

Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”
Chúng tôi tới thăm mô hình chăn nuôi của gia đình anh Mùa Sì Páo ở bản Hải Hà (xã Tả Ngảo). Trao đổi với chúng tôi, anh Páo chia sẻ: “Trước kia, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong bản chỉ biết trồng mấy sào lúa, nuôi vài con gà, lợn; trâu, bò thì thả rông trên nương. Vì vậy, nhiều khi gia súc, gia cầm chết do dịch bệnh, chết rét… không đem lại hiệu quả kinh tế. Đến năm 2015 từ nguồn quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh gia đình tôi được hỗ trợ hai con dê, cùng sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ chuyên môn huyện, xã tôi đã thay đổi cách chăn nuôi. Gia đình tôi làm chuồng trại kiên cố, chủ động trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Mùa đông ở Sìn Hồ rất lạnh nên tôi che chắn chuồng trại và chủ động phòng trừ dịch bệnh cho gia súc bằng cách tiêm vắc-xin phòng bệnh. Giờ đây, tôi đang nuôi 4 con bò, 3 con trâu và khoảng 100 con dê. Nhờ chuyển đổi từ chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi có chuồng trại, đàn gia súc của gia đình được bảo vệ, trung bình mỗi năm thu về gần 300 triệu đồng từ chăn nuôi. Cuộc sống khấm khá, có của ăn, của để”.
Chia tay anh Páo, chúng tôi tới khu 5 (thị trấn Sìn Hồ) để “mục sở thị” mô hình nuôi nấm đông trùng hạ thảo của anh Đặng Kiên, đây là mô hình đầu tiên ở nơi cao nguyên đá.
Anh Kiên hồ hởi khoe: Đông trùng hạ thảo có nhiều lợi ích như: thông phế, bổ phổi, an thần. Chính những lợi ích đó mà trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở nuôi và bán đông trùng hạ thảo tươi, khô. Vì vậy tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu và thấy rằng khí hậu của huyện rất phù hợp để thực hiện. Do đó, đầu năm 2023 tôi mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua máy móc, thiết bị và mua công nghệ nuôi nấm đông trùng hạ thảo từ nước ngoài về triển khai trồng”.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ thăm mô hình nuôi nấm đông trùng hạ thảo của anh Đặng Kiên.
Sau gần 1 năm nuôi nấm đông trùng hạ thảo anh Kiên đã xuất bán và thu về được hơn 800 triệu đồng. Cũng từ mô hình nuôi nấm đông trùng hạ thảo của anh Kiên đã tạo việc làm thời vụ cho lao động trên địa bàn với mức thu nhập khoảng 200-300 nghìn đồng/ngày/người. Điển hình là sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của cơ sở anh vinh dự được công nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu tỉnh năm 2023 và đạt sản phẩm OCOP của huyện.
Triển khai nhiều giải pháp
Nhớ lại những năm trước 2010, người dân trên địa bàn chỉ biết chăn nuôi, trồng trọt theo hình thức tự cung tự cấp, chăn thả tự do và luôn chỉ biết trung thành với các loại cây như: lúa, ngô, khoai, sắn. Và điều đáng nói là người dân ngại thay đổi khi chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, bức tranh nông nghiệp của huyện là một gam màu tối, kéo theo tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp (năm 2010: tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 52,52%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 15 triệu đồng/người/năm).
Để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, thông qua các chương trình, nghị quyết như: phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030… huyện hỗ trợ người dân thực hiện mô hình kinh tế. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng các mô hình kinh tế điển hình, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Cùng với đó, các ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Khi có vốn và kiến thức, nhiều hội viên nông dân tận dụng lợi thế về đất đai, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Anh Nguyễn Khắc Tiệp - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Phòng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đưa các loại cây, con giống có năng suất chất lượng cao vào sản xuất và thâm canh tăng vụ. Nhất là chú trọng tổ chức liên kết “4 nhà” (Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp) để tạo ra sản phẩm hàng hóa, giúp người dân biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Một trong những việc làm thiết thực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng đó là năm 2018 người dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng cây đương quy. Ban đầu chỉ từ 1ha theo hỗ trợ Chương trình 30a/CP, sau một thời gian trồng đã cho sản lượng, thu nhập cao gấp 4-5 lần so với trồng ngô nên người dân tự chuyển đổi sang trồng đương quy. Đến nay, toàn huyện đã có 60ha đương quy, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Đối với chăn nuôi trước đây chủ yếu là nuôi thả rông với các vật nuôi như: lợn, trâu thì nay nông dân đã biết đầu tư chuồng trại chăn nuôi tập trung và nuôi đa dạng các loại con như: dê, hươu, ngựa.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng diện tích cây lương thực có hạt 11.849ha; 1.355ha diện tích trồng cây ăn quả; khoảng 600ha cây dược liệu; tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện là 79.925 con, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc năm 2023 là 5,4% (tăng 5% so với cùng kỳ). Từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giúp người dân trên địa bàn có thêm thu nhập, giảm nghèo. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 4-5%.
Tin đọc nhiều
Khách hàng là trung tâm của sự phát triển bền vững

Nhân rộng diện tích trồng sâm Lai Châu

“Mở đường” cho nông sản vùng thấp Sìn Hồ
UBND huyện Nậm Nhùn tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 5

Lai Châu chuẩn bị tổ chức sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử”

Huyện Tam Đường: Vào vụ trồng chanh leo

Bước chuyển mình đáng tự hào

Trồng chè theo hướng hữu cơ









