

Rừng – nguồn sống và trụ cột phát triển
Với vị trí đầu nguồn Sông Đà, rừng Lai Châu đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp và điều tiết nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt cho vùng hạ lưu, đồng thời hỗ trợ các công trình thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát. Rừng không chỉ giúp duy trì nguồn nước, phòng chống xói mòn, ngăn chặn sa mạc hóa, mà còn góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, và đảm bảo an ninh năng lượng, quốc phòng.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án nhằm phát triển rừng bền vững. Mục tiêu là tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò của rừng. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao, đặc biệt là việc phòng cháy chữa cháy rừng, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Song song với việc trồng rừng và phủ xanh đất trống đồi núi trọc, Lai Châu đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển rừng. Tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp tham gia trồng rừng, xây dựng nhà máy chế biến lâm sản, từ chế biến gỗ đến sản xuất dược liệu. Đặc biệt, mô hình giao khoán rừng cho hợp tác xã, cộng đồng thôn bản, doanh nghiệp và hộ gia đình đã được triển khai rộng rãi, gắn trách nhiệm và quyền lợi của người dân với rừng.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, doanh nghiệp và hợp tác xã. Năm 2024, tổng diện tích rừng được cung ứng dịch vụ môi trường rừng đạt 460.223 ha, với đơn giá chi trả bình quân 1,02 triệu đồng/ha. Hơn 82.000 hộ gia đình tham gia nhận hợp đồng bảo vệ rừng, với thu nhập bình quân khoảng 5,13 triệu đồng/hộ/năm.
Quản lý, bảo vệ rừng để hưởng lợi nhiều hơn từ rừng
Công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng được thực hiện hiệu quả với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Tỉnh Lai Châu đã ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), ảnh viễn thám và các phần mềm quản lý rừng tiên tiến, giúp nâng cao hiệu quả giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Các tổ quản lý, bảo vệ rừng tại các thôn bản và cán bộ kiểm lâm đóng vai trò quan trọng trong công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi khai thác rừng trái phép.
Nhờ làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng hàng năm, Lai Châu đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất cho vùng hạ lưu sông Hồng trong mùa khô và chống lũ trong mùa mưa. Bảo đảm cho sản xuất điện thông suốt nhằm cung ứng điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân trong khu vực và trên cả nước; góp phần quan trọng trong việc duy trì môi trường sống trong lành ở Việt Nam. Đặc biệt, nhờ phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nhiều năm qua, Lai Châu đã giảm rõ rệt về thiên tai, lũ quét và sạt lở đất, giảm tối thiểu thiệt hại về người và tài sản cho nhà nước; nhất là mỗi năm, có hàng trăm hộ dân thoát nghèo nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Trong tương lai, Lai Châu hướng đến mục tiêu tham gia thị trường tín chỉ carbon, với tiềm năng lớn từ REDD+ (giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng). Rừng Lai Châu có thể tạo ra khoảng 50-70 triệu tấn tín chỉ carbon, mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng nếu xuất khẩu thành công. Đây không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tin đọc nhiều

Nhiều cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới

Sức vươn kinh tế tập thể

Nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế ở Đồn Biên phòng Huổi Luông

Điểm sáng trong công tác trồng rừng

Quỹ Tín dụng Nhân dân Nguyễn Huệ: Đại hội Đại biểu thành viên năm 2025
21 năm - Hành trình của "ánh sáng"

'Vén màn' bí ẩn chè cổ núi Tam Đảo thuộc địa phận Thái Nguyên - Kỳ 2: Giống chè Shan quý
Bản Sơn Hà vươn lên





