

Phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương có hệ thống sông suối phong phú, nguồn nước ổn định, khí hậu phù hợp với điều kiện sinh sống của cá nước lạnh, huyện Tam Đường khuyến khích bà con chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp cho năng suất, sản lượng thấp sang phát triển thủy sản. Tuy nhiên, năm 2018, mưa lũ, sạt lở đất đá đã “xóa sổ” một số diện tích nuôi cá nước lạnh của cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài huyện, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Do đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự đầu tư hoặc mạnh dạn vay vốn với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng, chương trình hỗ trợ sản xuất của các tổ chức Hội, đoàn thể đầu tư xây dựng bể nuôi, hệ thống ống dẫn nước, thức ăn đối với những hộ có hướng nuôi cá nước lạnh và xây dựng mới, đào, sửa chữa hệ thống ao, kênh dẫn nước đối với các hộ nuôi thủy sản thông thường theo cách truyền thống. Khuyến khích và có chính sách phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nuôi cá nước lạnh. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập cho người dân, hướng tới cung cấp sản phẩm cá nước lạnh lớn nhất tỉnh, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Bà con xã Bản Giang phát triển nghề nuôi thủy sản.
Ông Nguyễn Hồng Quân – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: Do ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở đất đá, nhiều diện tích nuôi cá nước lạnh tại xã Sơn Bình bị vùi lấp, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho tổ chức, cá nhân và giảm năng suất, sản lượng cá hàng năm của huyện. Khắc phục khó khăn, đến nay, các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đã tái đầu tư xây dựng lại bể và các thiết bị phục vụ nuôi cá nước lạnh; hộ dân sửa chữa ao cá bị tràn, vỡ.
Cùng với đó, Phòng tích cực vận động hộ nuôi thủy sản chọn giống cá phù hợp khí hậu địa phương như: trắm, chép, mè, trôi, vược…; cá nước lạnh: cá tầm, hồi. Vận động, hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng bệnh và chủ động thuốc phòng bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Hiện, toàn huyện có trên 215ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi cá nước lạnh 1,97ha tại 6 cơ sở ở xã Sơn Bình. Những hộ gia đình nuôi cá nước lạnh nói riêng, nuôi thủy sản truyền thống nói chung đã khôi phục lại diện tích nuôi trồng và bắt đầu xuất bán cá thương phẩm ra thị trường.
Là một trong những hộ có diện tích nuôi cá lớn trên địa bàn, được thương lái đến đặt mua với số lượng lớn và ổn định, gia đình ông Vàng Văn Đội ở bản Coóc Pa (xã Bản Giang) có động lực, điều kiện đầu tư chăm sóc tốt hơn. Ông Đội cho biết: Năm 2010, vợ chồng tôi vay Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện và anh em hơn 50 triệu đồng mua đất để đào ao, mua cá giống về thả. Những năm đầu thiếu kinh nghiệm, cá hay bị dịch bệnh, gia đình từng mất trắng cả lứa cá. Tôi tích cực học hỏi và tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó áp dụng vào thực tế. Đồng thời, chủ động đăng ký tham gia lớp tập huấn, dạy nghề nuôi cá nước ngọt do cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tổ chức. Đến nay, hơn 1ha ao nuôi cá trắm, chép, trôi, trê lai ít dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt, bình quân cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường nước, nuôi trồng thủy sản theo các hình thức an toàn. Mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp bà con có thêm kiến thức chăm sóc, phòng dịch bệnh cho cá, lựa chọn cá giống chất lượng. Tuy nhiên, huyện khuyến cáo người dân và các đơn vị đầu tư nuôi cá trên địa bàn gắn nuôi trồng, khai thác với bảo vệ môi trường, nguồn nước, hệ sinh thái.
Với những nỗ lực các cấp, ngành huyện Tam Đường, nhất là người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, ngành Thủy sản của huyện từng bước phát triển ổn định, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.
Tin đọc nhiều

“Mở đường” cho nông sản vùng thấp Sìn Hồ
UBND huyện Nậm Nhùn tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 5

Lai Châu chuẩn bị tổ chức sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử”

Huyện Tam Đường: Vào vụ trồng chanh leo

Bước chuyển mình đáng tự hào

Trồng chè theo hướng hữu cơ
Tam Đường bảo đảm nước sản xuất

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp









