

Tháo gỡ khó khăn
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Quang Huy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: “Lai Châu bước vào xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp: tỷ lệ hộ nghèo chiếm 46,7%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 8,2 triệu đồng/người/năm. Một bộ phận người dân trông chờ Nhà nước hỗ trợ vốn, giống, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, thiếu bền vững. Người dân các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh sản xuất nông nghiệp chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. Kinh tế chậm phát triển là rào cản lớn trong quá trình triển khai xây dựng NTM”.
Nông dân xã Nà Tăm (huyện Tam Đường) thu hoạch lúa mùa.
Trước thực trạng trên, tỉnh vận dụng linh hoạt chính sách của Nhà nước thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ tín dụng, đào tạo nghề; vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Chính quyền các cấp trong tỉnh thực hiện hiệu quả một số đề án trọng tâm gắn với xây dựng NTM như: tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển chăn nuôi; phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao; phát triển cây sơn tra và phát triển hạ tầng thiết yếu tại các khu sản xuất nông nghiệp. Tỉnh huy động hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng dân cư đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai thí điểm nhiều mô hình, dự án khuyến nông giúp nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu nhằm nâng cao thu nhập gia đình. Từ năm 2016 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai 60 mô hình, dự án khuyến nông; trong đó 50 mô hình, dự án trồng trọt; 2 mô hình, dự án chăn nuôi; 5 mô hình, dự án thủy sản và 3 mô hình khuyến lâm. Thông qua các mô hình, dự án khuyến nông, ngành Nông nghiệp tỉnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho người dân tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được nông dân trong tỉnh ứng dụng và nhân rộng góp phần thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Cụ thể, ngành Nông nghiệp tỉnh định hướng cho bà con tái cơ cấu trồng trọt với quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bà con tích cực tham gia các lớp tập huấn, khuyến nông và các dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩn nông nghiệp. Nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoạt động hiệu quả. Đến nay, tỉnh hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa như: 2.358ha lúa; hơn 6.000ha chè; 544ha cây ăn quả ôn đới; gần 2.000ha sơn tra và 804ha mắc-ca. Hướng dẫn người dân tái cơ cấu chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại; hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư; khuyến khích bà con áp dụng công nghệ cao, tổ chức chăn nuôi khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi với quy mô lớn thay cho chăn nuôi nhỏ lẻ trước đây. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh đạt hơn 5%/năm với tổng đàn gia súc đạt 367.280 con. Toàn tỉnh có 19 HTX chăn nuôi, 14 HTX trồng trọt, 10 HTX thủy sản, 4 HTX lâm nghiệp, 30 HTX nông nghiệp tổng hợp.
Nâng cao thu nhập
Thành phố Lai Châu là một trong những địa phương tiêu biểu gắn xây dựng NTM với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Các xã, phường quy hoạch, lập đề án đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung; thâm canh tăng vụ nhằm khai thác triệt để quỹ đất. Thành phố ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ nhằm đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ và hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tại địa bàn 2 xã San Thàng và Nậm Loỏng. Đồng thời, thu hút nguồn vốn, lồng ghép các chương trình, dự án, đề án với xây dựng NTM như: phát triển vùng chè chất lượng cao; sản xuất nông nghiệp hàng hóa và mô hình khuyến nông. Ngoài ra, các xã, phường chú trọng phát triển mô hình HTX sản xuất nông nghiệp; tạo điều kiện cho người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với các doanh nghiệp chế biến; tăng cường đầu tư xây dựng, sửa chữa kết hợp quản lý và khai thác hiệu quả các công trình thuỷ lợi; thực hiện tốt công tác khuyến nông, phòng trừ sâu bệnh. Toàn thành phố có 12 HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả, tiêu biểu như: bà Nguyễn Khánh Hòa ở phường Đông Phong với mô hình nuôi lợn thương phẩm; ông Hà Xuân Huy ở phường Đoàn Kết phát triển chăn nuôi, trồng trọt; ông Vũ Đăng Nẩy nuôi thả thủy sản và ông Tạ Văn Hiền ở xã San Thàng chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp...
“Xác định, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là việc làm cần thiết, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thành phố chỉ đạo tăng 2 vụ cây trồng/năm với hơn 400ha thay cho sản xuất 1 vụ trước đây; đàn gia súc tăng trưởng 6%/năm và mở rộng diện tích nuôi thả thủy sản đạt 98,8ha. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn trên địa bàn thành phố từng bước được nâng lên, an ninh nông thôn đảm bảo, diện mạo nông thôn khởi sắc” - ông Lương Chiến Công, chủ tịch UBND thành phố cho biết thêm.
Cùng sự khởi sắc của nông nghiệp thành phố, huyện Tân Uyên cũng là địa phương thu nhập cao từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện các đề án phát triển chè, quế, mắc-ca và sản xuất nông sản hàng hóa. UBND huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 32,67 triệu đồng/năm (tăng 25,91 triệu đồng/người so với năm 2011).
Ông Ngọ Doãn Bình - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Uyên cho biết: “Thời gian qua, Phòng NN&PTNT huyện định hướng cho bà con tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Bà con đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như: lúa hàng hóa; chè, quế, sơn tra và mắc-ca. Đến nay, toàn huyện có 8/9 xã đạt tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM. Đây là tiền đề để huyện Tân Uyên phấn đấu được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2020”.
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh năm 2019 ước đạt 37 triệu đồng (tăng 28,8 triệu đồng/người so với năm 2011). Lao động nông thôn thu nhập khá ổn định góp phần rút ngắn khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông thôn với đô thị
Nhờ gắn xây dựng NTM với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thời gian qua, nông dân tỉnh ta từng bước thay đổi nhận thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo diện mạo nông thôn khởi sắc.
(Còn nữa)

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ

Nùng Nàng vào vụ thu hoạch lê

Nhiều giải pháp giảm nghèo ở Bình Lư
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Tam Đường







