

KỲ 1: RÀO CẢN PHÁT TRIỂN
MÊ MUỘI VÌ MA MEN
Nói chuyện về ma men ở Nậm Pì là nhắc lại những câu chuyện buồn, đáng thương lẫn đáng trách và cả cười ra nước mắt. Chuyện mà anh Vũ Văn Thân - Chủ tịch UBND xã hồi tưởng lại khiến chúng tôi ngỡ là chuyện phiếm, nhưng đó là thật.
Được sự phân công điều động của tổ chức, năm 2020, anh Thân đến nhận nhiệm vụ tại xã với vai trò người đứng đầu chính quyền. Chủ động, xốc vác, lăn lộn, hòa nhập cùng với đời sống người dân, anh nhận thấy đồng bào nơi đây có nhiều đặc điểm tốt như hiền lành, chất phác, thật thà, làm việc cẩn thận. Tuy nhiên, có một điểm yếu nhất đó cũng chính là “gót chân Asin” của nơi này là do rượu. Rượu làm lu mờ nhận thức, không thể phân biệt được tự trọng hay tự do theo cách của họ.
Ngày đó, trụ sở UBND xã Nậm Pì nhiều lúc phải tiếp những vị khách “không mời mà đến”. Đó là những người đàn ông say rượu, chân nam đá chân xiêu, dặt dẹo bước vào cơ quan. Có người say rượu không đủ tỉnh táo để đi về nhà, nằm co quắp giữa đường. Có cả những trường hợp uống rượu say, đi không đúng hướng rồi tự ngã xuống sông. Hay lại có trường hợp tự tìm cách “đi về miền xa thẳm” khi lái xe thẳng xuống sông vì không còn sự tập trung, tỉnh táo do uống quá nhiều rượu. Rồi kể cả như Trưởng bản Nậm Sập Lò Văn Luân, mỗi tháng về trụ sở UBND xã nhận chế độ phụ cấp rồi cầm tiền uống rượu cả tháng, uống từ đầu bản đến cuối bản, khi nào hết tiền mới về nhà. Gạo cứu đói được cấp cho bà con lúc giáp hạt cũng tan thành “dung dịch có cồn” chỉ trong chốc lát.
Dòng Nậm Na từng một thời cướp đi sinh mạng của một số người dân ở Nậm Pì do uống rượu say, lái xe rơi xuống.
Nếu như thống kê đầy đủ, có đến 80% dân số (người lớn) ở Nậm Pì uống rượu. Không chỉ đàn ông uống rượu, đàn bà cũng thế. Uống nhiều đến nỗi đầu óc mụ mị không thể nghĩ ra được việc gì để kiếm kế sinh nhai. Ngày nào không uống thì ngồi nhìn nhau cho hết ngày. “Mồi” để uống rượu chỉ cần một gói mì tôm, bát rau luộc… là có thể tập trung cả nhóm người ngồi cả ngày không chán. Rượu vào, lời ra, rồi sinh cãi chửi nhau, thậm chí là đánh nhau gây thương tích. Trẻ em vì thế cũng chìm trong hơi men của người lớn. Chất lượng cuộc sống thấp nên trẻ nhỏ ốm đau liên miên, tỷ lệ thấp còi gần như chiếm đa số. Mỗi lần giáo viên đến nhà học sinh vận động ra lớp cũng đều chứng kiến phụ huynh ngồi uống rượu.
“Tình trạng uống rượu nhiều và triền miên đã tác động nghiêm trọng đến đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cũng như đảm bảo an ninh trật tự của địa phương. Tỷ lệ hộ đói nghèo cao đương nhiên ảnh hưởng đến chất lượng dân số” - anh Thân lắc đầu, hình dung lại bức tranh đời sống 5 năm trước.
NHIỀU TỤC LỆ HOÁ THÀNH HỦ TỤC
Trong 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam, mỗi dân tộc đều có tín ngưỡng tâm linh khác nhau làm nên sự đa dạng phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi tộc người. Thế nhưng ở Nậm Pì, do nhận thức thấp, nhiều tục lệ đã hóa thành hủ tục bao đời, truyền kiếp khó gỡ bỏ.
