

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi là thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh ta. Khai thác các lợi thế tiềm năng về đất, nước, khí hậu, các phụ phẩm của cây lương thực, rau màu, các địa phương trong tỉnh tính cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng nông hộ, gia trại, trang trại để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển nói riêng và góp phần phát triển nền kinh tế của tỉnh nói chung.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, ngành chăn nuôi gặp không ít những khó khăn bởi dịch bệnh, thiên tai. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại không nhỏ cho nông dân. Tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 4.000 hộ với hơn 450 bản, tổ dân phố của gần 90 xã, phường trong toàn tỉnh xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi; gần 21.000 con lợn bị nhiễm bệnh và phải tiêu hủy với trọng lượng hơn 800 tấn. Dịch bệnh tả lợn Châu Phi đã làm cho tốc độ tăng trưởng đàn gia súc âm hơn 8%. Với chiều hướng bệnh dịch còn diễn biến phức tạp gây ra tâm lý hoang mang cho người nông dân, vì vậy việc tái đàn lợn trong thời điểm này là rất khó.
Nhân dân phường Quyết Tiến (thành phố Lai Châu) chăm sóc đàn gia cầm.
Để vực dậy ngành chăn nuôi, đảm bảo sự phát triển ổn định, góp phần chung vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các cơ quan chuyên môn, địa phương cùng Nhân dân trong tỉnh đã, đang triển khai nhiều nhiều giải pháp thiết thực. Ông Phạm Anh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh còn 65 xã vẫn còn dịch tả lợn Châu Phi, vì vậy chúng tôi không khuyến khích tái đàn lợn mà tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng chăn nuôi đàn gia cầm, trâu, bò, tăng mật độ nuôi thủy sản. Các cấp, các ngành thực hiện chương trình, dự án có nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước sẽ không hỗ trợ lợn như mọi năm mà sẽ chuyển sang hỗ trợ thủy sản, gia cầm. Đối với các hộ dân chưa bị nhiễm dịch mà nuôi lợn nái để nhân giống thì khuyến khích tăng trưởng đàn tự nhiên, quản lý tái đàn cơ học.
Ngoài ra, Chi cục phối hợp với các địa phương quyết liệt triển khai hiệu quả tiêm vắcxin phòng bệnh định kỳ cho đàn vật nuôi; tăng cường công tác, kiểm tra, phát hiện sớm các loại dịch bệnh có thể xảy ra đối với đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi phun tiêu độc khử trùng hàng năm, vệ sinh chuồng trại hàng ngày; vận động người dân thực hiện dự trữ thức ăn, phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi. Vận động Nhân dân các xã khai thác lợi thế về khí hậu để nuôi cá nước lạnh; tiềm năng của các lòng hồ thủy điện nuôi cá lồng; tăng mật độ nuôi cá trong ao hồ, chuyển hướng từ tự cung, tự cấp sang hàng hóa thị trường,...
Cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các hộ dân trong tỉnh chủ động chuyển hướng từ nuôi lợn sang gia cầm, thủy sản để đảm bảo thu nhập hàng tháng đáp. Bà Nguyễn Thị Mai ở tổ 3 (phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu) cho biết: Mấy năm nay giá lợn bấp bênh, dịch bệnh nhiều, nhất là năm nay xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi nên tôi không có ý định nuôi lợn, thay vào đó có ít diện tích đất trống sau nhà tận dụng nuôi gà, chim, vừa phục vụ nhu cầu thực phẩm, vừa bán kiếm thêm thu nhập. Hiện tại, gia đình tôi nuôi hơn 100 con gà, chim bồ câu, giá gà cao mà ổn định, vì vậy tôi nuôi gối đàn. Hầu như tháng nào cũng có sản phẩm bán, trung bình thu từ 3-5 triệu đồng tiền gà, trứng, phụ thêm với lương hưu cũng đủ chi tiêu.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện tại, toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm hơn 1,4 triệu con các loại, gần 120.000 nghìn con trâu, bò, ngựa; diện tích ao nuôi trồng thủy sản ước đạt 949.88ha; sản lượng nuôi trồng và đánh bắt tự nhiên 10 tháng đầu năm ước đạt hơn 2.000 tấn cá, tính riêng sản lượng nuôi cá ao, lồng đạt gần 2.000 tấn.
Được biết, các đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chuyển từ nuôi lợn sang nuôi trâu, bò, ngựa theo hướng hàng hóa; mở rộng quy mô số lượng và chất lượng để phát triển đàn gia cầm theo chuỗi giá trị liên kết. Đây được coi là hướng đi mới, an toàn, góp phần đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững hơn trong thời điểm hiện nay.

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ

Nùng Nàng vào vụ thu hoạch lê

Nhiều giải pháp giảm nghèo ở Bình Lư
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Tam Đường







