Thứ hai, 04/11/2024, 08:27 [GMT+7]

Hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ cho các mặt hàng nông sản

Thứ sáu, 21/01/2022 - 13:54'
Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương duy trì theo dõi, dự báo và lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, nhất là trước Tết Nguyên đán 2022 nhằm kiểm soát, điều tiết được cung - cầu hàng hoá nông sản phục vụ nhu cầu tại chỗ và nhu cầu xuất khẩu. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc điều tiết hàng nông sản xuất khẩu.

Thông tin về tình hình thị trường một số mặt hàng nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong tháng 12/2021, giá lợn hơi diễn biến trái chiều giữa ba miền. Giá lợn hơi bình quân tại miền Bắc giảm 1.000 đồng/kg xuống 46.000 - 49.000 đồng/kg. Giá lợn hơi bình quân tại miền Trung tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg lên 47.000 - 50.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Nam tăng 2.000 đồng/kg lên 48.000 - 50.000 đồng/kg. Cả năm 2021, giá lợn hơi biến động giảm do tác động của đại dịch COVID-19. Nhiều công ty, trường học chưa hoạt động lại nên nhu cầu vẫn thấp.

Trong khi đó, giá bò hơi tháng 12/2021 tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến tương đối ổn định so với tháng trước. Cụ thể, tại Tại Vĩnh Long, giá thu mua bò hơi bình quân ổn định ở mức 86.000 đồng/kg. Đồng Nai trong tháng 12/2021 giá thu mua bình quân bò hơi giảm 2.000 đồng/kg xuống mức 92.000 đồng/kg.

Về thịt gà, do nhu cầu khởi sắc vào thời điểm cuối năm nên giá thu mua gà tăng. Cụ thể, giá thu mua gà thịt lông màu ngắn ngày tại miền Bắc và miền Trung tăng 2.000 đồng/kg lên mức 48.000 đồng/kg. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày tại miền Nam giảm 2.000 đồng/kg xuống mức 44.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp tại miền Bắc tăng 9.000 đồng/kg lên 33.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp tại miền Trung ổn định ở mức 30.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp tại miền Nam giảm 3.000 đồng/kg xuống mức 28.000 đồng/kg. Nhìn lại năm 2021, giá thu mua gà có xu hướng giảm trong 10 tháng năm 2021, nhưng 2 tháng cuối năm có diễn biến phục hồi.

Về thủy sản, trong tháng 12/2021, giá cá tra nguyên liệu và cá tra giống tăng nhẹ do nhu cầu gia tăng phục vụ chế biến trong khi nguồn cung hạn chế. Cụ thể, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giá bình quân cá tra nguyên liệu (800gr-1kg/con) dao động trong khoảng 23.500-24.000 đồng/kg; giá cá tra giống (30-35 con/kg) tăng khoảng 2.000 đồng/kg, dao động 30.000-32.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, do điều kiện thời tiết không thuận lợi, một số bệnh khiến nguồn cung cá giống cũng hạn chế.

Cũng trong tháng 12/2021, giá tôm nguyên liệu trong nước tiếp tục tăng kể từ cuối tháng 10/2021 do nguồn cung thấp trong khi nhu cầu gia tăng chế biến của các doanh nghiệp chuẩn bị đơn hàng cuối năm. Cụ thể, tại Bạc Liêu, giá thu mua bình quân tôm sú ướp đá cỡ 30 con/kg ở mức 195.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với tháng trước; giá trung bình tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg ở mức 90.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Tại Kiên Giang giá thu mua bình quân tôm sú ướp đá cỡ 30 con/kg đạt 194.000 đồng/kg, tăng 11.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng ướp đá 90.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với tháng trước đó.

Về sản phẩm trồng trọt, trong tháng 12/2021, giá bưởi các loại tại một số tỉnh phía Nam diễn biến tăng do nhu cầu gia tăng vào thời điểm gần cuối năm. Cụ thể, tại tỉnh Tiền Giang, giá thu mua bình quân bưởi các loại: bưởi da xanh 30.000 đồng/kg (tăng 6.000 đồng/kg so với tháng trước); bưởi năm roi 18.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg so với tháng trước); bưởi lông cổ cò 14.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg so với tháng trước),…

Thanh long là mặt hàng cần được đẩy mạnh tiêu thụ trong tháng 1/2022 (Ảnh: B.T)

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 1/2022, các mặt hàng trồng trọt cần tiêu thụ tại các địa phương gồm: Lào Cai 300 tấn chè khô, 75 tấn sản phẩm quế; tại Hà Giang 36 nghìn tấn cam sành, 300 tấn chuối; Thái Nguyên 200 tấn bưởi; Bình Thuận 3.550 tấn thanh long; TP. Cần Thơ 1.000 tấn thanh long, 600 tấn cam quýt, 2.700 tấn mít,…

Với các mặt hàng thủy sản cần tiêu thụ trong tháng 1/2022 gồm: Hòa Bình 194 tấn thủy sản các loại; Nam Định 1.869 tấn thủy sản nuôi, 50 tấn thủy sản chế biến,… Tại Bình Thận cần tiêu thụ 10 nghìn tấn thủy sản khai thác; tại TP. Cần Thơ cần tiêu thụ 1.432 tấn thủy sản các loại.

