang năm 2020 bằng 15,9% tổng quyết toán chi; năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021 bằng 18,6% tổng quyết toán chi. Qua giám sát, HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp hiệu quả từng bước giảm mạnh số chuyển nguồn ngân sách sang năm sau.
Tuy nhiên, năm 2021 chuyển nguồn sang năm 2022 vẫn bằng 19,8% tổng quyết toán chi; năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023 bằng 28,1% tổng quyết toán chi; năm 2023 chuyển nguồn sang năm 2024 bằng 23,7% tổng quyết toán. Số quyết toán ngày càng tăng. Mặc dù chuyển nguồn sang năm sau nhưng giải ngân cũng không hết. Năm 2023 đến năm 2024 mới giải ngân được trên 36%. Do vậy, UBND tỉnh cần làm rõ nguyên nhân và xác định giải pháp để giảm tối đa số chuyển nguồn sang năm sau.
CÓ GIẢI PHÁP ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ DỰ ÁN
Đại biểu Đồng Thị Nghĩa – Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh): Qua nghiên cứu các nội dung báo cáo tại kỳ họp, tôi cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình số 555/BC-UBND của UBND tỉnh; về nội dung thực hiện kế hoạch vốn đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024, phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước năm 2025. Đối với 10 dự án giải ngân thấp và chưa giải ngân, báo cáo nêu rõ: Có 6 dự án đang tích cực triển khai thực hiện và sẽ nghiệm thu, thanh toán trong thời gian còn lại của năm 2024; còn lại là các dự án có vướng mắc nhưng cơ bản đã được tháo gỡ.
Trong đó tôi quan tâm đến Dự án khu Liên hợp thể thao của tỉnh hiện đang vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB). Nguyên nhân là việc bố trí tái định cư cho 38 hộ dân thuộc phạm vi thu hồi chưa thực hiện xong nên chưa có mặt bằng để thi công hạng mục công trình.
Vậy, đề nghị UBND tỉnh cho biết: Nếu dự án đền bù GPMB là dự án độc lập với dự án này, tại sao chưa có mặt bằng mà đã giao kế hoạch vốn? Nếu đền bù GPMB là một mục trong dự án này thì trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn vướng mắc gì?, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào. UBND tỉnh và đơn vị chủ đầu tư cần có giải pháp trong thời gian tới để dự án đẩy nhanh tiến độ và triển khai đạt hiệu quả.
TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG HỘ CHĂN NUÔI LÀM ĐỆM LÓT SINH HỌC, GIẢM Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Đại biểu Chang Phương Thảo – Phó trưởng Ban Pháp chế (HĐND tỉnh): Thời gian qua, qua các cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri ý kiến về ô nhiễm môi trường chăn nuôi khu vực dân cư. Năm 2024, HĐND tỉnh đã giám sát thực hiện nghị quyết 07, 08 của HĐND tỉnh. Trong Nghị quyết 07 có hỗ trợ làm đệm lót sinh học đối với hộ chăn nuôi, tuy nhiên hiện nay chỉ có 3 huyện thực hiện đó là: Mường Tè, Tam Đường, Tân Uyên đăng ký thực hiện nhưng thực hiện rất ít. Căn cứ theo nhu cầu đăng ký, tỉnh đã giao ngân sách cho các địa phương là 1 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được 73 triệu đồng cho các hộ thực hiện. Ở đây chỉ đánh giá tỷ lệ giải ngân đối với các hộ đã đăng ký, còn các huyện khác không đăng ký và cũng không thực hiện.
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra, đề nghị chính quyền các địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các hộ đăng ký để được hỗ trợ làm đệm lót sinh học, xây dựng chuồng trại đảm bảo hợp vệ sinh, qua đó thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển.
CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG CẦN TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, HƯỚNG DẪN VIỆC CHI NGÂN SÁCH
Đồng chí Nguyễn Xuân Thức – Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh): Trong điều hành chi ngân sách của UBND tỉnh rất linh hoạt, thực hiện tương đối đảm bảo; chi ngân sách đạt tương đối cao. Tuy nhiên trong điều hành chi ngân sách, UBND tỉnh cũng cần nghiêm túc nhìn nhận để rút kinh nghiệm cho những năm tới. Trong năm 2024, 5/6 kỳ họp của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đề nghị phân bổ chi tiết ngân sách. Tôi đề nghị, từ nay Thường trực HĐND tỉnh chỉ xem xét việc phân bổ ngân sách trong 2 kỳ họp thường lệ hàng năm.
Trong điều hành chi ngân sách, có những đơn vị còn rất chậm, tỷ lệ giải ngân còn thấp. UBND tỉnh cần tích cực đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, để hoàn thành nghị quyết HĐND tỉnh giao về chi ngân sách. Đồng thời chỉ đạo quyết liệt đối với UBND các cấp trong việc chấn chỉnh thu sai, chi sai. Hiện nay qua thanh, kiểm tra phát hiện dấu hiệu vi phạm của việc chi ngân sách ở các trường học còn kéo dài. Trong năm 2024, báo chí đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm cố tình chi sai chính sách cho giáo viên, học sinh ở các trường học trên địa bàn huyện Phong Thổ, thành phố Lai Châu. Do đó, chính quyền, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc chi ngân sách, giảm việc chi sai.
Trong thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công, có những dự án đến nay chưa giải ngân. UBND tỉnh cần chỉ đạo UBND các cấp và đơn vị chủ đầu tư phải giải ngân được các nguồn vốn theo nghị quyết HĐND tỉnh giao.
Nhóm P.V
Bình luận