

Về các bản xã Mường Kim những ngày này, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của vùng quê cách mạng với những ngôi nhà khang trang, vững chãi xen lẫn là mô hình kinh tế VAC. Cũng từ chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường liên bản, ngõ xóm, đường nội đồng được bêtông hóa; người dân được quan tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu, sử dụng điện lưới quốc gia, trẻ em được học trong những ngôi trường mới. Bao quanh bản là cánh đồng lúa vàng óng báo hiệu mùa màng bội thu; trên mặt hồ Thủy điện Bản Chát, xuất hiện nhiều hơn các bè nuôi cá lồng của người dân. Mường Kim như một bức tranh sinh động căng tràn sức sống đang bao trùm lên bản trên, mường dưới.
Một góc khu vực ngã ba Mường Kim (xã Mường Kim, huyện Than Uyên) hôm nay.
Dẫn chúng tôi đi thăm bản Lướt - ông Lường Văn Pâng - Bí thư Chi bộ kể về những câu chuyện tại vùng đất nơi đây với việc bà con tham gia làm lán, nấu cơm, nuôi giấu cán bộ. Đặc biệt, những người già vẫn còn đọng mãi ký ức về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và tiễu phỉ trừ gian. Ông Pâng kể: “Ngày 10/10/1949, Ban Thường vụ Liên khu ủy 10 ra Nghị quyết về thành lập Ban Cán sự Đảng Lai Châu. Tại bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, ngày 2/12/1949, Ban Cán sự Đảng Lai Châu triệu tập hội nghị để công bố Quyết định của Liên khu ủy 10 về việc thành lập Chi bộ Lai Châu gồm 20 đảng viên. Chính sự ra đời đó tiếp thêm động lực giúp Nhân dân xã Mường Kim đoàn kết cùng bộ đội đánh đuổi thực dân Pháp và bè lũ tay sai của chúng, giải phóng quê hương, đất nước”.
Truyền thống anh hùng đó được Nhân dân bản Lướt nói riêng và xã Mường Kim nói chung phát huy trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa các cây, con giống giá trị kinh tế cao vào canh tác, chăn nuôi. Đồng thời, khuyến khích người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế; hướng dẫn bà con khai hoang đất sản xuất, thường xuyên tu sửa, khơi thông kênh mương phục vụ tưới tiêu. Vận dụng linh hoạt các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện giúp Nhân dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế như: sản xuất nông nghiệp, khoanh nuôi bảo vệ rừng, chăn nuôi gia súc, nuôi cá lồng…
Hiện nay, toàn xã có hơn 301ha lúa 2 vụ với giống: hương thơm số 1, bắc thơm 7 KBL, J02, năng suất bình quân từ 55 - 65 tạ/ha; 335ha ngô, năng suất 38 tạ/ha; 60ha rau đậu các loại, 100ha sắn, 30ha đậu tương và 160ha chè. Cùng với đó, Mường Kim còn chú trọng đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm với 13.545 con gia súc, 29.271 con gia cầm; 863 hộ nuôi thả cá với diện tích mặt nước 24,6ha. Ngoài ra, xã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn với 1.856ha rừng, tạo điều kiện để người dân hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với kinh phí hàng năm trên 1 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 38,5%.
Ông Nguyễn Văn Dung - Chủ tịch UBND xã Mường Kim cho biết: “Phát huy truyền thống cái nôi cách mạng, cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình phát triển kinh tế cho từng bản. Đồng thời, tận dụng chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh, huyện giúp người dân tiếp cận làm kinh tế. Cùng với đó, phân công lãnh đạo phụ trách bản phối hợp phòng chuyên môn huyện tập huấn chuyển giao KHKT, đưa giống cây trồng mới năng suất, chất lượng cao vào thâm canh; gắn chăm sóc rừng với chăn nuôi gia súc, gia cầm”.
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, Mường Kim quan tâm giáo dục truyền thống yêu nước đến thế hệ trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh bằng nhiều việc làm thiết thực như: tuyên truyền, giáo dục về lịch sử cách mạng quê hương, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử... Bên cạnh đó, xã phối hợp với ngành Giáo dục đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học và động viên phụ huynh đưa con em trong độ tuổi đến trường, duy trì sỹ số học sinh. Đến nay, toàn xã có 4 trường học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT); trong đó trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; chất lượng dạy và học được nâng lên, tỷ lệ chuyên cần đạt 100%. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh. Đồng bào được quan tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu; người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bản văn hóa.
Chúng tôi rời Mường Kim khi người dân đang nô nức xuống đồng gặt lúa, trẻ em tung tăng cắp sách đến trường, tiếng tivi, tiếng máy nghe nhạc rộn rã khắp bản. Từ bản Lướt đến các bản trong xã đang từng ngày khởi sắc, người dân tích cực thi đua xây dựng nông thôn mới để xứng đáng với danh hiệu cái nôi truyền thống cách mạng của tỉnh.
Tin đọc nhiều

Kỳ 3: Dân chủ, công tâm trong sắp xếp cán bộ sau sáp nhập

Phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở

Đại hội Chi bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy lần thứ V, nhiệm kỳ 2025 – 2030
Hội Cựu chiến binh tỉnh: Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng lần thứ 7 khoá VII

Địa phương đầu tiên của huyện Tân Uyên hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát

Kỳ 2: Ý Đảng – thuận lòng dân

Học Bác để phát triển nông nghiệp bền vững

Học Bác là “tự soi, tự sửa, tự vươn lên” vì nhân dân






![[Video] Tổ chức trọng thể Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương](https://baolaichau.vn/uploaded/post/2025/05/25/440baab9-2a50-4ed3-91e5-0ed29dd91396.png)