Về các mặt hàng chăn nuôi, Phú Thọ cần tiêu thụ 254 tấn thịt gia cầm; Hà Giang 100 tấn mật ong; Bắc Giang 658 tấn lợn hơi, 225 tấn gà hơi, 868 nghìn quả trứng. Tại Hòa Bình, cần tiêu thụ 3.68 tấn thịt lợn các loại; 660 tấn thịt gia cầm. Tại Nam Định cần tiêu thụ 300 nghìn trứng gà, vịt, 5 tấn thịt chế biến.

Để tiếp tục thực hiện tốt việc sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời điểm hiện nay, Bộ NN&PTNT đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng nông sản, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tập trung ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động chế biến nông sản, thực hiện kết nối cung - cầu, thúc đẩy tiêu thụ, tháo gỡ khó khăn cho các sản phẩm mùa vụ.

Đối với UBND các địa phương biên giới có cửa khẩu, chủ động cập nhật kịp thời tình hình hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn, gửi thông tin cho các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp nắm bắt để có kế hoạch điều tiết, đưa hàng hóa lên cửa khẩu các tỉnh. Tạo mọi thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, lưu thông, mua bán hàng hoá, trao đổi thương mại biên giới. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cặp cửa khẩu đối diện để giải quyết những vấn đề thương mại phát sinh trên địa bàn, các phương án đảm bảo phòng dịch của phía Việt Nam. Rà soát quy hoạch khu vực, xây dựng các kho chuyên dụng bảo quản nông sản, hoa quả tại các cửa khẩu.

Đối với UBND các địa phương khác, Bộ NN&PTNT đề nghị chỉ đạo Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, các chi cục trực thuộc rà soát năng lực, nhu cầu của các cơ sở chế biến trên địa bàn; phối hợp Hiệp hội, doanh nghiệp hỗ trợ thu mua sản phẩm nông sản, phục vụ khâu chế biến.

Đáng chú ý, duy trì theo dõi, dự báo và lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, nhất là tình hình trước Tết Nguyên đán 2022 nhằm kiểm soát điều tiết được cung - cầu hàng hoá nông sản phục vụ nhu cầu tại chỗ và nhu cầu xuất khẩu. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc điều tiết hàng nông sản xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, bà con nông dân thực hiện các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; kiểm soát, chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý chặt chẽ đối với lái xe, người đi cùng phương tiện từ vùng trồng, vùng sản xuất, cơ sở chế biến chở hàng tiêu thụ, xuất khẩu tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics nông sản, kho lạnh gắn với vùng nguyên liệu nhằm phân loại, bảo quản, sơ chế, nâng cao giá trị và giữ được chất lượng nông sản, thủy sản, trái cây tươi trước khi tiêu thụ, xuất khẩu.

Bộ NN&PTNT yêu cầu các Hiệp hội ngành hàng nông nghiệp chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thông tin, định hướng thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong công tác đăng ký vườn trồng, cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, nhất là kịp thời phổ biến tới doanh nghiệp về tình hình thông tin thị trường.

Phối hợp kết nối với Sở NN&PTNT các địa phương về tổ chức đưa hàng của các doanh nghiệp vào các cơ sở chế biến, bảo quản tại các địa phương. Chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh, điều tiết lượng hàng hoá, nắm bắt thông tin tình hình tại cửa khẩu để có kế hoạch đưa hàng lên cửa khẩu phía Bắc, điều tiết kế hoạch giao hàng với đối tác,…

Cập nhật Thứ tư, 19/01/2022 23:38 (GMT+7)/BT/dangcongsan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kỳ 2: “Thay da đổi thịt” nơi vùng đất khó
Thay đổi cuộc sống nhân dân, những biện pháp quyết liệt, mang tính đồng bộ của cấp uỷ, chính quyền xã Tủa Sín Chải (huyện Sìn Hồ) được triển khai, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, tiếp...
Chi hội trưởng gương mẫu, đi đầu
Hơn 10 năm gắn bó với công tác Hội, chị Đỗ Thị Lả - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Mường (xã Mường Than, huyện Than Uyên) luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mạnh...