

Trên con đường đang hoàn thiện nối trung tâm thị trấn huyện Tân Uyên với các xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ, chúng tôi thấy được sự đổi thay trong đời sống của người dân các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung, xã Nậm Sỏ nói riêng. Những năm qua, Nậm Sỏ nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ. Hiện, xã có tổng số 1.391 hộ, trong đó hộ trên 354 hộ nghèo, chiếm 25,43%. Từ Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 135), chính quyền xã đã triển khai linh hoạt để nguồn vốn hỗ trợ phát huy tối đa hiệu quả. Thông qua các tiểu dự án hỗ trợ máy móc, cây trồng, vật nuôi theo nhóm hộ, cá nhân giúp người dân có điều kiện vươn lên ổn định về kinh tế.
Bản Ít Luông có 115 hộ, trong đó 30 hộ nghèo và 18 hộ cận nghèo. Thông qua Chương trình 135, hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 3 con trâu, 8 chiếc máy cày phục vụ sản xuất. Điển hình là gia đình anh Lò Văn Chài, năm 2018 được hỗ trợ một chiếc máy cày góp phần giảm thời gian, công lao động. Anh Chài chia sẻ: “Được hỗ trợ nông cụ, gia đình đẩy nhanh tiến độ sản xuất, tôi có thêm thời gian đi làm thuê để nâng cao nguồn thu. Cùng với đó, gia đình tôi cũng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện mua trâu sinh sản, chăn nuôi thuận lợi giúp tôi trả hết nợ và thoát nghèo. Hiện, tôi đang cố gắng chăm sóc tốt đàn trâu 3 con để có thu nhập cao hơn".
Anh Lò Văn Chài ở bản Ít Luông sử dụng máy cày được hỗ trợ phục vụ sản xuất.
Ngoài ra, xã Nậm Sỏ còn được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ khác của Trung ương, của tỉnh như: Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Quyết định 29 của UBND tỉnh về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017 - 2021. Đây là nhân tố quan trọng góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và dần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã. Song song với đó, nguồn vốn vay ủy thác với các ngân hàng, nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua kênh ủy thác vay vốn của 4 tổ chức hội (Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tỉnh) tiếp sức có hiệu quả đối với chăn nuôi, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện nay, toàn xã có 1.000 hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi với tổng dư nợ gần 40 tỷ đồng. Thông qua kiểm tra, giám sát, các hộ chủ yếu đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, phục vụ sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Từ nguồn vốn vay, cộng với các chính sách hỗ trợ khác, Nhân dân bản Nậm Đanh đã áp dụng cơ giới vào phục vụ sản xuất, chăn nuôi. Cả bản hiện có trên 50ha ruộng, trên 60ha diện tích trồng quế và mắc ca. Hết năm 2018, bản chỉ còn 2 hộ nghèo. Anh Lò Văn Oanh - Trưởng bản Nậm Đanh vui mừng kể với chúng tôi: Nhờ có các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nguồn vốn vay thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, bà con trong bản có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo. Bản cùng với các Tổ trưởng tổ vay vốn, Ban giảm nghèo của xã thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ được hỗ trợ, vay vốn nhằm đảm bảo sử dụng đạt mục tiêu đề ra.
Đến hết năm 2018, xã Nậm Sỏ đã hoàn thành 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành các chỉ tiêu khó như: thu nhập, giảm nghèo, phấn đấu năm 2020 cán đích nông thôn mới, xã sẽ tiếp tục vận dụng linh hoạt, có hiệu quả những chương trình, chính sách hỗ trợ, tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế. Trong đó, đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng cây quế, sơn tra và mắc ca, tạo bước chuyển biến trong cơ cấu cây trồng, ngành nghề của địa phương. Hiện, Nậm Sỏ có trên 600ha quế, hơn 200ha sơn tra và trên 100ha mắc ca đang trong giai đoạn kiến thiết và kinh doanh. Chỉ vài năm nữa, các loại cây trồng này hứa hẹn đem lại cho nông dân việc làm ổn định, nguồn thu nhập đáng kể.
Ông Lường Văn Ương - Chủ tịch UBND xã Nậm Sỏ cho biết: Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh, Nhân dân trên địa bàn xã từng bước vươn lên phát triển kinh tế hiệu quả để giảm nghèo bền vững. Từ nhu cầu ở cơ sở, các chính sách được triển khai phù hợp, khích lệ người được thụ hưởng phát huy khả năng sáng tạo, mạnh dạn lao động sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, mở rộng loại hình kinh tế. Các tổ chức đoàn thể phát huy vai trò quản lý, sử dụng nguồn vốn vay cũng như tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự giác trong thoát nghèo, làm giàu. Hàng năm, xã giảm từ 4 - 5% hộ nghèo.
Có thể thấy, để các chính sách, nguồn hỗ trợ phát huy hiệu quả, bên cạnh sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền còn có sự nỗ lực không ngừng vươn lên của Nhân dân các dân tộc, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã Nậm Sỏ.

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ

Nùng Nàng vào vụ thu hoạch lê

Nhiều giải pháp giảm nghèo ở Bình Lư
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Tam Đường







