Thứ sáu, 04/10/2024, 16:00 [GMT+7]

Tân Uyên hỗ trợ phát triển chè

Thứ năm, 29/08/2024 - 10:07'
Được mệnh danh là “thủ phủ” của cây chè tại Lai Châu, song song với chỉ đạo đảm bảo chỉ tiêu trồng mới hằng năm và cả nhiệm kỳ, chính quyền huyện Tân Uyên có nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ việc khai thác chế biến, sản xuất chè để tạo ra sản phẩm chè có chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo báo cáo của huyện, từ năm 2021 đến nay, Tân Uyên thực hiện trồng mới 298,7ha chè, nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên 3.617,4ha, trong đó chè kinh doanh 3.327,5ha. Là cây trồng bén rễ lâu năm, tận dụng thế mạnh huyện mở rộng diện tích trồng mới, giờ đây, chè là cây trồng chính mang lại nguồn thu nhập ổn định và là màu xanh của no ấm, trù phú trên mỗi bản ở Tân Uyên. Hương chè Tân Uyên đã lan tỏa đi thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Đông, Trung Quốc.
Với chính sách thu hút tích cực, mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư, tháng 3 vừa qua, Nhà máy Chế biến chè Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên đi vào vận hành. Đây là công ty cổ phần trà thứ 2 (sau Công ty Cổ phần Trà Than Uyên) hoạt động quy củ với quy mô lớn, theo hướng liên kết với cơ sở khác để sản xuất ra sản phẩm chè chất lượng cao, xuất thành phẩm ra thương trường. Nhờ đó mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm chè Tân Uyên được nâng cao giá trị và giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho lao động địa phương. Nhận xét về việc đồng hành của chính quyền và cơ quan chuyên môn huyện, ông Đỗ Viết Trung - Giám đốc Công ty cho biết, đơn vị đã đầu tư trồng chè nhiều nơi, nhưng tại huyện Tân Uyên có sự thông thoáng trong cơ chế, nhờ đó đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Đây chính là điều kiện quan trọng để công ty yên tâm sản xuất, chế biến các sản phẩm chè, nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm.

Vùng chè nguyên liệu rộng lớn tại xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên).

Qua tìm hiểu được biết, trong những năm gần đây, huyện Tân Uyên chú trọng phát triển các mô hình kinh tế trọng điểm trong việc thu hút đầu tư, liên kết hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với sản phẩm chè. Điều đó thể hiện qua việc kêu gọi, thu hút các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) liên kết với người dân xây dựng nhà máy chế biến chè theo hướng chế biến sâu. Thời gian qua đã kêu gọi thu hút được 4 công ty, HTX xây dựng nhà máy chế biến chè, nâng tổng số lên 15 nhà máy chế biến. Để thu hút, tạo cơ hội, điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè trên địa bàn, huyện thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Đồng chí Lò Văn Biên - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các dự án trên địa bàn huyện nói chung, các doanh nghiệp, HTX sản xuất chế biến chè nói riêng về các nội dung công việc liên quan đến thực hiện dự án và khi doanh nghiệp, HTX có đề xuất cần sự hỗ trợ của tổ công tác. Nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh chóng, thuận lợi cho các nhà đầu tư vào địa phương. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục đầu tư, thủ tục giao đất, thuê đất, thẩm định và chấp thuận địa điểm đối với các dự án đầu vào địa bàn huyện, đồng thời có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án.
Ngoài ra huyện cũng thực hiện lồng ghép các chính sách hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng; cam kết và đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khi đầu tư vào nông nghiệp được hỗ trợ đúng, đủ theo chính sách hiện hành. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, giới thiệu quảng bá sản phẩm, chỉ dẫn địa lý đối với những nông sản có thế mạnh của vùng, nhất là sản phẩm chè. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện phối hợp với nhà đầu tư trong việc cung cấp thông tin, cập nhật điều kiện thuận lợi của từng khu vực, địa điểm, cùng tham gia khảo sát và đưa ra phương án phù hợp để đầu tư. Ưu tiên mở các lớp tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực sản xuất có thế mạnh như sản xuất chế biến chè. Phối hợp đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Đề xuất cơ quan có thẩm quyền để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư liên quan đến sản xuất chế biến chè.
Với sự quan tâm ưu tiên tối đa cho phát triển chè, chắc chắn cây trồng này sẽ còn phát huy mạnh mẽ trong vai trò kinh tế chủ lực của địa phương. Và như thế, công cuộc giảm nghèo của huyện sẽ đạt nhiều kết quả cao hơn.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Ông Mình làm kinh tế giỏi
Với tâm niệm “Còn sức khỏe là còn lao động”, nhiều năm qua, ông Chảo Chản Mình (60 tuổi, dân tộc Dao ở bản Nậm Chà, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn) không ngừng nỗ lực, gương mẫu đi đầu trong phong...