

Thương hiệu rượu Mông Kê
Đến với Lai Châu, không thể không nhắc đến hương rượu Mông Kê của đồng bào dân tộc Mông ở các bản: Sùng Phài, Sin Chải, Trung Chải, Tà Chải (xã Sùng Phài, huyện Tam Đường); Sin Páo Chải, Sùng Chô (thị xã Lai Châu). Đó là loại rượu được chưng cất từ những hạt ngô thơm dẻo quyện với vị ngọt ngào khó quên của những hạt kê bùi bùi, ngậy ngậy.
Còn bao nhiêu người dân muốn trồng và nấu rượu Mông Kê bán ra thị trường như chị Kẻ?
Ngô và kê dùng để làm rượu được trồng trên vùng đất sỏi đá của vùng núi cao. Người Mông ở đây lấy hai thứ được kết tinh từ hương đất trời đó làm men để cất thành thứ rượu uống đến mềm môi thực khách song không đau đầu, thứ rượu êm nhẹ mà đậm đà với dư vị khó quên.
Để nấu rượu Mông Kê ngon không dễ. Người nấu phải biết khi nào thì ngô đã chín tới, không được phép quá lửa dù chỉ 10 – 15 phút. Men kê phải ủ đúng đến độ. Rắc men khi ngô vẫn còn hơi nóng thì ủ rượu dễ bị chua. Rượu Sùng Phài chính hãng là loại rượu nấu nhiều nhưng chỉ được ít rượu, qua chưng cất đã chọn lọc lại những gì tinh túy nhất từ ngô và kê. Để càng lâu rượu càng ngả màu vàng, mở nút chai đã thấy hơi rượu thơm lừng.
Rượu Mông Kê – thứ hương vị hấp dẫn đã trở thành đặc sản, thương hiệu được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến. Đó là nhờ HTX Sùng Phài (bản Sùng Chô, xã Nậm Loỏng, thị xã Lai Châu) quảng bá, bán sản phẩm với thương hiệu rượu Mông Kê.
Ở chợ San Thàng, tuy quảng cáo là rượu Mông Kê, song bà con đều dùng men Việt Nam, Trung Quốc nấu rượu.
Được biết quy trình sản xuất từ khâu chọn giống ngô, nguồn nước, ủ lên men và chưng cất được bà con các xã thực hiện tại nhà. Sau đó HTX Sùng Phài sẽ thu mua rồi chưng cất lại cho đủ 30 độ, lọc bỏ andehit, độc tố, các loại tạp chất trên dây chuyền hiện đại và hạ thổ trong khoảng 1 năm.
Trong các buổi lễ, tiệc tại tỉnh ta thường xuất hiện những chai rượu Mông Kê của HTX Sùng Phài với mẫu mã khá bắt mắt. Rượu Mông Kê được nhiều người chọn làm quà biếu khách quý; thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Người ta lưu truyền nhau rằng: uống rượu Mông Kê có tác dụng kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng, bồi bổ xương khớp và lưu thông khí huyết. Rượu đặc biệt phù hợp với các bữa tiệc liên hoan có nhiều thức ăn chứa nhiều đạm và chất béo như: đồ hải sản, thịt chó, đồ lẩu, nướng…
Những trăn trở
“Khó mua được rượu Mông Kê chính hãng” - là lời than phiền của những người “sành rượu” mỗi khi dạo qua các chợ phiên San Thàng, các chợ trên địa bàn thị xã.
Vẫn hình ảnh một hàng các can rượu lớn nhỏ và lời chào mời từ phía bà con dân tộc Mông, vẫn loại rượu được ủ từ những hạt ngô bùi, thơm, song... men rượu đã khác. Bởi nấu rượu cũng đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân vùng cao, nhưng lượng kê trồng trong vùng không nhiều, làm men kê lại đòi hỏi phải kỳ công, tỉ mẩn.
Anh Chang A Chỉnh, bản Sin Páo Chải (xã Nậm Loỏng) cho biết: “Giờ đây chúng tôi chủ yếu chỉ nấu rượu Mông Kê uống trong gia đình hoặc cho họ hàng. Còn nấu bán thì ra chợ mua men về nấu, vừa đỡ mất thời gian làm men, được nhiều rượu, người uống thấy rượu nặng hơn”.
Theo lời anh Chỉnh, chúng tôi ra chợ xép Nậm Loỏng và chợ San Thàng để hỏi mua men nấu rượu. Men sản xuất trong nước đắt hơn, từ 25.000 – 30.000 nghìn đồng/gói. Men sản xuất tại Trung Quốc giá chỉ bằng một nửa, dao động từ 12.000 – 15.000 nghìn đồng/gói. Chưa biết các loại men này có tác dụng ra sao, song người mua rượu ở chợ phiên thường hay than phiền rằng rượu uống nhanh say, đau đầu và hại gan. Vẫn cách nấu ấy, song chỉ thay đổi loại men là mùi vị, màu sắc rượu đã không còn như trước.
Chúng tôi đến gia đình chị Hảng Thị Kẻ ở bản Sùng Chô (xã Nậm Loỏng) khi chị đang chăm sóc vườn kê. Lá kê thon dài như lá lúa, nhưng cao hơn, bản lá dày, thường trồng từ tháng 3 và thu hoạch vào tháng 9.
Chúng tôi biết đến chị qua lời kể của những người dân vùng cao nơi đây. Họ nói chị thường cất công đến các nương, rẫy để thu mua kê về làm men nấu rượu. Đối với gia đình chị thì nấu rượu là nghề gia truyền và chỉ sử dụng duy nhất men kê. Rượu chị nấu có khách quen đến tận nhà mua. Giá rượu nấu bằng men Trung Quốc trôi nổi trên thị trường là 20.000 nghìn đồng/lít, rượu Mông Kê chị làm mất thời gian hơn, lượng rượu được ít hơn nhưng giá cũng chỉ đắt hơn 5.000 nghìn đồng/lít. Người sành rượu dễ nhận thấy nếu đúng là rượu Mông Kê thì khi giọt rượu đầu tiên tan dần, họ đã có cảm giác nóng bừng, rồi vị ngọt đằm đó tỏa lan khắp cơ thể, rất thích hợp khi uống trong cái lạnh của núi rừng, thực khách uống một lần thì nhớ mãi không quên...
Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ, để gìn giữ thương hiệu, các ban, ngành liên quan cần có giải pháp để bà con lại làm men kê nấu rượu. Và những gia đình tham gia HTX phải nấu và đóng chai đúng loại rượu có uy tín, không vì lợi nhuận mà bán rượu không đảm bảo chất lượng như quảng cáo ở nhãn mác.
... Hương rượu Mông kê luôn nhắc những người đi xa nhớ về quê nhà. Nếu không được gìn giữ, vài năm sau thương hiệu rượu Mông Kê chỉ là hoài niệm.
Tin đọc nhiều
Nậm Hàng tích cực chăm sóc lúa đông xuân
Nông dân Bản Giang: Phát triển nông nghiệp hàng hóa

Thủ tướng tiếp đoàn 60 doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam

Tuần lễ Thương hiệu quốc gia chào mừng Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4

Điểm sáng trong công tác trồng rừng

Bình Thuận: Xây dựng Mũi Né thành trung tâm du lịch mang tầm quốc tế

Chủ động chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh

Tinh gọn bộ máy tạo động lực phát triển






