

Gia đình ông Nguyễn Huy Sơn ở khu phố cơ quan, thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên) được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh để chăm sóc, phát triển 1ha chè. Nhờ đó, năng suất, sản lượng chè tăng lên đáng kể, đến nay ngoài việc trả hết nợ, gia đình ông còn tích lũy được nguồn vốn phát triển chăn nuôi, sau đó chuyển sang kinh doanh vận tải chở vật liệu, nguồn thu nhập ổn định hơn.
Một buổi giao dịch của Ngân hàng CSXH huyện Tân Uyên tại thị trấn Tân Uyên.
Hay gia đình chị Giàng Thị Dẻ ở bản Cư Nhà La (xã Sùng Phài, huyện Tam Đường) cũng nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Từ việc sản xuất lúa, ngô là chủ yếu, nhờ học tập kinh nghiệm cùng với vay được vốn, gia đình chị đã chuyển đổi thành công 3ha đất nương sang trồng chè. Hiện nay, chè bắt đầu bước vào giai đoạn kinh doanh cho sản lượng 7 tấn/ha/năm. Bên cạnh đó, gia đình chị còn phát triển thêm chăn nuôi gia súc (trâu, lợn). Chị Dẻ tâm sự: Gia đình tôi nhiều lần được vay vốn từ NHCSXH huyện để phát triển chăn nuôi, sản xuất kinh doanh. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, cộng với các chính sách hỗ trợ khác của tỉnh, hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ các phòng, ban chuyên môn huyện, xã, đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo, trả hết nợ và có thu nhập ổn định (hơn 50 triệu đồng/năm).
Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay đạt 325 tỷ đồng, với hơn 7.600 hộ dân được vay; trong đó dư nợ của các hộ người dân tộc thiểu số là 287 tỷ đồng từ các chương trình cho vay học sinh, sinh viên, lao động việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường, nhà ở… Nhờ vận dụng có hiệu quả tín dụng chính sách đã góp phần tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội. qua đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 30,11% (năm 2016) giảm còn 19,79% (năm 2018); bình quân thu nhập đầu người của hộ nghèo tăng 1,5 lần so với năm 2015.
Ông Hoàng Văn Hiêng - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức nhận ủy thác; thẩm định các bước rà soát, kiểm tra mục đích vay vốn, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân, nhất là người dân tộc thiểu số ở các xã, bản đặc biệt khó khăn vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương.
Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới, trong đó có 62/108 xã đặc biệt khó khăn (chiếm 57,4%); tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 36,1%. Bên cạnh đó, xuất phát điểm của nền kinh tế đạt thấp, hạ tầng giao thông đi lại rất khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa, thiên tai lũ lụt, rét đậm, rét hại diễn ra thường xuyên ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống...
Những năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tham mưu phân bổ kịp thời cho các huyện, thành phố, trong đó tập trung vốn ưu tiên phân bổ cho những huyện tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao. Hiện nay, nguồn vốn ủy thác cho vay theo chỉ định của UBND tỉnh và UBND các huyện ước thực hiện hơn 56 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn của tỉnh hơn 44 tỷ đồng, nguồn vốn các huyện trên 12 tỷ đồng; phục vụ cho vay theo 14 chương trình vay vốn. Để đảm bảo công tác quản lý nguồn vốn, lập hồ sơ vay, khảo sát nhu cầu vay trên địa bàn tỉnh có 1.496 tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 54 nghìn khách hàng.
Qua trao đổi với anh Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh chúng tôi được biết, chi nhánh thường xuyên quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; đảm bảo sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ theo chuyên đề để kịp thời phát hiện, khắc phục những sai sót, tồn tại; đồng thời củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn, các điểm giao dịch xã cũng như đôn đốc thu hồi, xử lý kịp thời nợ đến hạn, quá hạn, nợ rủi ro… Qua đó, góp phần phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách và nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ, đảm bảo vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích. Tạo niềm tin của Nhân dân về chính sách tín dụng mà Đảng và Nhà nước triển khai đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Thông qua việc tiếp cận nguồn vốn, từ năm 2016 đến nay nông dân trong tỉnh đã đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản; trồng cây ăn quả - cải tạo vườn tạp; mua máy móc và công cụ lao động đầu tư cho sản xuất kinh doanh; đầu tư hơn 23 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh; tạo việc làm cho gần 4 nghìn lao động; hơn 1.300 căn nhà cho hộ nghèo được xây dựng...
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách hệ thống NHCSXH trong tỉnh làm tốt vai trò tham mưu, chủ động phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện của địa phương, Nhân dân. Tăng cường tuyên truyền huy động tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn; lồng ghép các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội với sử dụng nguồn vốn vay để giúp người vay sử dụng vốn đạt hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ

Nùng Nàng vào vụ thu hoạch lê

Nhiều giải pháp giảm nghèo ở Bình Lư
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Tam Đường







