

Người dân bản Đớ, xã Khổng Lào chăm sóc lạc.
Vụ đông xuân năm 2019, gia đình chị Lò Thị Nhâm ở bản Đớ trồng 25kg hạt lạc trên diện tích 1.000m2. Cuối mùa chị thu hoạch được hơn 5 tạ bán lãi được 8 triệu đồng. Nhận thấy trồng lạc có nhiều ưu điểm như bỏ ít công chăm sóc, thị trường tiêu thụ ổn định chi phí đầu tư các loại phân bón thấp do đó năm 2020 gia đình chị đã mở rộng diện tích trồng lạc lên đến 2.000m2. Chị Nhâm chia sẻ: Trước đây gia đình tôi chỉ cấy được 1 vụ lúa hè thu còn để đất rỗi mấy tháng trời rất lãng phí. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang trồng lạc đỏ, tôi không phải thấp thỏm lo lắng việc dẫn nước về đồng ruộng như dạo trước. Thời điểm này, gia đình tôi tập trung nhặt cỏ, chăm sóc để lạc đảm bảo đạt năng suất cao.
Nhiều năm nay, gia đình chị Lừu Thị Linh bản Huổi Nả đều trồng lạc vào vụ đông xuân. Nhờ trồng lạc, thu nhập của gia đình chị Linh được cải thiện. Không những thế, ruộng gần nhà, việc thăm đồng, chăm sóc, theo dõi sự phát triển của cây lạc rất thuận lợi. Chị Linh tâm sự: Năm nay gia đình tôi trồng gần 1.000m2 lạc trắng. Xác định là cây màu chủ yếu gieo trồng ở vụ đông xuân, nên hàng năm gia đình tôi đều chủ động về số lượng hạt giống, làm đất, kết hợp với chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật mà cán bộ khuyến nông bản, công chức phụ trách nông nghiệp xã tuyên truyền. Đến nay, diện tích lạc phát triển tốt, không bị ảnh hưởng các loại sâu bệnh gây hại.
Cũng theo người dân nơi đây, vụ lạc này có nhiều tín hiệu khả quan hơn vụ trước nhờ nắng ấm, mưa nhiều cây lạc có điều kiện phát triển, ra hoa đều, đậu củ sai. Nếu trước đây, lạc sau thu hoạch chủ yếu để dùng phục vụ trong đời sống của bà con thì hiện nay đã trở thành sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường tăng thu nhập. Củ lạc tươi được bán với giá từ 15 – 17 nghìn đồng/kg, lạc khô bán 30 nghìn đồng/kg, cao gấp nhiều lần thóc, ngô, đậu tương. Thậm chí vào vụ lạc, thương lái xuống tận ruộng thu mua mà người dân không có bán. Trồng lạc không lo bị tiểu thương ép giá như các mặt hàng nông sản khác. Hơn nữa cây lạc hợp với thổ nhưỡng địa phương, lại không phụ thuộc vào phân bón nên các gia đình đã giảm được chi phí sản xuất. Sau vụ đông xuân, bà con sẽ tiếp tục trồng lạc ở vụ hè thu nâng cao hệ số sử dụng đất.
Tuy nhiên quá trình phát triển, mở rộng diện tích cây lạc đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho người nông dân nơi đây. Bởi trên địa bàn tỉnh, hạt lạc giống không dồi dào như các loại đậu cô ve, đậu tương, cà chua, khoai hay một số loại hoa màu, cây trái khác. Để có được loại hạt giống tốt, chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng như hợp với đồng đất người dân xã Khổng Lào đã đến các gia đình người Mông, Dao ở các xã vùng cao trong huyện mua. Và cũng chính vì nguồn cung ít nên giá thành cao, gần 40 nghìn đồng/kg đã làm hạn chế việc mở rộng diện tích của bà con.
Anh Nguyễn Đức Kiên – công chức địa chính, nông nghiệp xã Khổng Lào cho biết: Vụ đông xuân này xã Khổng Lào trồng 9ha lạc, nhiều năm qua người dân đã đưa cây lạc vào trồng trên chân ruộng 1 vụ và cho tín hiệu tốt. Đánh dấu sự chuyển đổi cơ cấy cây trồng kịp thời, hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương. Trên địa bàn xã, cây lạc trồng tập trung ở bản Đớ, Huổi Nả và Co Muông. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng lạc để có giá trị cao hơn.
Với mong muốn mở rộng diện tích trồng lạc lớn hơn nữa, người dân xã Khổng Lào kiến nghị các UBND các cấp hỗ trợ hạt giống để bà con có điều kiện tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập gia đình.

Công ty Điện lực Lai Châu thành lập các đội quản lý khu vực

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ

Nùng Nàng vào vụ thu hoạch lê

Nhiều giải pháp giảm nghèo ở Bình Lư