Ông Pàn Văn Cheo - Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở bản Pá Bon kể: Hủ tục đầu tiên phải kể đến là việc người chết không cho vào áo quan mà để thời gian dài trong nhà. Đã từng có trường hợp đi làm ăn xa, chết do tai nạn lao động, đơn vị chủ sử dụng lao động khâm liệm đưa vào áo quan chuyển về quê hương, thế nhưng người nhà lại để thi thể ra bên ngoài vì cho rằng như thế là trái với phong tục tổ tông và có thể người ở lại sẽ “bị bắt” đi theo. Mỗi đám ma kéo dài hàng tuần, thủ tục làm lý tốn kém và trở thành gánh nặng kinh tế cho gia chủ mỗi khi trong gia đình có người mất. Thứ 2 là tục thách cưới và ở rể. Người đàn ông muốn lấy vợ phải ở rể nhà vợ 3 năm mới được về nhà mình hoặc làm nhà ra ở riêng. Còn sính lễ được nhà gái ra điều kiện phải có 9 con sóc (bắt từ trong ống ra), 9 con cá (bắt từ quăng chài), 3 con lợn trắng, 15 đồng tiền bạc. Hủ tục này buộc người đàn ông khi lấy vợ đều phải có trước khi làm đám cưới. Thế nên trước đây, chính anh Bàn Văn Chức - công chức của xã, nhà ở bản Pá Bon (bản trung tâm xã) cũng đã phải ở rể 3 năm và thực hiện đúng theo yêu cầu về sính lễ mới chính thức được làm chồng của vợ anh bây giờ.
Ngoài ra, hủ tục về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng từng là thực trạng diễn ra nhiều đời, nhiều thế hệ. Anh em chưa đến 3 đời vẫn được phép cưới nhau. Nhiều bản còn có quan niệm không được mang rau xanh vào kho thóc hoặc vào nhà chính, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của người trong gia đình. Hay việc động thổ làm nhà, sửa nhà chỉ được làm khi trời chưa sáng (3-4 giờ). Họ quan niệm phải tháo ngói để cho “con ma” trong nhà nó đi thì mới làm được. Không được làm nhà to vì hay xảy ra ốm đau. Phụ nữ mang thai đủ ngày không được sinh nở ở nhà mà phải lên lán nương. Trẻ sinh ra nếu vượt qua những khổ ải để tồn tại, có nghĩa đứa trẻ có sức sống bền lâu.
Theo thống kê, Nậm Pì có 13 hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu cần xóa bỏ. Một địa phương có quá nhiều hủ tục, để loại bỏ ra khỏi đời sống người dân là bài toán vô cùng khó đối với chính quyền địa phương.
Xã Nậm Pì có 13 hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu cần xóa bỏ theo Nghị quyết số 15-NQ/TU gồm: tổ chức đám tang dài ngày, giết mổ gia súc, gia cầm nhiều; tảo hôn; kết hôn cận huyết; không đăng ký kết hôn; tổ chức cưới nhiều lần, dài ngày; thách cưới cao; sinh nhiều con; cúng bái khi ốm đau, bệnh tật, làm lý; nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, nhà ở; thả rông gia súc, gia cầm; người chết chưa đưa vào quan tài, để lâu ngày mới chôn cất; giải tiền âm, tiền giấy dọc đường đưa tang; cúng cầu an, giải hạn đốt nhiều vàng mã. Trong đó, kế hoạch năm 2025, xã đăng ký xóa bỏ 3 hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu là: không đăng ký kết hôn; tổ chức cưới nhiều lần, dài ngày của dân tộc Mông, Mảng và giải tiền âm, tiền giấy dọc đường đưa tang của dân tộc Kinh. |
(Còn nữa)
Tin đọc nhiều

Kỳ họp thứ hai mươi ba (kỳ họp chuyên đề) HĐND huyện Nậm Nhùn khóa III nhiệm kỳ 2021 - 2026

Kỳ 2: “Thắp đuốc” đi tìm lời giải

Ra mắt Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”

Đảng viên đang công tác tích cực giữ mối liên hệ với nơi cư trú

Bí thư chi bộ năng động, nhiệt tình

Phát triển thể thao, rèn luyện sức khỏe

Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình



