Thứ ba, 10/12/2024, 18:14 [GMT+7]
Như ánh mặt trời

Kỳ 3. Ngọn cờ của người La Hủ

Thứ ba, 15/10/2024 - 14:05'
(BLC) - Ở xã vùng cao, biên giới Pa Ủ này, người như anh Pờ Lò Hừ không chỉ là người nổi tiếng mà còn là một biểu tượng. Bà con nhìn anh với ánh nhìn ngưỡng mộ, thán phục và tuyệt đối tin tưởng. Lời anh nói, cách anh làm như như ngọn cờ tiên phong, ánh sao sáng trên đỉnh núi, cần mẫn, hàng giờ chỉ lối cho bà con nơi đây thoát kiếp lang thang, đói nghèo và lạc hậu.

*Kỳ 2: ÁM ẢNH HAI TIẾNG LÁ VÀNG

1

Hôm chúng tôi đến nhà Lò Hừ, chả hẹn mà gặp anh Ly Lỳ Khừ (sinh năm 1998) và mấy anh em khác đang ngồi bàn chuyện làm ăn ở đấy. Qua câu chuyện của họ, tôi biết anh Lỳ Khừ đang được anh Lò Hừ cho mượn tiền làm nhà và chỉ cho cách trồng cây thảo quả, cây quả đỏ với nuôi bò. Trong cuộc chuyện của họ, tôi thấy cách mà Lò Hừ nói chả có gì là cao siêu mà người nghe tâm đắc lắm. Họ tâm đắc là phải, bởi ở xứ này có ai giỏi làm, giỏi tính hơn Lò Hừ? Không giỏi mà vụ lúa năm 2023, nhà anh thu hơn 1000 bao thóc? Cân vội cũng được hơn 60 tấn. Trong khi đó, sản lượng lúa của cả xã trong năm 2023 (tức là hơn 2.000 người dân trong xã làm trong một năm) chỉ đạt hơn 500 tấn. Chưa hết, đàn bò của anh ở thời điểm ấy cũng đạt đến trên 200 con, ngoài ra, số lượng lợn, dê, ngựa của anh cũng lên đến cả trăm con, còn gia cầm thì anh không tính (anh phải bố trí cả một gia đình người con nuôi ở lán chỉ để nuôi bò, dê). Về thảo quả thì, từ 80 cây đầu tiên, đến nay anh có 15ha. Ngoài ra anh còn có 20ha cây quế, 30ha cây sa nhân tím, 20ha cây quả đỏ. Mới đây, anh còn tìm hiểu và trồng thành công cây sâm Lai Châu, đây sẽ là một tương lai vô cùng hứa hẹn cho anh cũng như bà con đất này.

2

3

Một con số khác để chứng minh cho sự thành công của anh trong quá trình phát triển kinh tế ấy là diện tích đất nương, đất rừng. Nói về mặt này, Lò Hừ gãi đầu, gãi tai mãi mà chả biết mình có bao nhiêu đất. Đứng trên một ngọn núi cao, anh khoát tay một vòng rồi bảo: đất nhà mình ở đấy. Ngắn gọn vậy nhưng tìm hiểu mới biết, đất của anh không phải là một trảng rừng, một quả đồi mà phải là mấy dãy núi. Cụ thể là bao nhiêu thì cả nhà anh cũng đo không hết, chỉ biết rằng, nếu tiến lên phía Bắc thì đất nhà anh lên tới biên giới Việt - Trung, tiến về phía Tây thì đất nhà anh trải đến tận xã Ka Lăng, Tá Bạ... còn cụ thể nó là bao nhiêu thì có lẽ phải lấy bản đồ địa chính của huyện ra mà vẽ, rồi đo trên đấy mới đầy đủ. Con gái anh, cháu Pờ Lê Na thì thật thà bảo: đất nương nhà cháu đi một tháng cũng chưa hết! Câu nói thật thà của cô nữ sinh khiến chúng tôi vừa ngạc nhiên lại không để đâu hết phần thán phục tài năng, ý chí của người đảng viên người dân tộc thiểu số này.

Nói về của cải, thì phải so sánh nguồn thu của Lò Hừ với xã. Ở xã này, một năm được giao thu ngân sách chỉ có vài chục triệu đồng còn khó thực hiện, thế mà, với gia đình anh thì chuyện tiêu trăm triệu cứ như bỡn. Năm 2023, anh báo cáo thu nhập gia đình mình khoảng 800 triệu đồng, nhưng nếu tính giá trị số tài sản từ mấy ngôi nhà, xe ô tô, sản lượng lúa nước, lúa nương, gia súc, gia cầm, có lẽ con số thực tế còn cao hơn thế nhiều. Nhưng cái đáng quý, đáng trọng ở anh không phải chỉ là nghị lực mà là sự sẻ chia với bà con trong bản, trong xã. Khi tôi hỏi ở đây có bao nhiêu người vay tiền, vay gạo, vay gà của anh, anh lại gãi đầu rồi lật đật đi tìm quyển sổ. Người ít thì dăm trăm, người nhiều thì vài chục triệu, số người được anh hỗ trợ tiền và giống cây, giống vật nuôi (vừa bán vừa cho, kiêm luôn tư vấn hỗ trợ kỹ thuật đến khi thành công mới thôi) có đến nửa quyển sổ dày cộp. Có thể kể ra như gia đình Ky Hừ Đo, Pờ Gạ Đư, Pờ Đo Hừ, Pờ Nhù Đư, ai cũng nợ anh vài chục đến ngót cả trăm triệu đồng, còn những người nợ vài trăm, vài triệu thì phải chờ anh giở sổ ra mới nhớ.

