

Cách xa trung tâm huyện, xã Nậm Pì có gần 2.400 nhân khẩu sinh sống tại 9 bản, chủ yếu là dân tộc Mông, Mảng. Trước đây, đời sống của bà con phần lớn dựa vào sản xuất nông nghiệp. Việc trồng trọt các loại cây lương thực truyền thống như lúa, ngô tập trung trên đất nương và chỉ đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, vào mùa giáp hạt nhiều hộ gia đình trông chờ vào gạo cứu đói của Chính phủ. Trước tình hình đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân trồng các loại cây công nghiệp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Chủ yếu là các giống cây cao su, mắc ca, thảo quả, sa nhân và sơn tra. Hiện, nhiều diện tích cho thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ trồng.
Người dân bản Pề Ngài 1 (xã Nậm Pì) chăm sóc cây mắc ca.
Được người dân bản Ma Sang và Pề Ngài 2 đưa vào trồng dưới tán rừng của bản từ nhiều năm trước, cây thảo quả trở thành nguồn thu chính của nhiều hộ gia đình. Ông Giàng A Chiến ở bản Ma Sang cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1ha thảo quả trồng dưới tán rừng. Loại cây này rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, chủ yếu cần công chăm sóc. Mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng tiền bán quả thảo quả khô”.
Hiện nay, diện tích thảo quả toàn xã đạt hơn 26ha, năng suất trung bình gần 12 tạ quả/ha. Với giá bán bình quân 110 nghìn đồng/kg, các hộ thu từ 70 – 100 triệu đồng/vụ.
Từ lợi thế có diện tích rừng lớn, tỷ lệ che phủ đạt gần 50% cộng với kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây thảo quả, giữa năm 2018, từ nguồn vốn chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, đề án hỗ trợ các dân tộc đặc biệt khó khăn, xã Nậm Pì triển khai cho người dân trồng gần 80ha cây sa nhân tím. Cũng sống dưới tán rừng nhưng so với cây thảo quả, sa nhân tím lợi thế hơn bởi có thể trồng trên đất rừng gần nhà, dễ chăm sóc, quản lý cũng như vận chuyển sản phẩm. Sau 2 - 3 năm trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch với giá trung bình từ 110 – 220 nghìn đồng/kg, hứa hẹn đem lại giá trị kinh tế cao.
Ngoài hỗ trợ người dân trồng các loại cây công nghiệp, xã Nậm Pì còn đẩy mạnh kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư theo hình thức liên kết trực tiếp với người dân (người dân góp đất, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư cùng trồng cây, chia lợi nhuận theo thỏa thuận). Anh Vàng Văn Chức – Công chức địa chính - nông nghiệp xã Nậm Pì cho biết: “Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cùng người dân trồng các loại cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn xã được chính quyền xã hết sức quan tâm. Vì hầu hết diện tích đất nương của bà con đều bạc màu, không còn phù hợp với cây nông nghiệp. Nếu để người dân tự sản xuất, giá trị kinh tế hầu như không có. Từ việc các doanh nghiệp vào đầu tư trồng cây công nghiệp mới như mắc ca, cao su tạo thêm việc làm và nguồn thu”.
Với diện tích 684ha cao su, 84ha mắc ca có thời gian trồng từ 5 – 7 năm không chỉ hứa hẹn mang lại cho người dân xã Nậm Pì lợi nhuận 10% giá trị sản phẩm sau thu hoạch mà còn tạo thu nhập trước mắt cho nhiều hộ khi tham gia làm công nhân chăm sóc cây trồng cho doanh nghiệp. Ông Vàng A Vừ ở bản Pề Ngài 1 tâm sự: “Bản có 46 hộ, sau các buổi họp, nghe tuyên truyền về lợi ích khi trồng mắc ca, dân bản thống nhất góp hơn 80ha đất nương cho doanh nghiệp. Ngoài cam kết về lợi nhuận sau thu hoạch, hiện doanh nghiệp thuê người dân trong bản làm công nhân chăm sóc mắc ca với tiền công 150 nghìn đồng/người/ngày. Năm nay cây mắc ca bắt đầu cho quả, chúng tôi mừng lắm vì sắp có nguồn thu”.
Tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, đến nay, xã Nậm Pì đã trồng hơn 872ha cây công nghiệp các loại. Góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã lên 12,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình gần 5%/năm.

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ

Nùng Nàng vào vụ thu hoạch lê

Nhiều giải pháp giảm nghèo ở Bình Lư
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Tam Đường







