Giữ màu xanh cho rừng
Trở lại Tà Tổng những ngày đầu tháng 3, hình ảnh cán bộ kiểm lâm đến bản tuyên truyền, cùng bà con thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng giúp chúng tôi cảm nhận được quyết tâm giữ rừng của người dân nơi đây. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vàng Văn Thanh - Tổ trưởng phụ trách Trạm Kiểm lâm Tà Tổng cho biết: Trạm hiện có 3 cán bộ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trên 30.000ha rừng trên địa bàn xã Tà Tổng. Với diện tích rừng lớn và Tà Tổng đang vào giai đoạn giao mùa, thời tiết rất khô hanh; người dân trên địa bàn đang vào vụ phát nương, đốt nương nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của UBND huyện và của ngành, trạm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể để bảo vệ rừng.
Theo đó, Trạm Kiểm lâm xã Tà Tổng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp xã; thành lập 1 đội cơ động với quân số trên 30 người, chỉ đạo 100% bản, cụm dân cư thành lập các đội cơ động xung kích, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, đánh giá tình hình và sẵn sàng tổ chức phối hợp với Nhân dân tham gia chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ). Cùng với đó, cán bộ trạm tăng cường cán bộ xuống cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục Nhân dân và tổ chức cho bà con ký kết các quy định bảo vệ rừng gắn với PCCCR; kịp thời ngăn chặn tình trạng xâm canh, xâm cư; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…
Cán bộ Kiểm lâm huyện Mường Tè cùng người dân xã Tà Tổng bảo vệ rừng.
Những nỗ lực của lực lượng kiểm lâm đã mang lại chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân. Anh Vàng Xuân Lình - Trưởng bản Cô Lô Hồ (xã Tà Tổng) chia sẻ: Bản mình có 75 hộ, gần 480 nhân khẩu, được giao chăm sóc và bảo vệ gần 2.000ha rừng. Khác với tập tục của người Mông ngày xưa: sống du canh, du cư, chặt phá rừng làm nương. Giờ bà con người Mông ở bản Cô Lô Hồ không phá rừng nữa, tập trung chăm sóc và bảo vệ rừng, cuộc sống ổn định hơn nhiều nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho những gia đình tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng. Người dân trong bản chỉ canh tác tại diện tích đất nương được Nhà nước giao làm đất sản xuất. Khi phát nương, đốt nương, tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật và bố trí người túc trực không để lửa lây lan vào rừng. Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, dân bản đã có nguồn thu nhập ổn định từ rừng.
Năm 2022, trung bình mỗi hộ dân trong bản Cô Lô Hồ có thu nhập gần 30 triệu đồng. Để giữ rừng, bản thành lập đội xung kích bảo vệ rừng với sự tham gia của toàn thể các hộ gia đình trong bản. Vào mùa khô, bà con chủ động tổ chức phát dọn thực bì, phát đường băng cản lửa tại những vị trí giáp ranh của các khu rừng. Những ngày nắng nóng kéo dài, dân bản thành lập tổ tuần tra những vị trí tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng nhằm hạn chế thấp nhất cháy rừng. Từ việc chủ động bảo vệ rừng, trong nhiều năm qua, diện tích rừng do bản quản lý chưa để xảy ra cháy rừng, tỷ lệ che phủ rừng nâng lên.
Huyện Mường Tè có diện tích rừng khoảng 175.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%, hàng năm người dân được nhận hàng trăm tỷ đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Bảo vệ và phát triển rừng tạo cho người dân thu nhập ổn định. Ông Kiều Văn Vinh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ rừng, Hạt đã chủ động tham mưu với UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện (BCĐ). Tập trung chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, phương tiện sẵn sàng đảm bảo lực lượng cơ động cho nhiệm vụ PCCCR. Phối hợp các xã, thị trấn tổ chức kiện toàn BCĐ cấp xã với trên 400 thành viên; thành lập 126 tổ chuyên trách bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các bản, khu phố; chủ động triển khai các biện pháp PCCCR. Cùng với đó, chỉ đạo cán bộ kiểm lâm phụ trách các xã, tổ chức các đoàn kiểm tra các địa bàn trọng điểm, đẩy mạnh tuyên truyền Nhân dân tham gia bảo vệ rừng…
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Tè lần thứ XX đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65,5% vào năm 2025. Sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, Nhân dân trong bảo vệ, PCCCR, là cơ sở vững chắc để những cánh rừng của huyện thêm xanh và người dân có nguồn thu nhập ổn định, bền vững.
Hà Dũng
Bình luận