

Mặc dù có nền kinh tế nông nghiệp là chủ đạo nhưng nông dân trong huyện chủ yếu sử dụng phương thức sản xuất “con trâu đi trước, cái cày theo sau”; tự để giống các loại cây trồng; chỉ sản xuất những mặt hàng nông sản theo nhu cầu sử dụng của gia đình nên năng suất và hiệu quả kinh tế không cao. Với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh thông qua các chính sách, nghị quyết khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng như đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, huyện giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, khảo sát, định hướng các xã, thị trấn khai thác lợi thế, tiềm năng để xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời, tạo cơ chế, chính sách thông thoáng, kêu gọi các hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài huyện tham gia đầu tư liên kết sản xuất.
Riêng năm 2019, huyện Tân Uyên kêu gọi được 2 doanh nghiệp lớn, có nhiều kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp vào đầu tư các mô hình thực nghiệm. Trong đó, Công ty Nafoods Tây Bắc xây dựng mô hình trồng chanh leo với quy mô 1ha tại thị trấn Tân Uyên; Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái (trụ sở tại Hà Nội) xây dựng mô hình trồng cây gai với quy mô 2,34ha tại xã Trung Đồng, Thân Thuộc. Các mô hình đều đạt mục đích, yêu cầu đề ra.
Đây là tiền đề để đầu năm 2020, ngành Nông nghiệp của huyện có những tín hiệu vui khi có khá nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài huyện tham gia khảo sát, tìm hiểu các điều kiện đầu tư sản xuất. Kết quả, Công ty Công ty TNHH MTV giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc tại Lai Châu (trụ sở thành phố Lai Châu) triển khai mô hình trồng nghệ đen tại xã Nậm Sỏ. Đây là mô hình liên kết với hình thức người dân góp đất, Công ty cung ứng giống, phân bón theo hình thức trả chậm (khi thu hoạch củ); hỗ trợ kỹ thuật và ký cam kết bao tiêu sản phẩm.
Anh Đỗ Viết Trung - Giám đốc Công ty cho biết: Trước khi quyết định đầu tư tại xã Nậm Sỏ chúng tôi đã khảo sát kỹ địa hình, nhu cầu cũng như điều kiện sản xuất của bà con. Nhận thấy, nông dân khá quen thuộc với cây nghệ vì từng khai thác từ tự nhiên bán cho thương lái và nghệ đen là cây trồng không kén đất, dễ thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, có thể xen canh trên đất trồng cây lâm nghiệp. Công ty đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, chính quyền xã tổ chức họp dân, triển khai mô hình. Kết quả, đã có 394 hộ đăng ký trồng trên diện tích 138ha. Bắt đầu từ tháng 3, các diện tích bắt đầu được xuống giống.
Đồng chí Lò Văn Pùn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Sỏ hướng dẫn người dân bản Phiêng Sỏ, Ít Luông kỹ thuật trồng nghệ đen.
Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc cũng tiếp tục đầu tư mô hình trồng chanh leo tập trung tại xã Mường Khoa, Trung Đồng, Hố Mít và thị trấn Tân Uyên với diện tích 30,1ha. Công ty TNHH Thương mại tỉnh Lai Châu phát triển cây chuối với diện tích 20ha tại xã Pắc Ta, hiện đã làm đất 10ha (doanh nghiệp thực hiện gieo ươm 80.000 cây giống). Bên cạnh đó, huyện ký kết bản ghi nhớ với Công ty GS Hoding (Hà Nội) về việc khảo sát diện tích trồng chuối tây. Dự kiến trong thời gian tới sẽ triển khai tại các xã: Phúc Khoa, Trung Đồng và thị trấn Tân Uyên với diện tích khoảng 100ha. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định diện tích đủ điều kiện để Công ty TNHH Him Lam Lai Châu thực hiện dự án phát triển cây mắcca tại xã Nậm Sỏ.
Những loại cây trồng lựa chọn đưa vào sản xuất nhằm chuyển đổi hiệu quả diện tích đất ruộng 1 vụ kém hiệu quả cũng như xen canh trên đất trồng rừng kinh tế. Từ đó, nâng cao hệ số sử dụng đất cũng như hướng tới xây dựng vùng chuyên canh như chè, lúa khẩu ký... mà Tân Uyên từng xây dựng trước đây. Hiện, huyện có 2 sản phẩm hoàn thành xây dựng nhãn hiệu chứng nhận là chè Tân Uyên và gạo khẩu ký.
Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Tân Uyên có 19 hợp tác xã, trong đó 11 hợp tác xã đang hoạt động lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp (tăng 8 hợp tác xã so với năm 2015). 2 đơn vị gieo ươm cây chè gồm 4 vườn ươm với khả năng sản xuất 6 triệu bầu chè/năm, đảm bảo cây giống phục vụ Đề án phát triển vùng chè nguyên liệu của huyện; 1 vườn cây đầu dòng với 250 cây nhãn, 3 vườn giống chè được công nhận vườn giống gốc; 2 vườn ươm giống cây lâm nghiệp với quy mô trên 4 triệu cây/năm. 3 cơ ở ấp nở giống gia cầm với quy mô từ 3.000 - 5.000 con/lần. 1 tổ hợp tác xã dịch vụ vật tư, kỹ thuật nông nghiệp; 46 cửa hàng, cơ sở cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn các xã. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, huyện đã triển khai thực hiện 40 mô hình khuyến nông, dự án phát triển sản xuất. Riêng năm 2018 từ nguồn vốn sự nghiệp nông thôn mới triển khai hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cho 7 dự án (củng cố liên kết cho 2 dự án chè, 1 dự án quế; xây dựng chuỗi liên kết mới cho 1 dự án bưởi, 1 dự án thỏ, 2 dự án cá lồng lòng hồ)...
Những con số trên là cơ sở vững chắc để Tân Uyên xây dựng thành công vùng chè, lúa chất lượng cao; thực hiện mô hình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, phát triển trồng rừng sản xuất,... như hiện nay. Và, thành quả lớn nhất là nông dân thực sự hưởng lợi “kép” từ liên kết sản xuất: sử dụng hiệu quả tư liệu về đất, nguồn nhân lực; được chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến, thay đổi thói quen canh tác; có nguồn thu nhập cao, bền vững, đặc biệt không phải đối mặt với nỗi lo “được mùa, mất giá”. Nhờ đó, tạo việc làm thường xuyên cho 26.176/26.473 người dân trong độ tuổi lao động, chiếm 98,88% (tăng 5,2% so với năm 2011, tăng 1,23% so với năm 2015). Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 9,37% (giảm 4,64% so với đầu năm 2019).

Agribank triển khai 2 chương trình tín dụng ưu đãi lớn phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu nhà ở

Hướng đi bền vững cho kinh tế rừng

Tập huấn kỹ thuật nhân giống và thâm canh cây dổi
Hội nghị công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng đến năm 2045

Gỡ khó cho người trồng mắc-ca

Đoàn kiểm tra Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam làm việc tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu

Duy trì điểm giao dịch tín dụng chính sách

Hướng phát triển kinh tế mới









