Thứ bảy, 14/12/2024, 18:06 [GMT+7]

Tăng thu nhập cho người dân từ giống cây trồng mới

Thứ ba, 12/11/2024 - 10:53'
Với lợi thế về điệu kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, hiện nay huyện biên giới Nậm Nhùn đang tập trung phát triển cây sâm Lai Châu ở những xã có điều kiện phù hợp, góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Theo Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, sâm Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ đưa vào đối tượng bảo tồn, phát triển, chế biến, thương mại ở quy mô hàng hóa. Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 19/5/2024 về phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2035. Qua rà soát, xác định cụ thể quy mô diện tích, vị trí vùng bảo tồn, định hướng phát triển sâm Lai Châu, UBND huyện Nậm Nhùn xác định vùng thích hợp trồng sâm Lai Châu và vùng dự kiến phát triển sâm Lai Châu trên địa bàn huyện tại các xã: Hua Bum, Nậm Ban, Nậm Hàng, Pú Đao. Đây là các xã có khu vực có độ cao từ 1.500m trở lên, qua khảo sát có 990ha với điều kiện thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của sâm Lai Châu.
Sâm Lai Châu có hàm lượng saponin cao gấp đôi các loại sâm khác trên thế giới (52 saponin), đồng thời có chứa hoạt chất mang tên Majonoside R2 - MR2 lên tới 50% hàm lượng saponin toàn phần. Tác dụng của sâm Lai Châu rất đa dạng, trong đó có tác dụng phòng chống ung thư, ức chế tế bào ung thư phát triển; giúp giảm viêm, giảm đau; chống lão hóa, chống các gốc tự do có hại cho cơ thể, kéo dài tuổi thọ; nâng cao sức khỏe tim mạch, giảm mỡ máu, chống xơ vữa động mạch… Vì vậy, đây là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, khi phát triển cây sâm Lai Châu góp phần hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm cho lao động trên địa bàn huyện. Giá thu mua 1kg sâm tươi trung bình 20 triệu đồng/kg, với những củ sâm lâu năm có thể lên đến 50 - 60 triệu đồng/kg.
Để phát triển cây sâm Lai Châu trên địa bàn, ông Hà Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện Nậm Nhùn nỗ lực triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển dược liệu, trong đó có sâm Lai Châu. Huyện tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư thực hiện dự án trồng dược liệu. Trong đó có tiểu dự án 2, dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dự án hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, trong đó có cây sâm Lai Châu.

Việc phát triển cây sâm Lai Châu góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn).

Huyện đã tổ chức khảo sát, quy hoạch vùng trồng sâm khoa học, đảm bảo tuân thủ pháp luật về lâm nghiệp, đa dạng sinh học. Nuôi trồng, phát triển sâm Lai Châu trong môi trường rừng phải đi đôi với việc bảo tồn tại chỗ nguồn gen, quản lý, bảo vệ, sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng, không làm suy thoái tài nguyên rừng. Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, ưu tiên hình thức liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng các chuỗi liên kết bền chặt; gắn phát triển sâm Lai Châu với phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và phát triển du lịch. Phát triển sâm Lai Châu phải lấy doanh nghiệp, hợp tác xã là trung tâm, cộng đồng dân cư và hộ nông dân là chủ thể. Hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và các hạ tầng thiết yếu tại các vùng trồng tập trung.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện bà con đã trồng được 0,2ha cây sâm Lai Châu tại bản Nậm Vạc 1 (xã Nậm Ban) và 5,5ha tại bản Hua Pảng (xã Nậm Ban). Tại các vị trí đã trồng giải quyết cho khoảng 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Theo đánh giá, diện tích đất để phát triển sâm Lai Châu đến năm 2030 của huyện là 990ha, đồng thời sẽ giải quyết việc làm cho hàng trăm người dân địa phương. Như vậy có thể thấy tiềm năng phát triển cây sâm Lai Châu còn rất lớn.
Ông Đỗ Văn Thắng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn cho biết: Khó khăn đối với doanh nghiệp và người dân khi muốn trồng cây sâm Lai Châu trên địa bàn huyện là chi phí đầu tư ban đầu lớn. Nhà nước hỗ trợ giống, vật tư không quá 126 triệu đồng/ha, mà theo số liệu khảo sát từ các doanh nghiệp trồng sâm, chi phí ban đầu lên trên 300 triệu đồng/ha. Trong đó các dự án phát triển sâm yêu cầu phải là dự án liên kết, doanh nghiệp phải có cam kết hỗ trợ thu mua, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, triển khai ở các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng tối thiểu 50% lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo cùng tham gia thực hiện. Điều này doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vì mang tính rủi ro cao, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Việc phát triển cây sâm Lai Châu không chỉ góp phần phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, giải quyết thu nhập cho người dân địa phương mà còn thực hiện mục tiêu bảo tồn dược liệu, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây sâm Lai Châu trong thời gian tới, huyện Nậm Nhùn tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân. Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 19/5/2024 về phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2024 - 2030.

N.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Anh nông dân vùng biên giới làm giàu từ trông sâm Lai Châu
Thay vì trồng trọt, chăn nuôi theo cách truyền thống, nhiều năm nay, anh Tẩn Sài Sông dân tộc Dao ở bản Lả Nhì Thàng (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ) mạnh dạn đổi mới tư duy làm kinh tế. Với việc...