Cho vay tiền đã quý, cái quý hơn của anh là anh không hề lấy lãi bà con. Vay bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, bao giờ có thì trả. Nói chuyện về chủ đề này, Lò Hừ còn kể: “tôi chỉ cho bà con vay nếu đó là nhu cầu chính đáng như mua sắm nhu yếu phẩm, lo học hành cho các cháu hay để sản xuất thôi, chứ nếu đốt tiền vào những điều phi pháp thì kiên quyết không cho. Làm thế là hại anh em chứ không phải thương họ”. Thế nên dân bản quý anh lắm.

4

Nhưng người đời không chỉ nể anh trong thành tích phát triển kinh tế mà họ còn phục anh ở cái ý chí vươn lên làm chủ kiến thức. Khi ở Đồn Biên phòng và xã Pa Ủ, chúng tôi được nghe câu truyện như giai thoại đời thường: Pờ Lò Hừ đi học lớp 1 khi đã qua... 19 tuổi. Chuyện là thế này, qua một thời gian theo dõi, Nguyên Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pa Ủ - Lù Văn Thêu và Phó bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ - Ly Xà Phu đã nhận thấy Lò Hừ là một nhân tố tích cực, là quần chúng ưu tú cho đảng. Hiềm một nỗi, Lò Hừ là người mù chữ. Thế là các anh vận động Lò Hừ đi học cái chữ. “Các chú ấy bảo, đi học là biết được cái chữ của Bác Hồ, có học mới được vào Đảng. Mà khi nghe tới vào Đảng là tôi háo hức lắm. Vì từ xưa đến nay có biết Đảng là gì đâu, chỉ hiểu rằng đó là “người tốt, “người giúp dân bản mình thoát đói, nghèo” và “đảng viên cái gì cũng giỏi”. Nhưng lúc ấy tôi đã 19 tuổi rồi, bảo đi học ngại lắm. Thế là tôi từ chối” – Lò Hừ kể lại.

Quyết không bỏ sót nhân tài cho Đảng, tấm gương sáng của đồng bào La Hủ, các đảng viên của Đồn, của xã lại kiên trì vận động. Các anh đem kiến thức của mình hướng dẫn Lò Hừ phát triển kinh tế, đem cái hay, cái đẹp, lý tưởng cao cả của Đảng để giảng giải cho Lò Hừ để anh thêm tin, thêm yêu và thêm quyết tâm đi học. Vậy là những năm 2000, tại Trường Tiểu học Pa Ủ, có một học sinh đặc biệt vào học lớp 1, đó là Pờ Lò Hừ. Anh ngồi cuối lớp, cũng tập đọc “i”, “t”, tập đánh vần “o”, “a” trong sự ngỡ ngàng của các “bạn học” bé tí teo. Các thầy cô thì mừng lắm bởi có một học trò hiếu học nhưng nhiều người nhìn vậy cứ buông lời dèm pha, to nhỏ. Họ bảo anh “hâm”, có người còn bảo “đua đòi”, lại có người nói như thách thức “để xem theo được bao lâu”… Nhiều lúc chuyện đến mình, anh cũng ngứa tai lắm, anh lầm lũi lên Đồn Biên phòng, tìm gặp đồng chí Thêu để chia sẻ. Đồng chí ấy nghe rồi cười: “cháu có biết để có hòa bình, độc lập ngày hôm nay, đã có bao nhiêu đảng viên đã ngã xuống không? Các thế hệ đảng viên trước đây, đói, khổ và thậm chí là hy sinh tính mạng còn quyết tâm theo lý tưởng của mình, thì mấy câu đàm tiếu của người thiếu hiểu biết có đáng là gì. Cháu cứ học tiếp, rồi mai này sẽ thấy cái hay, cái ý nghĩa của việc học”.

7

Thực ra lúc ấy Lò Hừ cũng chưa vỡ hết nhẽ, nhưng khi đã tin thì anh tin lắm. Thế là hàng tuần lại về nhà lấy gạo, lấy rau mang xuống trường để quyết tâm theo con đường mà Đảng đã chỉ. Càng học, anh càng thấy trong những quyển sách có điều gì lôi cuốn lắm, càng học, anh lại càng thấy mình nhỏ bé nên càng quyết tâm cao hơn. Và anh có tấm bằng tốt nghiệp Tiểu học trong hoàn cảnh đặc biệt như thế. Đến bây giờ ngẫm lại, Lò Hừ càng phải cảm ơn chú Thêu, chú Xà Phu và cảm ơn Đảng nhiều lắm. Bởi nếu các chú ấy không nhiệt tình, Đảng không quyết tâm thì có lẽ đời Lò Hừ và đồng bào nơi đây đã khác. Giờ la đảng viên, Lò Hừ lại càng thấu, càng hiểu thêm cái tâm, cái tình của Đảng đó là không bao giờ bỏ rơi bà con mà luôn muốn mang đến cho đồng bào cuộc đời no ấm.

*Kỳ 4: HỌC BÁC... ĐƠN GIẢN THẾ THÔI

Khánh Kiên - Hà Dũng - Đồ họa: Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Tấm gương chiến sĩ Công an học tập và làm theo lời Bác
Ham học hỏi và hết lòng với công việc đã giúp Đại úy Vừ A Di - Phó Trưởng Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Anh trở thành tấm gương sáng trong...