

Hội Nông dân huyện có 10 tổ chức cơ sở Hội trực thuộc, 142 chi hội và 7.576 hội viên. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, hội viên được Hội Nông dân huyện đặc biệt quan tâm và xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Ngay từ đầu các năm, Huyện hội xây dựng kế hoạch tuyên truyền, triển khai sớm để các cơ sở Hội bám sát, tích cực đôn đốc, chỉ đạo chi hội phổ biến, vận động hội viên, nông dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Hội; nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương (trọng tâm là sản xuất lương thực hàng hóa, trồng rừng, quế, chè); tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn. Phối hợp nắm tình hình tư tưởng của hội viên thuộc diện tái định cư.
Bên cạnh đó, cấp phát cuốn bản tin công tác Hội và tờ rơi tuyên truyền về công tác Hội. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo nội dung các chuyên đề hằng năm. Thiết thực học tập và làm theo lời Bác, cán bộ, hội viên chủ động đăng ký việc làm theo phù hợp với chức trách, nhiệm vụ ở đơn vị, địa phương.
Anh Lò Văn Thầu (bên phải), Chi hội trưởng nông dân bản tái định cư Kim Pu (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên) nắm bắt tư tưởng hội viên, nông dân.
Đối với 3 phong trào lớn của Trung ương Hội: Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tham gia xây dựng nông thôn mới; tham gia đảm bảo quốc phòng - an ninh, các cấp Hội Nông dân trong huyện triển khai sâu, rộng và khuyến khích hội viên, nông dân thiết thực hưởng ứng. Theo đó, phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, hội viên, nông dân xây dựng quỹ hội, giúp đỡ hội viên khó khăn thông qua cho vay vốn không lấy lãi, hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất.
Nhiều hội viên mạnh dạn vay vốn tín chấp của Hội với Ngân hàng Chính sách xã hội (hết năm 2018 có tổng dư nợ trên 52 tỷ đồng); thông qua nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân đầu tư xây dựng mô hình kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Điển hình như hội viên: Kim Văn Tân (Chi hội nông dân bản Ngọc Lại, xã Phúc Khoa), Phạm Văn Lâm (Chi hội 1, thị trấn huyện Tân Uyên), Đặng Văn Hồng (Chi hội bản Pắc Ta, xã Pắc Ta)... Với sự động viên, hướng dẫn của tổ chức Hội, hội viên đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Công tác bình xét, thẩm định đảm bảo đúng quy trình, do đó số hội viên đăng ký và đạt danh hiệu năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2016 trong số 500 hộ đăng ký có 450 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (trong đó cấp Trung ương 5 hộ) đến năm 2018 tăng lên 604 hộ đăng ký và 547 hộ đạt (cấp Trung ương 6 hộ).
Mặc dù nhà ở ngay trung tâm chợ thị trấn Tân Uyên, thuận lợi kinh doanh buôn bán nhưng anh Nguyễn Văn Lâm (SN 1966) lại quyết định chuyển gia đình về Tổ 1, thị trấn Tân Uyên mua đất trồng chè. Với 10ha chè, anh chú trọng khâu chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, thu hái đúng kỹ thuật, đảm bảo năng suất cao và cung cấp cho Công ty Cổ phần Trà Than Uyên trên 230 tấn/năm. Anh Lâm chia sẻ: Khi tôi lựa chọn làm mô hình kinh tế nông nghiệp, gia đình không mấy ủng hộ và khuyên đầu tư mở cửa hàng kinh doanh. Tuy nhiên, mỗi người có sở thích, hướng đi riêng. Công việc này tuy vất vả nhưng tôi luôn tâm nguyện là phải học đức tính “cần, kiệm” của Bác Hồ. Giờ đây, ngoài cây chè, tôi còn thu mua nông sản của người dân địa phương; chế biến, bán và giới thiệu sản phẩm chè; cho thuê mặt bằng, nhà ở tại chợ, khu trung tâm thị trấn. Trừ chi phí, tổng thu nhập đạt 1,4 tỷ đồng/năm.
Mạnh dạn chuyển hướng phát triển kinh tế hiệu quả, anh Lâm nhiều năm liền được công nhận danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; năm 2017 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2012 - 2016 và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chứng nhận đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012 - 2016. Vừa qua, anh được đề cử Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xét tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”.
Chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới, hội viên nông dân tham gia hiến đất, tiền, ngày công thi công đường giao thông nông thôn và một số tiêu chí nội lực như: vệ sinh môi trường, dân số - kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Riêng năm 2018, hội viên nông dân đóng góp 1.426 triệu đồng, góp 4.300 ngày công, hiến 7.064m2 đất. Hội Nông dân huyện trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ 1 hộ làm nhà vệ sinh, 2 hộ làm hố đốt rác thải với tổng số tiền 4 triệu đồng.
Phong trào nông dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc được các cấp Hội quan tâm, tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, dân quân tự vệ, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh Nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ gia đình chính sách, người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Duy trì hoạt động câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại xã Phúc Khoa. Năm qua, câu lạc bộ hòa giải thành công 2 vụ tranh chấp đất đai trên địa bàn; tư vấn pháp luật cho 2.594 lượt nông dân...
Nâng cao chất lượng hoạt động công tác Hội gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ năm 2016 - 2018, Hội Nông dân huyện Tân Uyên đạt danh hiệu lao động tiên tiến, xuất sắc và được UBND huyện biểu dương, khen thưởng.

Phát triển du lịch bền vững

Cán bộ, đảng viên gương mẫu, quần chúng noi theo

Viết bằng niềm tin và trách nhiệm

Học Bác để đổi mới và lan tỏa sức mạnh đại đoàn kết

Nỗ lực xây dựng quê hương Bình Lư phát triển giàu đẹp

Học theo Bác bằng việc thật, người thật, hiệu quả thật

Nhân rộng điển hình từ nhiều cách làm hay, sáng tạo

Tam Đường: Nâng cao hiệu quả phát hiện, bồi dưỡng và lan tỏa điển hình trong học tập và làm theo Bác










